Sơ lược về chủ tịch Hội đồng Quản trị mới của VEF
Ông Fussner được công nhận là một nhà phân tích sắc sảo về các vấn đề Đông Nam Á và là người có cam kết mạnh mẽ vì giáo dục sau đại học tại Mỹ. Ông từng thuyết giảng về kinh doanh và dự đoán tình hình kinh tế ở Đông Nam Á, và mối quan hệ đối ngoại giữa Mỹ và châu Á. Ông Fussner được cựu Tổng thống Bush chỉ định là thành viên Hội đồng Quản trị VEF ngày 10/8/2008, sau đó, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng và tiếp tục giữ chức vụ này từ ngày 1/5/2011.
Bà Sandy Hoa Đặng là nhà sáng lập và cựu Giám đốc Điều hành tổ chức Lãnh đạo, Trao quyền và Phát triển Mỹ Á (AALEAD), một tổ chức hỗ trợ các gia đình nhập cư thông qua một loạt các chương trình giáo dục và xã hội. Hiện nay, bà là Cố vấn về các Chương trình đặc biệt cho Tổ chức JBS Quốc tế, và là nhà tư vấn quản lý thay đổi cho Tổ chức Chương trình gia đình Casey (Casey Family Programs). Bà Đặng nhận bằng Cử nhân tại Đại học Duke, bằng Thạc sỹ chuyên ngành Hành chính công tại Trường đào tạo Lãnh đạo Harvard Kennedy (Harvard Kennedy School of Government), và bằng Thạc sỹ về Công tác Xã hội tại trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America). Bà thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Việt.
Tiến sỹ Isaac F. Silvera là Giáo sư Danh dự Thomas Dudley Cabot về Khoa học tự nhiên tại trường Đại học Harvard, nơi ông giảng dạy bộ môn vật lý và làm công tác nghiên cứu từ năm 1982. Các nghiên cứu của ông được Bộ Năng lượng, Quỹ Khoa học Quốc gia, và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) tài trợ. Giáo sư Silvera nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học California ở Berkeley. Giáo sư Silvera được trao tặng Giải thưởng Vật lý châu Âu Hewlett Packard. Mới đây, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, ông tham gia một nhóm chuyên trách thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia của Mỹ với mục đích tư vấn tăng cường, thúc đẩy giáo dục sau đại học trong lĩnh vực khoa học và kĩ thuật tại Việt Nam.
VEF được điều hành bởi Hội đồng Quản trị gồm 13 thành viên, trong đó có hai Thượng Nghị sỹ; hai Hạ Nghị sỹ; ba thành viên trong Chính phủ Mỹ và sáu thành viên khác do Tổng thống Mỹ chỉ định. Hội đồng Quản trị bổ nhiệm Giám đốc Điều hành với trách nhiệm quản lý các hoạt động của Quỹ thông qua hai văn phòng điều phối: Trụ sở chính ở Washington, D.C. và Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Việt Nam.
VEF là sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Mỹ nhằm đưa Mỹ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế và công nghệ. Quỹ đã bước sang năm hoạt động thứ 9. Là hoạt động trọng tâm của Quỹ, Chương trình Nghiên cứu sinh đã đưa 378 ứng viên xuất sắc sang học tập tại 80 trường đại học hàng đầu Mỹ, trong đó phần lớn theo học chương trình tiến sỹ. Hai hoạt động chính khác của Quỹ là Chương trình Học giả, đưa công dân Việt Nam sang tham gia chương trình sau tiến sỹ tại Mỹ trong thời gian tối đa 12 tháng và Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam, đưa giáo sư Mỹ sang Việt Nam giảng dạy từ 1 tới 2 học kì thông qua cầu truyền hình hoặc giảng dạy trực tiếp. Nghiên cứu sinh và học giả theo chương trình của VEF phải trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học tại Mỹ.
Hồng Hạnh
Leave a Reply