Tìm hiểu về chính sách nông nghiệp Hoa Kỳ
Bài viết của:
Christopher Conte, nguyên biên tập viên và phóng viên của Wall Street Journal
Albert R. Karr, nguyên phóng viên của Wall Street Journal
Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế tại USA
Vào những ngày đầu tiên của quốc gia này, hoạt động nông nghiệp đã giữ một vị trí chủ yếu trong nền kinh tế và văn hóa Hoa Kỳ. Tất nhiên, nông dân có một vai trò quan trọng trong bất cứ xã hội nào vì họ nuôi sống mọi người. Nhưng hoạt động nông nghiệp được đánh giá đặc biệt ở nước Mỹ. Trong giai đoạn ban đầu của đất nước, người nông dân được coi là khuôn mẫu cho những đức tính cần thiết trong hoạt động kinh tế như cần cù chịu khó, sáng tạo, và làm ăn tự chủ.
Hơn thế nữa, nhiều người Mỹ – đặc biệt là những người nhập cư chưa bao giờ có một mảnh đất và chưa từng có quyền sở hữu đối với sức lao động và sản phẩm của chính mình – thấy rằng sở hữu một trang trại là chiếc vé để đi vào hệ thống kinh tế Mỹ. Ngay cả những người đã rời bỏ nông nghiệp cũng thường sử dụng đất đai như một loại hàng hóa rất dễ mua và bán để mở ra con đường kiếm lời khác.
Người nông dân Mỹ nhìn chung đều khá thành công trong việc sản xuất lương thực thực phẩm. Quả thực, đôi khi sự thành công của họ lại gây ra vấn đề rắc rối nhất: theo chu kỳ, lĩnh vực nông nghiệp phải chịu những đợt sản xuất thừa gây sức ép lên giá cả. Với những chu kỳ dài, chính phủ phải giúp giải quyết ổn thỏa tình trạng xấu nhất đó. Nhưng trong những năm gần đây, sự trợ giúp như vậy đã giảm xuống; điều này phản ánh mong muốn của chính phủ trong việc cắt giảm chi tiêu, đồng thời cho thấy lĩnh vực nông nghiệp đã giảm bớt ảnh hưởng về mặt chính trị.
Nông dân Mỹ có khả năng tạo ra sản lượng lớn do nhiều yếu tố. Thứ nhất, họ làm việc trong những điều kiện tự nhiên cực kỳ thuận lợi. Vùng Trung Tây nước Mỹ có đất đai màu mỡ nhất thế giới. Lượng mưa vừa đủ cho hầu hết các vùng của đất nước; nước sông và nước ngầm cho phép tưới rộng khắp cho những nơi còn thiếu.
Các khoản vốn đầu tư lớn và việc tăng cường sử dụng lao động có trình độ cao cũng góp phần vào thành công của ngành nông nghiệp Mỹ. Ngày nay, không có gì lạ khi nhìn thấy những người nông dân lái máy kéo với các ca bin lắp điều hòa nhiệt độ, gắn kèm theo những máy cày, máy xới và máy gặt có tốc độ nhanh và rất đắt tiền. Công nghệ sinh học đưa đến việc phát triển những loại giống chống được bệnh và chịu hạn. Phân hóa học và thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến (theo các nhà môi trường thì đã quá phổ biến). Máy tính đi theo hoạt động của trang trại, và thậm chí công nghệ vũ trụ được sử dụng để tìm ra những nơi tốt nhất cho gieo trồng và thâm canh mùa màng. Hơn thế nữa, theo định kỳ các nhà nghiên cứu lại giới thiệu các sản phẩm thực phẩm mới và những phương pháp mới để phục vụ nuôi trồng, chẳng hạn như các hồ nhân tạo để nuôi cá.
Tuy vậy, người nông dân vẫn chưa loại bỏ được một số qui luật cơ bản của tự nhiên. Họ vẫn còn phải chiến đấu với những thế lực nằm ngoài sự kiểm soát của mình – đáng chú ý nhất là thời tiết. Mặc dù khí hậu vùng Bắc Mỹ nhìn chung là ôn hòa nhưng đôi khi vẫn có lũ lụt và hạn hán. Những thay đổi về thời tiết làm cho nông nghiệp có chu kỳ kinh tế riêng của mình, và thường không liên quan đến nền kinh tế nói chung.
Những lời kêu gọi chính phủ trợ giúp xuất hiện khi có những yếu tố chống lại thành công của nông dân; đôi khi các nhân tố khác nhau cùng ập đến đẩy các nông trại đến bên bờ phá sản thì các yêu cầu xin giúp đỡ đặc biệt tăng mạnh. Ví dụ, trong những năm 1930, sản xuất thừa, thời tiết xấu, và cuộc Đại khủng hoảng kết hợp xuất hiện như một khó khăn không thể vượt qua đối với nhiều nông dân Mỹ. Chính phủ đã khắc phục tình hình bằng những cuộc cải cách nông nghiệp có ảnh hưởng sâu rộng – đáng chú ý nhất là hệ thống trợ giá. Sự can thiệp với quy mô lớn chưa từng thấy này kéo dài cho đến tận cuối những năm 1990, khi Quốc hội dỡ bỏ nhiều chương trình hỗ trợ.
Vào cuối những năm 1990, nền kinh tế nông nghiệp của Mỹ vẫn tiếp tục chu kỳ lên xuống riêng của mình, tăng mạnh vào năm 1996 và 1997, sau đó lại bước sang giai đoạn đình trệ trong hai năm tiếp theo. Nhưng đó là một nền kinh tế trang trại khác hẳn so với nền kinh tế đã từng tồn tại vào đầu thế kỷ này.
Chính sách nông nghiệp ban đầu
Trong thời kỳ thuộc địa của lịch sử nước Mỹ, Vương quốc Anh chia đất đai thành những khoanh lớn để ban cho các công ty tư nhân hoặc cá nhân. Những người được ban đất lại tiếp tục chia đất đai ra và bán nó cho những người khác. Khi giành được độc lập từ tay nước Anh vào năm 1783, những người sáng lập nước Mỹ thấy cần phải xây dựng một hệ thống phân phối đất đai mới. Họ thống nhất rằng tất cả đất đai chưa có người sở hữu sẽ thuộc quyền của chính phủ liên bang, lúc đó chính phủ có thể bán nó với giá 2,50 USD một a (6,25 USD một hecta).
Nhiều người bất chấp nguy hiểm và khó khăn để định cư trên những mảnh đất mới, đó là những người nghèo, và họ thường định cư như “những người lấn chiếm đất công” mà không có giấy tờ rõ ràng về mảnh đất của mình. Qua thế kỷ đầu tiên, nhiều người Mỹ cho rằng đất đai nên được trao không mất tiền cho những người định cư nếu họ vẫn sống và làm việc trên đó. Điều này cuối cùng được thực hiện thông qua Đạo luật về đất đai năm 1862, đạo luật đã mở ra những vùng đất đai rộng lớn miền Tây cho việc định cư dễ dàng.
Một luật nữa cũng được thông qua cùng năm đó, giành riêng một phần đất đai liên bang để tạo ra thu nhập dùng vào việc xây dựng các trường đại học, còn gọi là các trường đại học được ban đất, ở các bang khác nhau. Việc cấp vốn cho các trường đại học thông qua Đạo luật Morrill tạo ra những cơ hội mới về giáo dục và đào tạo trong các lĩnh vực kỹ thuật thực hành, bao gồm cả kỹ thuật canh tác.
Mở rộng sở hữu tư nhân với các trang trại quy mô vừa phải chưa bao giờ là tiêu chuẩn ở miền Nam như đối với phần còn lại của Hoa Kỳ. Trước cuộc Nội chiến (1861-1865), những đồn điền lớn với diện tích hàng trăm hecta, nếu không muốn nói là hàng nghìn hecta, được thiết lập để sản xuất thuốc lá, gạo và bông với quy mô lớn. Các trang trại này được kiểm soát chặt chẽ bởi một số ít gia đình giàu có. Hầu hết người lao động ở trang trại là nô lệ. Với việc xóa bỏ chế độ nô lệ sau Nội chiến, nhiều nô lệ trước đây ở lại trên vùng đất đó như các nông dân làm thuê (còn gọi là người cấy rẽ) theo các thỏa thuận với những chủ cũ của họ.
Việc cung cấp rất nhiều lương thực thực phẩm cho công nhân trong nhà máy, công xưởng và các cửa hàng là yếu tố thiết yếu cho tiến trình công nghiệp hóa ban đầu của nước Mỹ. Hệ thống đường thủy và đường bộ phát triển đã mở ra khả năng vận chuyển nông phẩm trên các tuyến đường dài. Các sáng kiến mới như máy cày rẽ bằng thép (cần thiết cho các vùng đất cứng ở miền Trung Tây), máy gặt (một loại máy thu hoạch lúa hạt) và máy liên hoàn (một loại máy cắt, đập và quạt lúa) đã cho phép các trang trại nâng cao năng suất.
Nhiều công nhân trong các nhà máy và công xưởng của quốc gia là những người con của các gia đình nông dân mà lao động của họ không còn cần thiết cho nông trại nhờ thành quả của những sáng kiến đó. Vào năm 1860, hai triệu nông trại của quốc gia đã sản xuất dư thừa hàng hoá. Trên thực tế, các sản phẩm nông nghiệp chiếm 82% hàng hóa xuất khẩu của đất nước trong năm 1860. Với một ý nghĩa rất thực tế, ngành nông nghiệp đã tạo ra sức mạnh cho sự phát triển kinh tế Mỹ.
Khi nền kinh tế trang trại phát triển, người nông dân ngày càng nhận thức được rằng các chính sách của chính phủ đã tác động đến kế sinh nhai của họ. Nhóm vận động chính trị cho nông dân đầu tiên, Nghiệp đoàn nông dân, được thành lập vào năm 1867. Nó phát triển rất nhanh chóng, và tiếp theo là các nhóm tương tự – như Liên minh nông dân và Đảng dân tuý. Các nhóm này nhằm mục tiêu vào các ngành đường sắt, thương nhân và ngân hàng – họ nhằm vào đường sắt vì cước vận chuyển cao, nhằm vào thương nhân vì những gì người nông dân cho là những khoản lợi nhuận vô lương tâm bị lấy đi bởi “những người môi giới”, và nhằm vào ngân hàng vì những hoạt động tín dụng quá chặt chẽ. Sự khích động chính trị của nông dân cũng đem lại một số kết quả.
Đường sắt và máy băng chuyền vận chuyển lúa được đặt dưới sự điều tiết của chính phủ, hàng trăm hợp tác xã và ngân hàng được hình thành. Tuy nhiên, khi những nhóm nông dân cố gắng định hình chương trình nghị sự chính trị của quốc gia bằng việc ủng hộ nhà hùng biện nổi tiếng thuộc Đảng Dân chủ William Jennings Bryan trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 1896, thì ứng cử viên của họ đã thất bại. Người dân thành phố và các nhóm lợi ích kinh doanh ở miền Đông nhìn những yêu cầu của nông dân với con mắt ngờ vực, sợ rằng các yêu cầu về vay lãi thấp và tín dụng dễ dàng có thể dẫn đến lạm phát tai hại.
Chính sách nông nghiệp trong thế kỷ XX
Bất chấp những thành tích chính trị không có gì nổi bật của các nhóm nông dân cuối thế kỷ XIX, hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX đã trở thành thời kỳ vàng son của ngành nông nghiệp Mỹ. Giá nông phẩm rất cao khi cầu về hàng hóa gia tăng và giá trị của đất đai tăng. Những tiến bộ kỹ thuật tiếp tục nâng cao năng suất. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thành lập các trang trại thử nghiệm nhằm trưng bày các kỹ thuật mới có thể nâng cao sản lượng mùa màng; năm 1914, Quốc hội lập ra cơ quan Dịch vụ phát triển nông nghiệp, cơ quan này tuyển mộ một đội ngũ cán bộ để cố vấn cho nông dân và gia đình họ mọi việc, từ phân bón cho đến các dự án sửa chữa cải tạo của gia đình.
Bộ Nông nghiệp đảm nhiệm tiến hành các nghiên cứu mới, phát triển những giống lợn tăng trọng nhanh hơn và đỡ tốn thức ăn hơn, những loại phân bón làm tăng sản lượng hạt, các loại giống lai cho cây trồng khoẻ hơn, các phương pháp chữa trị nhằm bảo vệ và cứu chữa cây trồng vật nuôi chống được bệnh tật, và nhiều phương pháp khác kiểm soát các loài vật gây hại.
Những năm tốt đẹp đầu thế kỷ XX chấm dứt khi giá cả giảm xuống sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nông dân lại kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ liên bang. Mặc dù vậy, những lời yêu cầu của họ đã bị bỏ ngoài tai khi mà phần còn lại của quốc gia – đặc biệt là những vùng đô thị – đang tận hưởng cuộc sống thịnh vượng của những năm 1920. Giai đoạn này, người nông dân gặp nhiều thảm họa hơn cả những thời kỳ khó khăn trước đây bởi vì họ không còn tự cung tự cấp nữa. Họ phải thanh toán bằng tiền mặt cho máy móc, hạt giống và phân bón cũng như cho hàng hóa tiêu dùng, trong khi thu nhập của họ tụt xuống cực kỳ thấp.
Tuy nhiên, không lâu sau cả quốc gia đã chia sẻ nỗi khó khăn của nông dân khi đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế sau sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán năm 1929. Đối với nông dân, cuộc khủng hoảng kinh tế còn trộn thêm cả những khó khăn nảy sinh do sản xuất thừa. Sau đó, khu vực nông nghiệp còn gặp phải những điều kiện thời tiết bất lợi cho hoạt động canh tác. Những đợt gió dai dẳng trong suốt mùa khô hạn kéo dài đã thổi mất đi những lớp đất mầu mỡ trên bề mặt của một vùng rộng lớn đã từng cho năng suất cao. Khái niệm “bão bụi” được đặt ra để mô tả những điều kiện xấu ấy.
Sự can thiệp của chính phủ được mở rộng trong nền kinh tế nông nghiệp bắt đầu vào năm 1929, khi Tổng thống Herbert Hoover (1929-1933) thành lập Ban nông nghiệp liên bang. Mặc dù ban này không thể đáp ứng những thách thức gia tăng do cuộc Đại khủng hoảng mang lại, nhưng việc thiết lập tổ chức này thể hiện cam kết quốc gia đầu tiên nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế nhiều hơn nữa cho nông dân và đặt ra một tiền lệ về sự điều tiết các thị trường nông sản của chính phủ.
Trong buổi lễ nhậm chức tổng thống của mình vào năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã tuyên bố chuyển đổi chính sách nông nghiệp quốc gia mạnh mẽ hơn so với sáng kiến của Hoover. Roosevelt đã đề xuất, và Quốc hội đã tán thành, các luật nhằm nâng cao giá cả nông sản bằng việc hạn chế sản xuất. Chính phủ cũng chấp nhận và thực hiện một hệ thống trợ giá để bảo đảm cho nông dân một mức giá “tương đương” gần bằng mức giá có thể có được trong thời kỳ thị trường thuận lợi. Trong những năm sản xuất thừa, khi giá cả nông sản thấp hơn mức giá tương đương, chính phủ chấp nhận mua lượng thừa đó.
Có những sáng kiến nữa của Chính sách mới để hỗ trợ nông dân. Quốc hội thành lập Ban quản lý điện khí hóa nông thôn nhằm mở rộng các tuyến truyền tải điện đến các vùng nông thôn. Chính phủ giúp đỡ xây dựng và duy tu hệ thống các đường giao thông từ trang trại đến thị trường để người nông dân cũng như hàng hóa của họ có thể tới được các thành phố và đô thị thuận lợi hơn. Những chương trình bảo toàn đất đai nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quản lý hiệu quả đất canh tác.
Đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế trang trại một lần nữa lại phải đối diện với những thách thức của sản xuất thừa. Các tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như việc đưa vào các máy móc chạy điện và xăng dầu cũng như việc sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu và phân hóa học, làm cho sản lượng trên mỗi hecta cao hơn bao giờ hết. Để giúp tiêu thụ các nông sản thừa gây sức ép lên giá cả và gây tổn thất tiền bạc của người đóng thuế, năm 1954 Quốc hội đã tạo nên một chương trình Lương thực vì hòa bình để xuất khẩu hàng hóa nông sản của Mỹ sang các nước có nhu cầu. Các nhà hoạch định chính sách lập luận rằng việc xuất khẩu lương thực như vậy có thể sẽ đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển. Những người theo chủ nghĩa nhân đạo coi chương trình này như là một cách để nước Mỹ chia sẻ sự dư dật của mình.
Trong những năm 1960, chính phủ quyết định cũng sử dụng lương thực thừa để nuôi chính những người nghèo của mình. Trong Cuộc chiến chống đói nghèo của Tổng thống Lyndon Johnson, chính phủ đưa ra chương trình Tem phiếu thực phẩm cấp cho những người có thu nhập thấp các phiếu phân phối có thể dùng để thanh toán lương thực thực phẩm tại các cửa hàng tạp phẩm. Tiếp theo là các chương trình khác sử dụng hàng hóa nông sản thừa, chẳng hạn như các bữa ăn tại trường cho trẻ em có nhu cầu. Các chương trình lương thực như vậy đã giúp duy trì sự giúp đỡ của thành phố cho khu vực nông nghiệp trong nhiều năm, và những chương trình này vẫn là một dạng quan trọng của phúc lợi công cộng – giành cho người nghèo và theo một nghĩa nào đó cũng cho cả người nông dân.
Nhưng khi sản xuất nông trại ngày càng tăng lên suốt trong những năm 1950, 1960 và 1970 thì chi phí của hệ thống trợ giá của chính phủ cũng tăng lên hết sức mạnh mẽ. Các nhà chính trị ở những bang không có sản xuất nông nghiệp đã đặt ra câu hỏi về tính khôn ngoan trong việc khuyến khích nông dân sản xuất nhiều hơn nữa khi đã đủ – đặc biệt là khi lượng dư thừa gây sức ép lên giá cả và do vậy lại yêu cầu sự giúp đỡ của chính phủ lớn hơn.
Chính phủ đã thử một sách lược mới. Năm 1973, nông dân Mỹ bắt đầu nhận được sự giúp đỡ dưới dạng những khoản tiền thanh toán “thiếu hụt” của liên bang, được thiết kế để vận hành giống như hệ thống giá tương đương. Để nhận được những khoản thanh toán này, người nông dân phải tách ra một số ruộng đất của mình không được sản xuất, do vậy sẽ giúp giữ giá thị trường. Một chương trình mới Thanh toán bằng hiện vật, được tiến hành vào đầu những năm 1980 với mục đích giảm chi phí tích trữ lúa, gạo và bông của chính phủ và nâng cao giá cả thị trường, đã bỏ không canh tác khoảng 25% đất trồng trọt.
Việc trợ giá và thanh toán thiếu hụt chỉ áp dụng cho những hàng hóa cơ bản nhất định như lúa, gạo và bông. Nhiều người sản xuất khác không được trợ cấp. Một vài nông sản, chẳng hạn như chanh và cam, bị lệ thuộc vào những hạn chế thị trường công khai. Dưới cái gọi là những đơn đặt hàng thị trường, lượng nông sản của cây trồng là mặt hàng tươi bị giới hạn theo từng tuần. Bằng việc khống chế lượng bán ra, những đơn đặt hàng như vậy nhằm mục đích nâng giá cho nông dân.
Trong các thập kỷ 1980 và 1990
Vào thập kỷ 1980, chi phí của chính phủ (và cũng là của người đóng thuế) cho những chương trình như vậy đôi khi vượt quá 20 tỷ USD mỗi năm. Bên ngoài các khu vực nông trại, nhiều cử tri phàn nàn và biểu lộ bất bình về việc chính phủ liên bang thực tế thanh toán cho nông dân chứ KHÔNG cho nông trại. Quốc hội nhận thấy cần phải thay đổi đường lối.
Năm 1985, theo yêu cầu của Tổng thống Ronald Reagan về một chính phủ có quy mô hẹp hơn, Quốc hội đã thông qua một luật mới về nông trại nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của nông dân vào hỗ trợ của chính phủ và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế đối với hàng hóa nông sản Mỹ. Luật này cắt giảm trợ giá và không canh tác từ 16 đến 18 triệu hecta đất trồng nhạy cảm với môi trường trong vòng từ 10 đến 15 năm. Mặc dù luật năm 1985 chỉ tác động vừa phải đến cơ cấu trợ giúp nông trại của chính phủ nhưng việc cải thiện các chu kỳ kinh tế đã giúp kiềm chế tổng số tiền trợ cấp.
Tuy nhiên, khi thâm hụt ngân sách liên bang tăng cao suốt cuối thập kỷ 1980, Quốc hội phải tìm mọi cách cắt bớt chi tiêu liên bang. Năm 1990, Quốc hội thông qua luật khuyến khích nông dân gieo trồng những nông sản mà trước đây họ thường không được nhận các khoản thanh toán thiếu hụt, và giảm bớt diện tích đất trồng những loại nông sản mà người nông dân đã có thể được hưởng thanh toán thiếu hụt. Luật mới này duy trì trợ cấp giá cố định và cao cho những hàng hóa nhất định, và tiếp tục đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với một số thị trường hàng hóa nông sản.
Điều này đã thay đổi mạnh mẽ vào năm 1996. Một Quốc hội mới với đa số thuộc phái Cộng hoà, được bầu ra vào năm 1994, tìm cách làm cho nông dân từ bỏ dựa dẫm vào sự giúp đỡ của chính phủ. Đạo luật về quyền tự quyết đối với nông trại đã dỡ bỏ các chương trình trợ giúp về thu nhập và giá cả tốn kém nhất, đồng thời trao cho nông dân quyền tự chủ sản xuất đáp ứng thị trường toàn cầu mà không hạn chế họ cấy trồng bao nhiêu nông sản. Với luật này, người nông dân nhận được khoản trợ cấp cố định không quan hệ tới giá cả thị trường. Luật này cũng quyết định bãi bỏ việc thực hiện trợ giá bơ sữa.
Những thay đổi này xóa bỏ cơ bản các chính sách từ thời kỳ Chính sách mới nên nó đi vào cuộc sống không phải dễ dàng. Quốc hội tìm cách làm dịu bớt căng thẳng của quá trình chuyển đổi này bằng việc cung cấp cho nông dân 36 tỷ USD thanh toán trong 7 năm mặc dù giá nông sản ở thời điểm này đang ở mức cao. Việc trợ giá cho lạc và đường vẫn được giữ nguyên, và những trợ giá cho đỗ tương, bông và gạo thực tế còn tăng lên. Các đơn đặt hàng của thị trường về cam và một số nông sản khác rất ít thay đổi. Ngay cả khi có những nhượng bộ chính trị như vậy đối với nông dân thì câu hỏi vẫn được đặt ra là liệu có thể kéo dài hệ thống ít bị kiểm soát hơn này được không. Với luật mới, sự giúp đỡ của chính phủ sẽ quay trở lại hệ thống cũ vào năm 2002 trừ phi Quốc hội hành động để giữ giá thị trường và các khoản thanh toán trợ giúp được tách ra.
Những đám mây đen mới xuất hiện vào năm 1998 khi cầu về hàng hóa nông sản Mỹ sụt giảm ở những vùng châu Á đang bị khốn quẫn tài chính nghiêm trọng; xuất khẩu nông sản giảm mạnh, và giá nông sản, gia súc bị dìm xuống. Người nông dân tiếp tục cố gắng nâng cao thu nhập của mình bằng cách sản xuất nhiều hơn, dù cho giá cả có thấp đi. Năm 1998 và năm 1999, Quốc hội đã thông qua một loạt luật bảo lãnh nhằm tạm thời gia tăng tài trợ cho nông trại mà đạo luật năm 1996 đã bãi bỏ. Khoản tài trợ 22.500 triệu USD năm 1999 thực sự lập ra một kỷ lục mới.
Các chính sách nông nghiệp và thương mại thế giới
Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng của các thị trường thế giới đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo trên thế giới phải có cách tiếp cận mang tính hệ thống hơn để điều tiết việc buôn bán hàng hóa nông nghiệp giữa các quốc gia trong thập kỷ 1980 và thập kỷ 1990.
Hầu hết mỗi quốc gia sản xuất nông nghiệp đều có một số hình thức trợ giúp của chính phủ đối với nông dân. Vào cuối thập kỷ 1970 và đầu thập kỷ 1980, khi các điều kiện thị trường nông nghiệp trở nên thay đổi nhanh chóng, phần lớn các quốc gia có khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể đã tổ chức các chương trình hoặc đẩy mạnh các chương trình đang có để hỗ trợ nông dân của mình tránh khỏi những gì được xem là tình trạng tranh mua tranh bán của nước ngoài. Những chính sách này làm thu hẹp các thị trường quốc tế về hàng hóa nông nghiệp, làm giảm giá cả hàng hóa quốc tế và gia tăng dư thừa hàng hóa nông nghiệp trong các nước xuất khẩu.
Theo một nghĩa hẹp, có thể hiểu được tại sao một nước cố gắng giải quyết vấn đề sản xuất thừa hàng nông nghiệp bằng việc tìm cách xuất khẩu lượng thừa đó một cách tự do trong khi lại hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế một chiến lược như vậy là không khả thi; các nước khác cũng miễn cưỡng một cách dễ hiểu trong việc cho phép nhập khẩu từ những nước không mở cửa thị trường của mình.
Vào giữa thập kỷ 1980, các chính phủ tiến hành giảm trợ cấp và cho phép buôn bán tự do hơn đối với hàng hóa nông sản. Tháng Bảy 1986, Hoa Kỳ công bố một kế hoạch mới nhằm cải cách buôn bán hàng hóa nông nghiệp quốc tế như là một phần của Vòng đàm phán thương mại đa phương Urugoay. Hoa Kỳ đã yêu cầu hơn 90 nước thành viên tổ chức thương mại quốc tế hàng đầu thế giới, lúc đó là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), thương lượng để xóa bỏ từng bước tất cả những tài trợ cho nông nghiệp và các chính sách khác bóp méo giá cả nông sản, sản xuất và buôn bán. Hoa Kỳ đặc biệt muốn có một cam kết xóa bỏ tận cùng các tài trợ cho nông trại châu Âu và chấm dứt chính sách cấm nhập khẩu gạo của Nhật Bản.
Các nước hoặc các nhóm nước khác đều đưa ra những đề nghị riêng khác nhau của mình, nhưng hầu hết đều thống nhất với ý tưởng xóa bỏ tài trợ làm bóp méo thương mại và hướng về những thị trường tự do hơn. Nhưng với các cố gắng ban đầu nhằm có được những hiệp định quốc tế về việc cắt giảm tài trợ cho nông nghiệp, đã chứng tỏ rất khó có thể đạt được bất kỳ một sự nhất trí nào. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước công nghiệp hàng đầu phương Tây đã cam kết với nhau để đạt được cắt giảm tài trợ và những mục tiêu về thị trường tự do hơn vào năm 1991.
Vòng đàm phán Urugoay đã kết thúc vào năm 1995, với sự cam kết của các bên tham gia về hạn chế tài trợ cho nông nghiệp và xuất khẩu đồng thời tạo ra một số thay đổi khác nhằm hướng về buôn bán tự do hơn (chẳng hạn như chuyển đổi quota nhập khẩu thành các loại thuế quan dễ cắt giảm hơn). Họ cũng xem xét lại vấn đề này trong vòng đàm phán mới (tại Hội nghị bộ trưởng của Tổ chức thương mại thế giới ở Seattle vào cuối năm 1999). Trong khi các cuộc đàm phán này được tổ chức nhằm mục đích xóa bỏ hoàn toàn tài trợ cho xuất khẩu thì các phái đoàn lại không đồng ý tiếp tục đi quá xa như vậy. Trong khi đó, Cộng đồng châu Âu chuyển sang cắt giảm tài trợ xuất khẩu và tình trạng căng thẳng thương mại đã giảm xuống vào cuối thập kỷ 1990.
Tuy nhiên, các cuộc tranh cãi về buôn bán nông sản vẫn tiếp tục. Theo quan điểm của Mỹ thì Cộng đồng châu Âu đã thất bại trong việc theo đuổi đến cùng cam kết giảm tài trợ cho nông nghiệp. Hoa Kỳ đã giành được các phán quyết có lợi của Tổ chức thương mại thế giới, là tổ chức kế tục GATT từ năm 1995, trong một vài kiện cáo về việc tiếp tục tài trợ của Cộng đồng châu Âu, nhưng các nước châu Âu đã không chấp nhận điều đó. Cùng lúc đó, các nước châu Âu gia tăng các rào cản đối với thực phẩm Mỹ được sản xuất với các hoóc môn nhân tạo hoặc biến đổi gien – đây là một thách thức nghiêm trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp Mỹ.
Vào đầu năm 1999, Phó Tổng thống Mỹ Al Gore lại kêu gọi cắt giảm mạnh tài trợ nông nghiệp và biểu thuế quan trên toàn cầu. Nhật Bản và các nước châu Âu gần như từ chối các đề nghị này như họ đã từng bày tỏ trong Vòng đàm phán Urugoay. Trong khi đó, các nỗ lực hướng về thương mại nông nghiệp thế giới tự do hơn lại gặp thêm trở ngại do xuất khẩu giảm sút vào cuối thập kỷ 1990.
Nông nghiệp: Một ngành kinh doanh lớn
Nông dân Mỹ bước vào thế kỷ XXI với một số vấn đề giống như họ đã từng chạm trán trong suốt thế kỷ XX. Vấn đề quan trọng nhất trong số đó vẫn là sản xuất thừa. Một sự thật từ khi lập quốc là việc tiếp tục cải tiến máy nông nghiệp, hạt giống tốt hơn, phân bón tốt hơn, tưới tiêu tốt hơn và kiểm soát sâu bệnh hiệu quả làm cho nông dân ngày càng có nhiều thành công hơn trong những gì họ làm (trừ việc tạo ra lợi nhuận). Và trong khi người nông dân nhìn chung đều muốn giảm bớt sản lượng nông sản để chống đỡ lại giá cả thì họ lại do dự trong việc thu hẹp sản xuất của chính mình.
Cũng giống như một doanh nghiệp công nghiệp tìm cách nâng cao lợi nhuận bằng việc tạo ra quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, nhiều nông trại Mỹ cũng ngày càng có quy mô lớn hơn và củng cố hoạt động của mình sao cho linh hoạt hơn. Sự thật, ngành nông nghiệp Mỹ đã phát triển thành một ngành “kinh doanh nông nghiệp”, một khái niệm được đặt ra để phản ánh bản chất tập đoàn lớn của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong nền kinh tế Mỹ hiện đại. Kinh doanh nông nghiệp bao gồm rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ cấu trang trại đa dạng, từ các doanh nghiệp nhỏ một hộ gia đình cho đến các tổ hợp rất lớn hoặc các công ty đa quốc gia sở hữu những vùng đất đai lớn hoặc sản xuất hàng hóa và nguyên vật liệu cho nông dân sử dụng.
Sự ra đời ngành kinh doanh nông nghiệp vào cuối thế kỷ XX đã tạo ra ít trang trại hơn nhưng các trang trại có quy mô lớn hơn nhiều. Đôi khi được sở hữu bởi những cổ đông vắng mặt, các trang trại mang tính tập đoàn này sử dụng nhiều máy móc hơn và ít bàn tay của nông dân hơn. Vào năm 1940, có 6 triệu trang trại và trung bình mỗi trang trại khoảng 67 hecta. Đến cuối thập kỷ 1990, chỉ có khoảng 2,2 triệu trang trại nhưng trung bình mỗi trang trại có diện tích 190 hecta.
Cũng chính trong khoảng giai đoạn này, số lao động nông nghiệp giảm rất mạnh – từ 12,5 triệu người năm 1930 xuống còn 1,2 triệu người vào cuối thập kỷ 1990 – dù cho dân số của Mỹ tăng hơn gấp đôi. Vào năm 1900, một nửa lực lượng lao động là nông dân nhưng đến cuối thế kỷ này chỉ còn 2% lao động trong các trang trại. Và gần 60% trong số nông dân còn lại đó đến cuối thế kỷ này chỉ làm việc một phần thời gian trên trang trại; thời gian còn lại họ làm những việc khác không thuộc trang trại để bù đắp thêm thu nhập cho mình. Chi phí đầu tư vốn cao – cho đất đai và trang thiết bị – khiến cho việc dành toàn bộ thời gian làm việc trên trang trại là cực kỳ khó khăn cho hầu hết mọi người.
Như những số liệu trên đã cho thấy, “trang trại gia đình” Mỹ – một khái niệm ăn sâu trong lịch sử dân tộc và được ca tụng trong huyền thoại về người tiểu chủ hùng mạnh – đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn lao. Người Mỹ ở vùng đô thị hay ven đô tiếp tục biểu lộ lòng ngưỡng mộ về những ngôi nhà thô sơ ngăn nắp và những cánh đồng được canh tác của phong cảnh miền quê truyền thống, nhưng vẫn còn chưa chắc chắn là liệu họ có sẵn sàng trả giá – hoặc là giá cả thực phẩm cao hơn hoặc tiền tài trợ của chính phủ cho nông dân – để duy trì hình tượng trang trại gia đình đó.
Christopher Conte, nguyên biên tập viên và phóng viên của Wall Street Journal
Albert R. Karr, nguyên phóng viên của Wall Street Journal
Leave a Reply