Thế giới và Hollywood: Ai là người cứu ai?
“Người sói Wolverine”, tập phim X-men thứ sáu chuẩn bị ra mắt tại VN từ ngày 2/8, đã tìm được lời giải lý tưởng cho mình khi để câu chuyện xảy ra ở Nhật Bản, một xứ sở đầy huyền thoại, nét văn hóa khác biệt cùng những niềm kiêu hãnh lạ lùng. Nơi mà móng vuốt kim loại sắc nhọn của Wolverine có dịp đọ sức với đường kiếm tinh tế của các samurai, còn đôi chân nhanh như loài sói hoang dã thì đua cùng tài phi thân thoắt ẩn thoắt hiện của các ninja.
Phim “Người sói Wolverine”, sự pha trộn khéo léo giữa văn hóa Mỹ và văn hóa Nhật Bản |
Hollywood cứu thế giới
Cách giải tưởng chừng chỉ nằm trong phạm vi bài toán nội bộ của loạt phim X-men. Nhưng nếu liên hệ với vài câu chuyện khác trên màn ảnh gần đây, người ra sẽ thấy con đường phiêu lưu ra hải ngoại của một nhân vật – vốn là sản phẩm văn hóa Mỹ – không hề là một lối thoát tình cờ, mà nằm trong định hướng của một Hollywood tìm cách gần gũi với khán giả ở phòng vé trên khắp toàn cầu.
Giống như “Người sói Wolverine”, bộ phim đang làm mưa làm gió trên màn ảnh “Siêu đại chiến” là cuộc chiến giữa loài người, với vũ khí là những con robot Kaiju khổng lồ (lấy ý tưởng từ truyện tranh Nhật Bản), và đám quái vật Jaegers hung hiểm ngoài hành tinh. Trận huyết chiến cuối cùng và quan trọng nhất trên phim diễn ra ở Hồng Kông, chứ không phải New York hay Chicago.
Hay như “Thế chiến Z” hồi đầu mùa phim hè là cả một thảm họa toàn cầu, nơi cuộc phiêu lưu đi cứu thế giới của nhân vật do Brat Pitt diễn xuất lần lượt lướt qua Mỹ, Hàn Quốc, Israel trước khi kết thúc ở Ireland. “Người Sắt 3″, bộ phim ăn khách nhất thế giới từ đầu năm tới nay cũng cho thấy màu sắc quốc tế hóa của mình qua những chi tiết liên hệ với châu Âu và Trung Quốc, cùng cách xây dựng một nhân vật phản diện phi chủng tộc và mơ hồ quốc tịch.
Chuyện chưa dừng ở đó khi nhiều dự án lớn nhất của Hollywood gần đây còn công khai nhiều cách làm khác nhau nhằm chinh phục khán giả ở những thị trường lớn, ngoài Mỹ. “Robot đại chiến 4″ tuyển mộ tới 6 diễn viên Trung Quốc (trong đó có hai ngôi sao hạng A của điện ảnh Hoa ngữ) bằng cách tổ chức một chương trình truyền hình thực tế ở nước này. Tuy nhiên, chưa rõ đạo diễn Michael Bay cho phép họ xuất hiện trong bản chiếu toàn cầu, hay chỉ dùng riêng cho phiên bản tiếng Trung như cách làm của “Người Sắt 3″.
Ngoài việc mời diễn viên quốc tế tham gia, một số dự án tìm thấy “mỏ vàng” của mình ở những nhân vật huyền thoại, thuộc những nền văn hóa khác nhau nhưng đều in dấu ấn lên văn hóa đại chúng toàn cầu. Ngoài “Xì Trum 2″ là câu chuyện xảy ra ở Paris với những nhân vật là sáng tạo huyền thoại của ngành truyện tranh Bỉ, ra mắt vào hè này, sắp tới khán giả sẽ còn thấy lại những con quái vật Godzilla và Ninja rùa của Nhật Bản, những võ sư kungfu cao cường của Trung Quốc…trong phim Hollywood.
Dù tính chất và mức độ quốc tế hóa nội dung trong nhiều phim bom tấn Hollywood có thể được nhìn nhận khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng đều được sản xuất bằng kinh phí khủng, mời cả ngôi sao Hollywood lẫn ngôi sao ở các thị trường khác, sử dụng tối đa những kỹ xảo điện ảnh và chi nhiều tiền cho các buổi ra mắt rầm rộ trên khắp thế giới. Phần lớn những bộ phim này đều thành công tại các thị trường quốc tế mà chúng nhắm tới.
“Trở về trái đất” với kinh phí 130 triệu USD, thu về 60 triệu USD tại Bắc Mỹ và 176 triệu USD ở thị trường quốc tế. |
Thế giới cứu Hollywood
Nếu trên màn ảnh, những người hùng (trong hình ảnh của các ngôi sao Hollywood) có những phẩm chất cao quý và sự can đảm đủ sức cứu thế giới trước thảm họa diệt vong, hay những âm mưu đen tối của một tên ác ôn nào đó thì ngoài phòng vé, khán giả khắp toàn cầu – với hầu bao rộng lượng – có vẻ như mới là những người cứu sống được những bộ phim như vậy trước áp lực quá lớn về chi phí sản xuất. Một thập niên trước đây, thị trường Bắc Mỹ thường chiếm một nửa tổng doanh thu của một phim bom tấn Hollywood. Nhưng tình hình hiện đã khác: 66% trong doanh thu 1,2 tỷ USD của “Người Sắt 3″ là từ thị trường quốc tế, ở “Thế chiến Z” là xấp xỉ 60%, “Siêu đại chiến” là 62%…
Riêng trong 3 ngày cuối tuần trước, “Người sói Wolverine” kiếm được tới gần 90 triệu USD tại nước ngoài, trong khi chỉ thu về 55 triệu USD tại Bắc Mỹ. Chưa kể, thị trường quốc tế còn cứu Hollywood những bàn thua trông thấy ở một loạt bom tấn thất bại trong mùa hè qua như “Trở về trái đất”, “Oblivion”, “Kỵ sĩ cô độc”, “Đồn cảnh sát ma”… Dù tổng doanh thu phòng vé có dấu hiệu chững lại hoặc chỉ tăng rất nhẹ trong những năm gần đây, nhưng với quy mô hiện đã lên xấp xỉ 11 tỷ USD mỗi năm, giới chuyên môn dự đoán Bắc Mỹ vẫn là thị trường chiếu bóng lớn nhất thế giới trong một năm tới. Tuy nhiên, vị trí này sẽ sớm bị đe dọa bởi thị trường Trung Quốc đang tăng như vũ bão và đã đạt mốc 2,7 tỷ USD vào năm ngoái.
Riêng Việt Nam được Hollywood Reporter xếp là một trong 13 thị trường quốc tế tăng trưởng nóng nhất hiện nay. Những chuyển động của thị trường rõ ràng đang khắc họa một diện mạo rất mới của dòng phim thương mại Hollywood.
Minh Chánh
Leave a Reply