Sức hút của ngành công nghiệp không khói nơi đất Hoa Kỳ
Theo số liệu thống kê của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), năm 2011 ngành du lịch và lữ hành toàn cầu đã đóng góp tới 6,3 nghìn tỷ đô la GDP, tạo ra 255 triệu việc làm, 743 tỷ đô la đầu tư, 1,2 nghìn tỷ đô la xuất khẩu, đại diện 9% GDP, 1/12 tổng số việc làm, 5% tổng đầu tư và 5% tổng xuất khẩu toàn cầu. Theo dự báo của WTTC, số lượng khách quốc tế năm 2012 sẽ vượt 1 tỷ lượt người, đóng góp 6,5 nghìn tỷ đô la cho kinh tế toàn cầu và tạo ra 260 triệu việc làm trên toàn thế giới và trong 10 năm tới sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 4% năm (nguồn internet).
Những con số trên là minh chứng cho sức nóng của nghề du lịch. Nghề du lịch hiện nay cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ. Tuy nhiên, liệu các bạn đã thực sự hiểu đúng về nghề này? Có rất nhiều bạn cho rằng làm du lịch tức là “được” hoặc “phải” đi nhiều nơi, luôn trên từng cây số. Trên thực tế, nghề du lịch lại rất đa dạng và cơ hội việc làm trong nghề này có cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Trong khu vực công, bạn có thể làm việc trong các sở ban ngành quản lý nhà nước về du lịch, các hướng dẫn viên điểm tại các di tích… Trong khu vực tư nhân bạn có thể làm việc cho công ty du lịch, khách sạn, hãng hàng không, đại lý vận tải hoặc một công ty vận chuyển hàng hóa. Ngành công nghiệp không khói này có đặc điểm là luôn đổi mới và luân chuyển nhân sự có kinh nghiệm. Do đó, khi bạn có đủ kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn, bạn có cơ hội được thăng chức nhanh chóng và thậm chí tự thành lập công ty riêng của bạn sau một vài năm.
Nghề Hướng dẫn viên du lịch
Nói đến nghề du lịch, thông thường người ta nghĩ ngay đến Hướng dẫn viên (HDV), bởi đây là công việc có thể nói là điển hình nhất của nghề du lịch. Một HDV tốt thường có kiến thức tổng quát ở nhiều lĩnh vực khác nhau và phải luôn không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức. Ngoài ra, công việc này đòi hỏi bạn phải có sức khỏe tốt cộng với sự đam mê công việc cao thì mới dày công theo đuổi được.
Nếu bạn là HDV cho khách quốc tế, bắt buộc bạn phải thành thạo ngoại ngữ của đối tượng du khách mà bạn phục vụ. Tùy theo đối tượng khách thích hướng dẫn trẻ, có ngoại hình và năng động hay là hướng dẫn lớn tuổi có sự chắc chắn, sâu sắc và giàu kinh nghiệm. Cho nên, bạn không lo sợ thất nghiệp khi lớn tuổi, nghề này được ví như “gừng càng già càng cay”.
Mỗi ngành nghề khi đến một giai đoạn nào đó, lại có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Nếu như không tiếp tục công tác hướng dẫn, bạn có thể làm nhân viên điều hành, quản lý, hoặc tham gia vào công tác giảng dạy truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. HDV có thể trở thành PR, MC, hoạt náo viên, thông dịch viên, giảng viên… Do đó, có nhiều hướng dẫn viên giỏi sau khi gắn bó với nghề nhiều năm nhờ sự đa tài & năng động họ có thể kiếm một công việc khác nhàn rỗi, kiếm được nhiều tiền mà vẫn thỏa mãn niềm đam mê.
Làm nghề du lịch ở đâu?
Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy rất nhiều công việc trong nghề du lịch tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như :
Các cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch
Công việc ở các cơ quan này bao gồm các công việc như làm cán bộ đào tạo nâng cao năng lực nhân sự cho ngành du lịch, lập kế hoạch du lịch, hướng dẫn viên, trợ lý thông tin và cán bộ trong Tổng cục và Sở du lịch. Các cơ quan này thường lựa chọn nhân sự thông qua các kỳ thi tuyển công chức hoặc hợp đồng có thời hạn.
Công ty / Đại lý du lịch
Các tổ chức này cung cấp các sản phẩm du lịch và các dịch vụ gia tăng khác. Công việc thường là cung cấp thông tin về điểm đến, đặt phòng khách sạn, phương tiện vận chuyển, thị thực, ngoại hối… Một khóa học về chuyên ngành du lịch từ cấp cao đẳng trở lên sẽ giúp bạn có được một công việc phù hợp trong các công ty/đại lý du lịch.
Khách sạn
Khách sạn cung cấp cho du khách các dịch vụ về lưu trú, hội thảo và ăn uống… Các vị trí thường có là văn phòng, lễ tân, bảo vệ, quản trị thực phẩm và đồ uống, kế toán, quản lý và quan hệ công chúng… Một khóa học về quản lý khách sạn hoặc nghiệp vụ khách sạn sẽ giúp bạn có được một công việc phù hợp trong các khách sạn.
Hãng vận chuyển
Một yếu tố không thể thiếu trong du lịch là Giao thông vận tải, bao gồm phương tiện đi du lịch từ nơi này đến nơi khác bằng đường hàng không, đường sắt , đường bộ và đường biển. Điều hành, kết nối các phương tiện này cho khách du lịch hoặc cho các công ty du lịch là công việc khá phổ biến và bận rộn. Bạn có khả năng kết nối, kỹ năng đàm thoại tốt và kiến thức về các ngôn ngữ khác nhau là sự thích nghi lý tưởng cho công việc này.
Các hãng hàng không
Nhu cầu nhân lực của các hãng hàng không rất lớn, bao gồm nhân viên mặt đất, trợ lý giao thông, đặt phòng, chiêu đãi viên hàng không, bán hàng, nhân viên tiếp thị và những người cung cấp dịch vụ cho khách hàng… Mức lương tốt luôn là một yếu tố hấp dẫn hàng đầu của lĩnh vực hàng không.
Chuyên gia tư vấn kỳ nghỉ
Đây là lựa chọn nghề nghiệp tương đối mới trong ngành công nghiệp du lịch và du lịch. Các chuyên gia cung cấp mọi thông tin cho khách hàng. Họ bán các kỳ nghỉ, lịch trình, lập kế hoạch du lịch, đặt vé và cung cấp tất cả các chi tiết khác cần thiết cho chuyến đi.
Phẩm chất và kỹ năng cần có của người làm nghề du lịch
Phẩm chất đặc trưng cần có của người làm du lịch đó là quan tâm đến mọi người, biết lắng nghe, nhạy cảm, tâm lý. Chỉ với những đức tính này thì bạn mới có thể tạo thiện cảm với du khách, nhận ra những vấn đề phát sinh của họ để kịp thời trợ giúp. Ngoài ra, cần trang bị cho mình khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và ngoại ngữ tốt, truyền đạt hiệu quả cũng như vốn kiến thức về các lĩnh vực văn hóa – xã hội phong phú và toàn diện.
Là người luôn chủ động trong mọi tình huống, có khả năng làm việc độc lập cao; tác phong linh hoạt, tươi tắn, thân thiện, có thái độ giúp đỡ mọi người, ứng xử thông minh và khéo léo.
Xu thế của thế giới hiện nay, những ngành dịch vụ phát triển rất nhanh, mạnh và nếu bạn thật sự đam mê với lĩnh vực này thì cơ hội việc làm cho bạn là luôn luôn rộng mở. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, bạn cần phải thành thạo ngoại ngữ và luôn phải bổ sung những kiến thực thực tế, kiến thức từ nước ngoài để thích ứng với môi trường làm việc ngay sau khi ra trường. Muốn trở thành người giỏi trong lĩnh vực du lịch, có 4 kỹ năng quan trọng:
• Định hướng nghề nghiệp rõ ràng
• Tính cánh thân thiện năng động
• Am hiểu về văn hóa địa phương và các nước trên thế giới (bản chất của ngành Du lịch khách sạn là thuộc về quốc tế, đa văn hóa)
• Có kinh nghiệm thực tế về các nước trên thế giới
Nụ cười thân thiện, cởi mở dẫn lối cho hành trình du lịch thành công
Học nghề du lịch ở đâu?
Tại Việt Nam, bạn có thể theo học các chuyên ngành về khách sạn tại trường Đại học Hà Nội (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành dạy bằng tiếng Anh), trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Quản trị kinh doanh Du lịch và Khách sạn, Quản trị Lữ hành, Quản trị khách sạn), Đại học Văn hóa Hà Nội (Việt Nam học – Văn hoá Du lịch), Viện Đại học Mở Hà Nội (QTKD du lịch, khách sạn; Hướng dẫn du lịch), Đại học Phương Đông ( Quản trị du lịch), Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Du lịch)… Điểm đầu vào tùy từng trường.
Tại nước ngoài, bạn có cực kì nhiều lựa chọn, từ du học Thụy Sỹ- nơi được mệnh danh là số 1 về đào tạo ngành du lịch- khách sạn, đến Australia, New Zealand, nơi mà hàng năm khách du lịch từ các nơi đổ về, nhiều khi chỉ để được hưởng lễ giáng sinh bên bờ biển thay vì cây thông Noel và tuyết truyền thống, hoặc đơn giản hơn, gần hơn là tại Singapore, quốc đảo nhỏ nhắn, xinh đẹp nhưng du lịch lại là một trong những ngành đem lại thu nhập cao nhất cho người dân nước này.
Du lịch bao giờ cũng kèm theo khách sạn, ăn uống, dịch vụ…Vì vậy các bạn có thể học kết hợp thành quản trị du lịch- khách sạn, trong đó bạn có thể chọn học các khóa học chỉ thiên về lý thuyết để trở thành các nhà nghiên cứu/quản lý trong lĩnh vực, hoặc các khóa học vừa học- vừa làm để vừa có thêm kinh nghiệm thực tế, vừa có tiền và có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Leave a Reply