Tìm hiểu thực phẩm Organic (Thực phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ)
Khái niệm thực phẩm organic (thực phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ) xuất hiện ở Mỹ từ 2001, nhưng đến nay mới được phổ biến tại Việt Nam. Nhiều công ty đã tham gia đầu tư thực phẩm hữu cơ như An Hòa Co., Organic Farm, Golden Garden, Nông nghiệp GAP, Ánh Ban Mai… Tuy nhiên, việc triển khai sản xuất theo phương thức này liệu có dễ dàng?
Cơ hội cho hạt gạo Việt Nam
Xu hướng tiêu dùng chuộng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang đặt ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Cơ hội này lệ thuộc vào cách làm không chỉ của từng doanh nghiệp (DN) mà phải có sự hợp lực từ nhiều phía… Theo GS-TS. Võ Tòng Xuân, gạo sản xuất theo phương pháp hữu cơ cũng giống như các loại rau củ quả hay thịt gia cầm, tức không dùng hóa chất. Nhưng nếu nói rộng ra, hữu cơ ở đây được hiểu là không xịt thuốc hoá học.
“Theo tìm hiểu và chứng kiến những thửa ruộng trồng theo phương pháp hữu có ở Nhật Bản, tôi thấy, họ làm gạo hữu cơ hoàn toàn không dùng phân bón, chỉ lấy cỏ dại đắp chung quanh gốc lúa. Mỗi cây lúa lên lèo tèo vài bông với khoảng mười mấy hạt. Nếu hữu cơ như thế chắc nhân loại chết hết”, GS. Võ Tòng Xuân phân tích. Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS. Võ Tòng Xuân nói, ở Việt Nam đã có gạo hữu cơ hoàn toàn được sản xuất theo đúng khái niệm organic, đó là gạo Hoa Sữa được canh tác ở khu vực rừng U Minh (Cà Mau), với sự chứng nhận từ Bộ Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ – USDA ( United State Department of Agriculture).
Đây là sản phẩm sinh thái thân thiện, không làm tổn hại đến môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn của USDA NOP (Chương trình Sản phẩm sạch của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), được thị trường Mỹ chấp nhận. Đến nay, sản phẩm đã được xuất sang Anh nhưng số lượng rất ít, chỉ khoảng… 600 kg. Từ kết quả ban đầu này, một số nơi ở Việt Nam đã mạnh dạn thí điểm trồng gạo hữu cơ hoàn toàn 100%, điển hình có tỉnh Sóc Trăng với thương hiệu gạo ST (giống ST) được mệnh danh là đặc sản của vùng, đã dần bị mất hương.
Tiếp xúc với bà Lê Thị Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp GAP, đơn vị vừa hoàn thành giai đoạn 1 chương trình xúc tiến trồng thử nghiệm gạo organic với tên gọi “Tốt lúa lợi tôm” thông qua dự án “Hành trình 5 năm khẳng định chất lượng hạt gạo thơm Việt Nam và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản” được triển khai từ tháng 7/2013 – 2017.
Bà Tú Anh nhìn nhận, Việt Nam được biết đến là nơi cung ứng gạo đứng nhất nhì thế giới, thế nhưng hầu hết đều xuất gạo giá rẻ và luôn phải đứng sau Thái Lan. Theo kết quả các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam, do dư lượng thủy ngân trong gạo quá cao, nên hầu hết các mẫu gạo của Việt Nam khi đem chào ở Singapore, châu Âu đều bị trả về. Chia sẻ từ hội thảo đầu bờ diễn ra ở Sóc Trăng ngày 3/1/2014, đại diện một DN lớn trong ngành xuất khẩu gạo tiết lộ “Việt Nam không có gạo thơm xuất khẩu, vì đưa đi bao nhiêu mẫu đều bị trả về. Nguyên nhân, gạo thơm rất dễ bệnh, càng bệnh thì càng xịt thuốc, chính điều này đã dẫn đến hệ lụy dư lượng thủy ngân cao”.
Trong khi đó, theo chia sẻ từ một công ty phân phối nông sản Việt Nam ở Hoa Kỳ (do một Việt kiều làm chủ), hiện nay, ở khu chợ người Việt thuộc tiểu bang Cali (Mỹ), gạo Thái cũng không còn được chuộng như trước. Vì sau thời gian sử dụng, gạo không còn thơm như ban đầu nên người tiêu dùng nghi ngờ gạo bị ướp hương.
“Đây sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam nếu quá trình phục tráng được nhân rộng”, bà Tú Anh nói. Vì thực tế, gạo Thái cũng trồng bằng phân hóa học nhưng điều họ hơn Việt Nam là mỗi năm, nông dân chỉ trồng một vụ lúa nên việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm hơn. Do đó, vấn đề của gạo Việt Nam là phải hữu cơ hóa, thế nhưng làm hữu cơ như thế nào? Điều này lệ thuộc vào cách làm không chỉ của từng DN mà phải có sự hợp lực từ nhiều phía.
Chính danh Organic
Ở Việt Nam chưa có một tổ chức nào chứng nhận tiêu chuẩn đối với thực phẩm thuộc diện organic. Trong khi đó, để dễ vào thị trường Mỹ, sản phẩm của Việt Nam phải có được ít nhất hai chứng nhận Global Gap và USDA. Thực phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ đang dần trở nên phổ biến nhưng để minh chứng đâu là thực phẩm “organic” thì chỉ có người làm mới biết. Liên quan đến vấn đề này, GS. Võ Tòng Xuân dẫn giải, hiện nay, hai chứng nhận Global Gap và USDA đang được xem là chứng nhận quốc tế đối với thực phẩm sạch.
Song, với chứng chỉ USDA, thực phẩm sẽ dễ vào thị trường Mỹ hơn, dù rằng chi phí để xin cấp chứng chỉ USDA rẻ hơn so với chứng chỉ Global Gap. Ông nói thêm, ở Việt Nam chưa có một tổ chức nào chứng nhận tiêu chuẩn đối với thực phẩm thuộc diện “organic” nên hầu hết đều dùng khái niệm chung là thực phẩm hữu cơ để nói đến một sản phẩm sạch.
Tuy nhiên, hữu cơ ở đây cũng có năm bảy đường. Theo chia sẻ của một hộ trồng thanh long ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, đối với những loại đất trồng đã bạc màu hoàn toàn thì việc hữu cơ hóa 100% ngay là điều không thể. Theo đó, quy trình organic phải tiến hành song song với việc giảm lượng thuốc hóa học dần kết hợp với bón phân hữu cơ. Sản phẩm được tạo ra từ việc kết hợp theo tỷ lệ 50:50 này không thể gọi là thực phẩm organic.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lượng, chủ hộ sản xuất và cung ứng quả phúc bồn tử ở Đơn Dương, Lâm Đồng – đơn vị cung cấp phúc bồn tử cho những DN như Kem Fanny, Cánh đồng Vàng… cho hay, trước đây, sản phẩm của trang trại ông đăng ký trồng theo tiêu chuẩn Viet Gap nhưng trái còn chua. Phúc bồn tử là loại trái thu hoạch hằng ngày, nên sâu bệnh cũng không ít, nên cần phải sử dụng thuốc hóa học, song điều này lại không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, ông Lượng đã thử nghiệm phương pháp organic với phân hữu cơ nhập từ Mỹ trên 7.000ha.
Sau hai tháng, chất lượng trái ngọt hơn, to hơn và kèm theo đó là ít sâu bệnh hẳn. Ông Lượng cho rằng, chi phí dùng phân hữu cơ thế hệ mới (không phải đơn thuần là vỏ cà phê, bùn khoáng…) có chi phí cao hơn 20% so với dùng phân hóa học nhưng về lâu dài thì hiệu quả thu được cao hơn những gì bỏ ra. Cụ thể là vừa cải tạo được đất trồng vừa nâng chất lượng trái, đồng thời đảm bảo được về mặt sức khỏe cho người làm (vì đa phần đều trồng trong kín, nên mỗi lần phun thuốc, bón phân hóa học ít nhiều sức khỏe của người làm đều bị ảnh hưởng). Hiện nay, ngoài cây phúc bồn tử, một số DN cũng đang thử nghiệm trồng ớt, hoa và một số loại rau theo phương pháp hữu cơ 100%.
Mô hình của GAP
Chi phí là điều khiến nông dân cân nhắc khi theo mô hình sản xuất hữu cơ hóa 100%. Với chương trình thử nghiệm gạo hữu cơ của Công ty Nông nghiệp GAP, sau gần hơn 4 tháng triển khai, dự án kết hợp dùng phân hữu cơ trên cây lúa thơm giống ST5 và nuôi tôm, kết quả rất khả quan, với 100% tôm phát triển tốt, đồng thời lúa cũng đạt trung bình 30 giạ/công, có nơi đạt từ 35 – 40 giạ/công, cao hơn nhiều so với cách làm thông thường trước đây với mức phí tương đương nhau.
Đánh giá kết quả giai đoạn 1, bà Tú Anh chia sẻ, sau khi triển khai đồng loạt trồng lúa hữu cơ trên những vùng đất nhiễm mặn từ Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre… đều cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, từ ban đầu, Công ty Nông nghiệp GAP tiếp cận với quy trình trồng lúa hữu cơ không dễ. Đại diện DN này kể, khi họ đặt vấn đề hữu cơ hóa 100% trên đồng ruộng, không ai tin, từ bà con nông dân đến lãnh đạo các sở nông nghiệp hay phòng nông nghiệp tỉnh. Trải qua buổi hội thảo, giới thiệu, thuyết phục GAP nhận được lượng người đăng ký tham gia với gần 4.000 ha.
Nhưng sau vài ngày, cuối cùng chỉ có hơn 400 ha. Dù rằng, GAP cam kết mua lúa cho dân cao hơn thị trường 5% trong 3 năm đầu, năm thứ tư sẽ cao hơn 20%. Thêm vào đó, ở giai đoạn 1, GAP cho nông dân nợ 80% tiền phân và thuốc, không lãi suất, giảm 15% trên giá bán, trả sau thu hoạch. Và ở giai đoạn 2, GAP cho nợ 100% không lãi suất, cuối vụ mới trả tiền.
Thực tế, bài toán chi phí phân, thuốc là điều khiến nông dân cân nhắc khi theo mô hình hữu cơ hóa 100%. Chí phí phân hữu cơ không hề rẻ chính là yếu tố khiến nông dân chưa dám mạnh dạn đầu tư không chỉ trên cây lúa mà còn trên nhiều cây hoa màu và trái cây khác. Hiểu được vấn đề này, phía GAP cam kết chi phí dùng phân, thuốc hữu cho nông dân không quá 13 triệu đồng/ha (ruộng 2 vụ). Và không quá 14 triệu đồng/ha (ruộng 3 vụ). Mức phí này tương đương với việc dùng phân hóa học nhưng lại có hiệu quả lâu dài cho đất.
Tính đến nay, theo chia sẻ của bà Tú Anh, Công ty đã bỏ ra hơn 20 tỷ đồng cho giai đoạn 1 của dự án (chủ yếu là cho người nông dân nợ và mua lúa cho dân). Nguồn vốn đầu tư này chủ yếu từ vay mượn người thân và vay thế chấp, trong khi đó, phía các ngân hàng Việt Nam chưa mấy mặn mà với dự án vì cho rằng dự án chưa có kết quả cụ thể. Phía Công ty và đối tác nhập khẩu ở Mỹ cũng đã tiếp cận với Ngân hàng Eximbank (Hoa Kỳ) nhưng cũng chỉ tiếp cận được khoản vay từ 500.000 – 1 triệu USD, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong toàn bộ dự án.
Do đó, phía đối tác ở nước ngoài là Công ty Green Rice Fields Trading,Inc (vừa cung ứng phân bón hữu cơ về Việt Nam, vừa tìm đầu ra cho nông sản Việt sang Mỹ và Canada) cũng đang tích cực vận động để tiếp cận nguồn quỹ từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nếu phía ngân hàng Việt Nam hỗ trợ về mặt chứng từ pháp lý thì GAP sẽ nhận được khoản vay với lãi suất thấp trong thời hạn 10-18 năm. “Tôi kỳ vọng phía ngân hàng Việt Nam xem xét và có kết quả kiểm định để giúp chúng tôi giải quyết về vấn đề nguồn vốn”, đại diện GAP chia sẻ.
Leave a Reply