Văn hóa bán hàng rong ở New York
Nếu xét về số dân thì thành phố New York hiện đứng hạng năm trên thế giới với dân số ước chừng 20 triệu người. New York được xem là bộ mặt của nước Mỹ, nơi tập trung guồng máy kinh tế, tài chính trong nước và thế giới. New York cũng là thành phố đa văn hóa rõ nét nhất trong các thành phố lớn trên toàn nước Mỹ. Thống kê cho biết có khoảng 185 sắc dân trên thế giới đang sinh sống và làm việc tại thành phố này.
Nếu bạn là du khách lần đầu đến New York, chắc hẳn hình ảnh của những người bán hàng rong trên phố sẽ làm bạn ngạc nhiên. Những chiếc xe bán nước si rô đủ màu, kem cây, hot dogs (bánh mì kẹp xúc xích), bắp rang, xe trái cây trên hè phố gợi nhớ cảnh sinh hoạt buôn bán hàng rong ở quê nhà Việt Nam. Tại New York, người chạy xe lôi được xem như làm nghề tự do như người bán hàng rong. Xe lôi đạp tự chế có đăng ký hẳn hoi dành cho khách du lịch hoạt động từ sáng đến tối. Dẫu sao hình ảnh đó vẫn không làm mất đi nét văn minh của những khu phố thương mại sau lớp kính hào nhoáng.
Đã gọi là công việc kiếm sống, nghiễm nhiên người bán hàng rong phải có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ mặc dù không có chứng từ thu chi. Do không thể tính được cụ thể lợi nhuận trong ngày nên cứ mỗi ba tháng hoặc trọn năm, người chịu thuế tự ước lượng thu nhập trong tháng để khai với sở thuế. Việc khai thuế cũng chẳng tốn thời gian, chỉ năm phút là xong tất cả. Luật thuế ở Mỹ xem bán hàng rong là công việc tự mình làm chủ lấy mình, không chịu dưới sự quản lý của ai giống như các ngành nghề dịch vụ khác. Người đã đóng thuế 10 năm trở lên đều được quyền hưởng tiền hưu trí khi đến tuổi về hưu theo luật định.
Anh Roberto Gonzalez người Mexico bán nước si rô và kem cây trên phố Camel cho biết: Mỗi ngày anh bán 10 tiếng, trung bình kiếm được khoảng một trăm đô. Mùa đông thì nghỉ dài dài vì trời lạnh, hôm nào nắng ấm vẫn bán bình thường. Vợ anh làm công việc tạp vụ trong khách sạn. Cuối năm khai thuế, gia đình anh được hoàn thuế và tiền trợ cấp nuôi con cũng lên tới vài ngàn đô. Hỏi xem anh có bị chủ cửa hàng trên phố xua đuổi hay bị cảnh sát phạt vạ gì không, anh Gonzalez cười hề hề: “Có chứ. Thường thì chủ cửa hàng gọi cảnh sát. Có lần cảnh sát đến, tôi sợ lãnh ticket (giấy phạt) nhưng anh cảnh sát chỉ bảo tôi tránh chỗ cửa ra vào cửa hàng. Sau đó, anh ta còn mua hai cây kem nhưng đưa đến năm đô rồi lên xe đi, lại còn chúc tôi một ngày tốt lành”.
Nói là bán hàng rong xe đẩy nhưng người bán mỗi sáng có người nhà hoặc thuê người chở chiếc xe đẩy từ chỗ ở đến những khu cho phép mua bán trên lề đường quanh khu trung tâm thành phố. Chiều bán xong, cứ theo cách đó mà đẩy xe về. Từ khu nhà ở ra khu buôn bán đâu phải gần, xa cả chục cây số, xe cộ đan nhau chạy như kiến nên phải làm vậy thôi. Bán hàng rong không chỉ nhộn nhịp ở New York mà còn tồn tại ở nhiều thành phố lớn khác tại Mỹ. Thậm chí ngay ở những bang miền Nam đất rộng người thưa, người ta vẫn bắt gặp một vài chiếc xe bán cà rem treo cái chuông leng keng của mấy anh người Mễ đẩy bán dạo trong các khu phố dân cư gần trường tiểu học.
Tại Mỹ, bán hàng rong là công việc kiếm sống như mọi nghề khác trong xã hội. Luật pháp Mỹ vẫn xem buôn bán hàng rong là một phần của văn hóa bán buôn truyền thống và tạo điều kiện dễ dàng để những người dân nghèo hành nghề này có thể mưu sinh. Như vậy vừa giữ được nghề bán buôn hàng rong truyền thống mà còn góp phần giảm được ngân sách xã hội.
Leave a Reply