TPP: Đạp tung cánh cửa lớn vào siêu thị Hoa Kỳ
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự báo sẽ tạo ra dòng dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam.Trong khi hiệp định này đang được đàm phán, các nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ như Walmart, Knoger và Lowe đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua hàng trực tiếp.
Walmart, Kroger gõ cửa
Hiện tại, vòng đàm phán thứ 18 của TPP đang diễn ra tại Malaysia (ngày 14-25/7) và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. TPP được kỳ vọng là sẽ tạo ra chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, trong đó, Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất. Đối với Việt Nam, lợi thế về thuế quan rất quan trọng trong việc xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Đây là một thị trường tiêu dùng lớn của thế giới, nơi hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ nhiều nước khác, trong đó có những đối tác đã được các nước này cho hưởng ưu đãi thuế quan.
Ông Fred Burke, Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), cho rằng, hai trong số các lợi thế của Việt Nam trong thương mại với Mỹ là xuất khẩu nông sản và may mặc. Hiện tại, mặt hàng thủy sản đóng hộp nhập khẩu vào Mỹ đang chịu mức thuế suất là 28% nhưng khi có TPP thì chỉ còn 0%. Không chỉ thế, theo tính toán của các chuyên gia, mức tăng xuất khẩu của Việt Nam sau khi vào TPP có thể lên đến 34%. Mặt khác, Mỹ có thể dành ra ba năm để giúp Việt nam xây dựng chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.
Như vậy, Việt Nam có thể giải quyết khó khăn về xuất xứ hàng hóa vì 40% nguyên liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, nước không tham gia vào TPP. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn có thể thông qua các đối tác Mỹ như Walmart, Lowes, Kroger…, vốn đã xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, để đưa hàng hóa đi khắp thế giới.
Thông tin từ các chuyên gia, hiện tại, nhà bán lẻ số 1 thế giới Walmart đã có giấy phép mua hàng từ Việt Nam. Những ngày vừa qua, không chỉ tiếp xúc với các DN của AmCham, Walmart còn gặp gỡ các hiệp hội DN trong nước “đánh tiếng” tìm đối tác để mua hàng bán vào hệ thống phân phối của họ. Trước Walmart, tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai tại Mỹ Kroger và Siêu thị nông sản Luckys Farmers Market (Mỹ) cũng đã đến Việt Nam tìm nhà cung ứng. Thật ra, từ nhiều năm nay, Kroger đã mua hàng của Việt Nam nhưng thông qua trung gian và lần này họ muốn làm việc trực tiếp với các DN Việt Nam.
Ông Tim Kelbel, Phó chủ tịch Phụ trách nhãn hiệu DN và nguồn cung toàn cầu của Kroger, cho biết, dự kiến, mỗi năm, tập đoàn này sẽ nhập khẩu khoảng 5 – 6 tỷ USD, trong đó, 4 – 5% sẽ mua từ VN. Hiện Kroger đang mua cà phê Việt Nam với kim ngạch đạt khoảng 50 triệu USD mỗi năm. Trong chuyến đến Việt Nam mới đây, ông Jason Brown, Tổng giám đốc Phát triển thị trường của Siêu thị nông sản Luckys Farmers Market, cho biết, đơn vị này đang thực hiện dự án mở rộng các siêu thị mới, tập trung vào miền Trung của Mỹ nên đang cần nhiều nguồn hàng từ nhiều nước.
Chuẩn bị tiêu chuẩn để vào Mỹ
Ông Mark Gillin, Chủ tịch của Amcham, cho rằng, TPP đang tạo một dòng dịch chuyển đơn hàng cũng như đầu tư sang các nước thành viên TPP. Trong thời gian gần đây, nhiều khách hàng Mỹ đang rời Trung Quốc vì nhiều lý do và đang tìm đến các nước Đông Nam Á để mua hàng. Do đó, các công ty Việt Nam phải tận dụng cơ hội để thu hút được những khách hàng này. Nhiều chuyên gia cho rằng, tại Mỹ, kênh mua sắm phổ biến nhất là hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Vì thế, vào được kênh bán hàng hiện đại này coi như DN Việt Nam đã thành công. Trong đó, trở thành nhà cung ứng cho Kroger, DN Việt Nam sẽ có cơ hội bán hàng tại 31 bang của Mỹ.
Bởi hiện nay, Kroger có hơn 2.400 siêu thị và cửa hàng lớn ở 31 bang của Mỹ. Ngoài ra, tập đoàn này còn có 786 cửa hàng tiện lợi, 328 cửa hàng bán đồ trang sức, đá quý, 37 nhà máy chế biến thực phẩm tại Mỹ. Còn một khi đã trở thành đối tác của Walmart thì cơ hội mở ra nhiều hơn nữa cho DN Việt Nam. Các thống kê cho thấy, hằng tuần, hơn 200 triệu người mua sắm ở Walmart và mỗi năm, 93% hộ gia đình Mỹ mua hàng ở Walmart ít nhất một lần. Hơn nữa, Walmart có hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ dưới 69 biển hiệu khác nhau ở 27 nước trên thế giới. Vì thế, vào được Walmart, hàng hóa của DN Việt Nam không chỉ bán ở Mỹ mà còn được phân phối ở 26 nước khác.
Cơ hội đang mở ra cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ nhưng muốn tận dụng được cơ hội này thì phải tạo mối quan hệ trực tiếp với các DN mua hàng. Ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành AmCham tại TP.HCM, cho biết, các DN lớn của Mỹ (Walmart, Kroger, Lowe…) đều có quy trình chi tiết để quản lý quan hệ với nhà cung ứng. Trong đó, Walmart yêu cầu việc thực hiện các giao dịch hoá đơn điện tử, nhà máy phải được kiểm toán trước khi cung ứng hàng, phải có bảo hiểm… Tiêu chí của Kroger là nhà cung ứng phải có chứng nhận vê tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu được công nhận toàn cầu như HACC, Global GAP.
Ngoài ra, nhiều khách hàng Mỹ còn đòi hỏi DN Việt Nam phải có một số chứng nhận, như mã số DUNS, giúp khách hàng xác định được tính pháp lý, khả năng tài chính của nhà cung ứng… Tin mừng là mới đây, Vinamilk vừa được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) chứng nhận được xuất hàng vào Mỹ.
Leave a Reply