Tìm hiểu nhà văn được thần tượng hóa số 1 nước Hoa Kỳ – Mark Twain
Mark Twain không hề sợ chết và ông từng viết cho vợ mình rằng: “Hiển nhiên, cái chết chẳng là gì đối với một người đàn ông vĩ đại và can đảm”.
Twain là một nhà văn bậc thầy, tác giả hai cuốn truyện lừng danh The Adventures Of Tom Sawyer và Adventures Of Huckleberry Finn. Lúc sinh thời, ông đã được “hưởng thụ” cuộc sống của một người có danh tiếng. Mark Twain từng ăn tối với Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, gặp gỡ Mahatma Ghandi, Sigmund Freud và nhiều “người khổng lồ” khác trong kỷ nguyên của mình.
Tên thật là Samuel Langhorne Clemens, Mark Twain sinh ra trong nghèo khó vào tháng 11/1835 ở Florida và năm lên 4 tuổi cùng gia đình chuyển tới Hannibal, nơi cha của ông mở một cửa hàng tạp hóa. Sau cái chết của người cha khi Twain 11 tuổi, ông đã bỏ học và từng làm nghề thợ in, lái tàu thủy, khai thác quặng trước khi trở thành văn sĩ và nhà bình luận chính trị.
Tom Quirk, giáo sư tiếng Anh đồng thời là học giả về Mark Twain, nói rằng Twain đã bị văn chương mê hoặc từ khi còn rất trẻ. Ông có tác phẩm xuất bản đầu tiên vào năm 16 tuổi và đó là câu chuyện mang tựa đề The Dandy Frightening The Squatter được đăng trên một tạp chí.
Twain còn là người thích phiêu lưu. Ông và anh trai mình – Henry – cùng làm việc trên những con tàu hơi nước ở sông Mississippi. Sau khi cuộc nội chiến ở Mỹ kết thúc, Twain chấm dứt những ngày lênh đênh trên sông và theo người anh Orion tới Nevada. Ông thử vận may với công việc khai thác quặng, rồi bắt đầu sự nghiệp của một nhà báo ở California, chu du tới châu Âu, Trung Đông và viết tác phẩm The Innocents Abroad.
Twain chuyển tới Hartford vào năm 1871 và sống ở đây trong suốt 25 năm. Trong thời gian đó, nhà văn đã tung ra các cuốn Adventures Of Huckleberry Finn, The Adventures Of Tom Sawyer và A Connecticut Yankee In King Arthur’s Court.
Vẫn là tên tuổi ăn khách
Ông Jeffrey Nichols, Giám đốc The Mark Twain House & Museum, cho biết rằng mỗi năm bảo tàng này thu hút khoảng 60.000 khách tham quan trong khi các cuốn sách của Twain vẫn tiếp tục được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.
Shelley Fisher Fishkin, người đã biên tập 33 cuốn sách về Twain, cho biết: “Năm nay sẽ có một tuyển tập các tác phẩm của Mark Twain bằng tiếng Pháp, Đức, Nhật và Bồ Đào Nha được phát hành”. Còn Jerome Loving, người viết cuốn Mark Twain: The Adventures Of Samuel L. Clemens, tác phẩm mới nhất trong hơn 20 cuốn tiểu sử viết về nhà văn này, thì khẳng định: “Twain là nhà văn được thần tượng hóa nhất nước Mỹ”. Loving cho rằng “hình ảnh gây ấn tượng nhất của ông ấy là mái tóc bù xù và chứng nghiện thuốc lá. Twain hút tới 300 điếu xì gà/tháng”.
Một doanh nhân gặp nhiều rủi ro
Sử dụng số tiền thừa kế của vợ, Twain xây một ngôi nhà phản ánh “sự phức tạp nhiều mặt nơi một người đàn ông là nhà văn”. Đây là nơi ở của gia đình ông cho đến năm 1896. Nhà văn cùng vợ và hai trong số 3 con gái ông đã ở châu Âu khi người con cả Susy bị bệnh viêm màng não và qua đời vào năm 24 tuổi tại ngôi nhà nói trên. Kể từ đấy, Twain không bao giờ trở lại sống trong ngôi nhà đó.
Sau khi ông bán nhà vào năm 1903, nơi này đã trở thành một ngôi trường rồi sau đó là nhà ở. Nó gần như đã bị đổ sụp trước khi được một nhóm phụ nữ cứu nguy vào những năm 20 của thế kỷ trước. Để có tiền chi trả, họ đã cho thuê tầng một của ngôi nhà làm thư viện công cộng và việc tu bổ được tiến hành vào năm 1955.
Năm 2003, việc phải chi thêm tiền tu bổ ngôi nhà đã trở thành bảo tàng tốn kém 19 triệu USD này gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều nhà văn đã hỗ trợ bảo tàng gây được quỹ trở lại.
Tại đây có trưng bày một chiếc máy sắp chữ hiệu Paige mà nhà văn từng đầu tư rất nhiều tiền vào đó. Chiếc máy này có 18.000 bộ phận có thể tháo rời, nhưng phần nhiều trong số đó hiện không hoạt động được. Năm 1901, sau khi đã qua cơn khánh kiệt, Twain từng khuyên mọi người rằng: “Để thành công trong kinh doanh thì hãy tránh những sai lầm của tôi”.
Tuổi già khiến Twain trở nên buồn bã nhưng điều đó không làm cho nhà văn sống trong thinh lặng. Ông là người phản đối kịch liệt cuộc chiến tranh ở Philippines và những hoạt động quân sự khác của Mỹ thời đó.
Đã khuất bóng tròn một thế kỷ, Mark Twain để lại cho hậu thế không chỉ những tiểu thuyết gây nhiều ảnh hưởng mà còn là các bài tiểu luận, bài báo, truyện ngắn với đề tài về những chuyến chu du, quyền công dân, chủ nghĩa hòa bình, khoa học viễn tưởng… Ông từng viết: “Về cơ bản có hai nhóm người. Nhóm thứ nhất là những người làm trọn vẹn các công việc của mình, còn nhóm thứ hai thì luôn tự cho rằng đã hoàn thành mọi việc. Nhưng nhóm thứ nhất thì ít người hơn”.
Theo Việt Lâm
Leave a Reply