Trải nghiệm đi chợ Việt ở Hoa Kỳ
Nhiều bà con Việt kiều còn bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại các chợ Mỹ và biến nó thành chợ Việt khiến các hệ thống chợ Mỹ như ở VONS, Ralph… dần dần phải di chuyển khỏi khu vực này do không thu hút được khách hàng. Có chợ được tạo thành một hệ thống như là Viễn Đông Supermarket, 99 Supermarket do người Việt gốc Hoa làm chủ. Có những chợ hoàn toàn do người Việt bỏ vốn và làm chủ, còn nhân viên trong chợ chủ yếu là người trong gia đình, hoặc là người Việt Nam.Ở Mỹ, người Việt cũng tập thói quen như người bản xứ là đi chợ vào cuối tuần hay trong tuần chỉ đi chợ một lần chứ không đi chợ hằng ngày như ở Việt Nam. Vì vậy, cứ đến chiều thứ sáu và cả ngày thứ bảy và sáng chủ nhật các chợ Việt rất đông và tìm được chỗ đỗ xe quả là nan giải.
Chợ Việt Nam ở Mỹ có đủ thứ từ thực phẩm, đồ gia dụng, nước uống cho đến vàng, bạc, nhang, đèn, hoa, cau trầu, hoặc chày cối, chổi, xà phòng, các loại rau tươi, hoa quả, thịt cá, các loại gia vị cho đến các món ăn làm sẵn… Nghĩa là đầy đủ các mặt hàng giống như bất cứ chợ nào khác tại quê nhà. Rau tươi thường được các chủ trang trại người Việt trồng trong vùng cung cấp cho các chợ. Hầu như không thiếu bất cứ loại rau tươi nào mà người Việt hay sử dụng hằng ngày. Từ rau xà lách, tần ô, muống, cải xoong, dền, cải nồi, giá đỗ, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi cho đến các loại rau ăn kèm với phở, mì quảng hay món bún bò như: răm, thơm, diếp cá, bạc hà, bắp chuối, húng, muống, khế, chuối xanh… Có điều các loại rau thơm trong đó có rau mùi nom rất “phổng phao” và không đậm hương vị như các loại rau nhập từ trong nước.
Hiện nay, ngày càng có nhiều mặt hàng thực phẩm đóng gói được nhập thẳng từ Việt Nam sang và ghi rõ “made in Viet Nam”, đặc biệt là mì gói, cháo, phở ăn liền, các gia vị để nấu các món phở, bún bò, hủ tiếu, cà phê Trung Nguyên, Vina cà phê, được bà con ta chú ý và trở nên quen thuộc với các gia đình người Việt ở Mỹ. Người đi chợ còn thấy sắn hay ngô Việt Nam đã được hấp hay nấu sẵn, đóng bao bì nhập vào các chợ, người mua chỉ cần mua về bỏ vào lò vi sóng hâm nóng lên là có thể tận hưởng được vị ngọt bùi của miếng sắn hay độ mềm dẻo cùng hương vị của bắp ngô Việt. Ở một số chợ Việt Nam còn có cửa hàng bán phở hay các món ăn khác để thực khách có thể ghé ăn sáng hay ăn trưa.
Vào dịp cuối tuần, nếu có ai tạt ngang qua khu Bolsa (quận Cam), ghé vào các ngôi chợ Việt Nam sẽ thấy rõ sự nhộn nhịp và thật sự cảm nhận được nếp sinh hoạt của người Việt trên đất Mỹ. Dạo phố Bolsa đi chợ Việt cũng là một cách để người Việt gặp nhau, nói tiếng Việt thoải mái mà không cảm thấy rằng mình đang sống ở một nước mà ngôn ngữ Việt không phải là ngôn ngữ chính. Bên cạnh những khu chợ chính thống còn có những chợ lề đường mà người Việt gọi là chợ xép. Chợ xép hầu như chỉ có phiên vào sáng chủ nhật hằng tuần. Hầu hết hàng ở chợ đều là “cây nhà lá vườn”, đặc sản Việt Nam như: bầu, bí, mướp hương, mướp đắng, rau muống, rau lang, rau đay…
Đến đây mọi người như trở về với những chợ phiên vốn đang mai một tại Việt Nam. Những cái ghế đòn nhỏ, những chiếc nón lá, áo bà ba, tiếng kỳ kèo trả giá của người mua, người bán… tại đây luôn đem lại cảm giác khó tả và gợi nhớ về một miền xa trong ký ức. Mua bán chỉ là chuyện nhỏ. Điều quan trọng hơn khi đến với chợ xép là được trò chuyện, tâm sự với nhau chuyện gia đình bằng tiếng Việt. Vì thế chợ xép của người Việt ở Mỹ không chỉ là điểm đến của người Việt tại Mỹ mà còn của người Việt bốn phương khi có dịp thăm xứ Cờ hoa.
Leave a Reply