Tiểu luận “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” (Chương 11)
Đây là một tác phẩm thực sự đáng đọc bởi sự sâu sắc của những suy ngẫm và sự lấp lánh của ngôn từ.
Chúng tôi xin trích đăng những chương nói về nước Mỹ, người Việt ở Mỹ và cuộc sống Mỹ.
Chương XI
Khi tôi vừa đến thành phố Berkeley được một ngày thì nhận được email của một người bạn – anh S. Anh viết: “Thiều ơi, tôi đang ở Pablo Alto, ông đang ở đâu cho tôi biết và đến chơi với tôi”. Hoá ra chỗ anh ở chỉ cách chỗ tôi chừng một tiếng đồng hồ chạy xe.Tôi gọi điện cho anh. Anh hỏi địa chỉ nơi tôi ở và cho người bạn lái xe đến đón tôi. Anh vừa sang Mỹ được mấy ngày. Anh là một con người đặc biệt, một số phận đặc biệt và là một bài học đặc biệt. Tôi gặp anh mười năm trước đây ở Bangkok và trở thành bạn anh. Chúng tôi là người cùng huyện Ứng Hoà tỉnh Hà Tây. Tôi và anh mỗi người một công việc và gần như trái ngược nhau. Anh là một nhà doanh nghiệp còn tôi là một nhà thơ. Anh rành mạch và rõ ràng còn tôi ngơ ngác và mơ mộng. Tính anh thẳng thắn, có gì trái phải nói ngay. Còn tôi thì hay ý tứ có lúc thành dở hơi.
Đường phố ở Berkeley |
Có lẽ vì cá tính như vậy mà có lúc anh bảo tôi: “Tôi chán ông lắm, nhiều lúc ông chơi với tôi không thực lòng”. Thật ra là do tôi hay ngại và nhiều lúc ý tứ quá đối với những việc anh có ý giúp tôi mà tôi thấy lớn quá. Chẳng lẽ mình lại xấn xổ vào. Ngay từ đầu tôi đã gọi anh là S. Tại sao vậy ? Tại vì tôi viết như thế này anh đã không thích. Thế mà lại mang cả tên thật anh ra thì có khi anh lại nổi khùng. Nhưng câu chuyện về anh tôi thấy cần phải viết dù chỉ là một ít dòng.
Rồi người bạn anh lái xe đến đón tôi. Tôi kêu lên vì ngạc nhiên. Đó không phải ai khác mà là một người quen, Tom Nova. Cách đây ba năm, anh S. gọi điện bảo tôi đến nhà có việc. Tôi đến và gặp ở nhà anh một người nước ngoài. Đó chính là Tom Nova. Tom là người Đức. Trong chuyến bay từ Đức đến Việt Nam, Tom đã đọc truyện ngắn Thị Trấn Những Cây Bàng Cụt của tôi bằng tiếng Anh in trên tờ Heritage của Hàng Không Việt Nam. Tom nhớ truyện ngắn đó và nhớ cả bức ảnh tác giả in kèm có bộ ria mép. Tom kể lại chuyện đó với anh S. Nghe xong, anh S bảo: “Tưởng ai chứ tay này là đồng hương tôi”. Và thế là anh gọi tôi đến để tôi và Tom gặp nhau.
Tom sang Mỹ một ngày trước khi anh S. sang. Tom là một người bạn và là một lái xe tin cậy nhất của anh S. ở nước ngoài. Mỗi khi sang Mỹ hay các nước Châu Âu, anh S. lại mua vé cho Tom sang chơi với gia đình anh và giúp anh một số việc. Tom có vợ là người Việt sống ở Đức. Tom là một người học hành tử tế, nhưng nghề Tom thích nhất là nghề vẽ tranh trên đường phố để bán. Nhà tôi cũng treo một bức tranh của Tom. Những bức tranh rất nhỏ nhưng thật ấn tượng. Tom là bạn của gia đình anh S. đã hơn mười lăm năm nay.
Khi tôi đến anh đang nằm mê mệt trên giường ở phòng trong. Một người cháu đỡ anh ra phòng khách. Anh bảo: “Ra đây nằm để nói chuyện với ông Thiều”. Nghe vậy tôi thực sự xúc động. Anh vừa truyền thuốc hôm qua. Mỗi lần truyền thuốc, anh phải nằm gục trên giường nhiều ngày. Sau đó tóc anh rụng hết. Mấy tháng sau lại mọc.
Thấy tôi, anh đùa: “Nhà trắng đang chuẩn bị tiệc đón ông đấy”. Anh S. bị bệnh ung thư. Hơn mười năm trước, các bác sỹ Việt Nam đã thông báo với anh rằng: y học không còn cách nào để giúp đỡ anh. Nghĩa là ngày ấy cái chết đã đến cầm lấy ngón tay út của anh rồi. Lúc đó, anh nghĩ: tại sao mình có thể chết được. Mình đã phải gánh chịu bao nhiêu đói rét, khổ đau, bất hạnh trong suốt thời ấu thơ và những năm tháng sau này. Và mình đã sống, đã lao động với toàn bộ ý trí và ước mơ để đi qua những thách thức nghiệt ngã của đời sống để làm người như hôm nay. Mình không thể chết.
Và anh đã đi qua được cái chết một cách kỳ diệu. Cái gì đã giúp anh: sự ban phước của Thượng đế hay tình yêu cuộc sống mãnh liệt của anh ? Tôi nghĩ cả hai. Mười năm nay là bạn của anh, tôi thấy hình như lúc nào anh cũng vui. Hình như mọi thách thức, mọi khổ đau, mọi đe doạ trên cuộc đời này đã không khuất phục được anh. Anh là một người thực sự giàu có. Tôi có thể nói, anh là một trong những người giàu có nhất Việt Nam. Nhưng khi ngồi với tôi, chẳng bao giờ anh nói về sự giàu có của mình.
Tôi nghĩ sự giàu có chân chính là một niềm hãnh diện. Một dân tộc giàu có luôn luôn là niềm hãnh diện của các công dân. Ngày tôi còn học ở Cuba, có chàng sinh viên Việt Nam khi được hỏi quốc tịch nước nào thì luôn trả lời: Nhật. Thế là các cô gái Cuba nhìn chàng với đôi mắt kính trọng và không ít cô đã lăn lóc theo chàng. Thi thoảng rảnh rỗi, tôi ghé qua nhà anh vào buổi chiều và ngồi với anh. Anh thường kể cho tôi nghe về tuổi thơ ấu đầy nước mắt của mình. Khi anh lên năm tuổi, mẹ anh bế anh về quê cho ông bà nội anh để đi theo một người đàn ông khác. Anh coi như mồ côi mẹ từ thuở ấy.
Làng quê nghèo đói và buồn bã đã rót đầy nước mắt vào con người anh. Mỗi sáng tinh mơ, cậu bé S. đã xách chiếc giỏ rách lần theo các bờ ruộng để móc cua. Mười đầu ngón tay cậu bé như bị cắt nát bởi cua cắp. Bảy tuổi, cậu phải ra đồng nhổ mạ như một người lớn. Tan buổi làm, cả người cậu phủ kín bùn chỉ con đôi mắt. Đến bữa ăn, khi cậu đưa bát đến lần thứ hai thì người cô lấy gót chân nghiền tưởng nát những ngón chân cậu. Mùi cá kho tương bên nhà hàng xóm bay sang như một cơn mơ đối với cậu. Cơn mơ bé bỏng ấy đã làm đau buốt tuổi thơ cậu.
Rồi cậu lớn lên và theo người cha, một cán bộ nhà nước hiền lành và nghèo khó, ra thành phố. Rồi cậu bé buồn bã, nghèo đói, đau khổ và cô đơn ấy đã lao động để rồi trở thành một trong những người giàu có nhất Việt Nam. Thế rồi, một điều khủng khiếp đến với anh: bệnh ung thư. Tôi kinh ngạc thấy rằng chưa bao giờ có một nét nào của sự tuyệt vọng hiện lên trên giương mặt anh. Lúc nào anh cũng sống vui vẻ và hài hước như là cuộc đời này chẳng có gì làm anh phiền muộn. Anh cứ thế vui vẻ sống, vui vẻ làm việc. Và cứ thế, từng ngày, từng tháng, từng năm anh đi qua căn bệnh hiểm nghèo ấy.
Mỗi năm, thường là anh sang Mỹ hai lần để tiêm thuốc. Một lượng thuốc cực mạnh như đè bẹp anh xuống. Sau khi tiêm thuốc cả tháng trời anh vẫn choáng váng như một người say rượu. Nhưng lần nào cũng thế, chỉ tiêm thuốc xong là anh nằng nặc đòi về nước. Với anh, những đường phố nhỏ bụi bặm, những quán phở, quán bún riêu vỉa hè, những cái cây và những cơn mưa trên thành phố quê hương anh đã trở thành một phần sức mạnh của anh.
Nằm trên giường, anh nói trong hơi thở nặng nhọc với tôi: “Có cho tôi năm triệu đô la một tháng tôi cũng không thể sống nổi ở đây, tôi phải về nhà ông Thiều ạ”. Anh có đủ tiền sống sang trọng trong một ngôi nhà sang trọng ở Mỹ mà không phải làm gì. Nhưng anh đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương anh với quá nhiều ký ức mà anh không bao giờ dứt áo đi xa được. Anh đã nói với con trai đầu lòng của anh, một sinh viên của đại học Stanfford, Mỹ, rằng: “Học xong trở về nước làm việc thì cuộc đời con còn có ý nghĩa, còn nếu ở lại thì cuộc đời coi như hết con ạ”.
Tôi thấy anh quá khác những người giàu có khác. Anh đã làm được một điều vô cùng quan trọng mà nhiều người giàu có ở Việt Nam không làm được. Đó là việc nuôi dạy những đứa con anh. Cậu con trai 19 tuổi của anh cũng mang nỗi nhớ quê hương không kém gì cha cậu. Cậu sống một mình ở Mỹ với một ngôi nhà riêng, một chiếc xe hơi riêng đắt tiền, một tài khoản riêng. Nhưng cậu chỉ chăm chăm học thật nhanh để khi thi xong là lao ra sân bay về nước. Cậu tiêu tiền như con trai của một gia đình nghèo khó. Cậu khác quá nhiều những cô cậu con nhà giàu khác ở Việt Nam. Cậu cũng thừa biết rằng, với tài sản cha cậu có, cậu có thể ăn chơi hết đời cũng chẳng thấm chi.
Có những lúc anh kiểm tra con mình bằng cách đưa cho cậu rất nhiều tiền. Nhưng cậu vẫn tiêu tiền như thế. Mua một đôi giày mới cậu cũng email từ Mỹ về xin phép cha cậu. Tài sản của cha cậu rồi sẽ hầu hết thuộc về cậu. Nhưng cậu đã nhận ra rằng không sống, không làm việc như một mơ ước, như một sự thách thức thì cuộc đời cậu chẳng đáng giá một xu. Và cậu cũng hiểu cái giá của mồ hôi, nước mắt trong từng đồng tiền mà cha mẹ cậu làm ra.
Cậu tâm sự với tôi: “Cháu có đủ mọi thứ, nhưng lúc nào cháu cũng muốn chạy thật nhanh về ngôi nhà của mình ở Việt Nam”. Hình ảnh một cậu con trai 19 tuổi ngồi bóp chân cho cha mình trong lúc đau ốm suốt đêm làm tôi không kìm nổi xúc động. Trong lúc đó chúng ta thực lòng phải đau đớn thừa nhận rằng: lòng hiếu thảo đối với cha mẹ của nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam đang trở thành nỗi lo lớn và là nỗi đau buồn không ít cho bậc cha mẹ. Có quá nhiều những đứa con cậy bố mẹ họ nhiều tiền đã lao vào cuộc sống thác loạn vô mục đích.
Anh S. đã quá thành công trong cuộc đời mình. Nhưng anh thành công hơn trong việc nuôi dạy những đứa con anh. Nếu con anh là một kẻ nghiện ngập, lang thang rượu chè, cờ bạc và thiếu ân nghĩa thì những đồng tiền chỉ mang lại niềm vui cho anh trong một khoảng khắc nhất định mà thôi. Con trai anh đã tâm sự với tôi: “Khi về Việt Nam, cháu không chịu nổi khi nhìn những thanh niên xe này xe nọ, quần này áo nọ, hết nhà hàng lại quán bar, hết mát-sa lại ma tuý”.
Tôi cũng từng biết những người giàu có khác ở Việt Nam, nhưng tôi thấy họ sống khác anh. Họ giống những gã trọc phú. Họ nhanh quên những người bạn nghèo. Anh chơi với Tom, một người Đức nghèo, nhưng vì Tom chân thành và thông minh. Tôi chơi với anh cũng bởi vì anh dân dã và thẳng thắn. Những gì tôi viết dở là anh nói ngay: “Sao mà bài này ông viết dở hơi thế”.
Nhà văn chúng ta thường là văn mình vợ người. Nhưng tôi không bao giờ tự ái vì anh khen chê rất chân thành. Một lời chê chân thành giá trị gấp mười triệu lần những lời khen giả dối. Nhiều lúc tôi không hiểu nổi khi thấy anh ngồi bên một quán vỉa hè ăn chân vịt như một người túng thiếu trong khi đó anh sẵn sàng bỏ tiền xây một trường mẫu giáo hàng trăm triệu đồng cho một làng miền trung anh bất chợt đi qua mà không đòi hỏi một ơn huệ gì. Trước khi rời khỏi ngôi làng đó, anh nói với những người già của làng nếu cần gì cho các cháu nhỏ cứ viết thư cho vợ chồng anh. Vợ chồng anh sẵn sàng giúp đỡ. Tôi chứng kiến tận mắt sự việc ấy. Và tôi không thể không suy nghĩ về việc làm của vợ chồng anh dù đó chỉ làm một trong rất nhiều việc họ đã làm.
Khi bài viết này của tôi được đăng lên, tôi biết thế nào anh cũng lại nổi cáu và bảo: “Ông làm cái gì thế này”. Nhưng tôi thấy tôi cần phải viết ra một phần nhỏ về anh, một số phận đặc biệt, một nghị lực đặc biệt. Và anh là một người Việt Nam chính hiệu, sinh ra từ một cái làng chiêm trũng nghèo đói, chứ không phải là “Việt kiều” như một số Việt kiều thật hỏi tôi: “Ông ấy là Việt kiều à?”
(Còn tiếp)
Leave a Reply