Sản xuất kinh doanh nông nghiệp: Những bài học nào từ người Hoa Kỳ?
Cắt giảm trợ cấp cho trang trại lớn, giúp các gia trại, trang trại nhỏ mạnh lên, bảo đảm các thành viên trong chuỗi cung ứng nông sản đều có lợi, áp dụng chuẩn quốc tế càng sớm càng tốt…
Đó là những khuyến nghị của các doanh nhân lĩnh vực nông nghiệp Mỹ, đã từng sản xuất kinh doanh nông sản ở Mỹ, và hiện công ty của họ đang kinh doanh tại Việt Nam. Các khuyến nghị này được đưa ra tại Hội thảo Phong cách kinh doanh của người Mỹ, chủ đề “Kinh doanh nông nghiệp” do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) tổ chức hôm 3.12 tại Hà Nội. Hội thảo được dẫn dắt bởi bà Jeanne Bailey – Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Lưu ý hai mặt của cạnh tranh
“Cách đây 40 năm trước, các cửa hàng, siêu thị Mỹ không có nhiều mặt hàng nông sản để lựa chọn như hiện nay. Khi lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1991, tôi cũng thấy điều tương tự. Thật khó tìm được một mặt hàng ưng ý ở chợ… – ông Bob Allen – doanh nhân đến từ Công ty Golden Garden (chi nhánh Việt Nam) cho biết – Nhưng hiện nay, nước Mỹ là một thị trường nông sản vào loại phong phú nhất thế giới, với rất nhiều chủng loại rau, thịt… trong siêu thị. Đầu tư phát triển nông nghiệp không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, mà còn góp phần cân bằng dân số nông thôn – thành thị, hạn chế di cư ồ ạt ra thành phố, đồng nghĩa với việc giảm sức ép các vấn đề xã hội mà nhà nước phải giải quyết”.
Việt Nam cũng đã có rất nhiều rau quả hấp dẫn. Bắt đầu làm trang trại nông nghiệp tại Đà Lạt từ năm 1994 theo nguyên tắc sản xuất an toàn và không dư lượng thuốc trừ sâu. Bốn năm sau, ông đã mở 3 cửa hàng nông sản thực phẩm tươi sống ở TP. Hồ Chí Minh với tên gọi VeGGy’s, và cửa hàng thứ tư ở Hà Nội.
Ông Bob Allen |
Theo ông Bob, sự đa dạng hàng hóa nông sản, cùng với chất lượng nông sản được cải thiện, tất cả do cạnh tranh mang lại. Những sản phẩm tốt, những sáng tạo mới sẽ có đất sử dụng. Cần tiếp tục xu hướng này. Tuy nhiên, Bob Allen cũng lưu ý: Không phải cứ cạnh tranh là hoàn toàn tốt, cạnh tranh cũng mang những bất lợi, khi những chuỗi siêu thị bán lẻ phát triển thành những “đại gia” hay “ông lớn” quá lớn, bao trùm thị trường, thì sẽ bắt đầu hạn chế sự cạnh tranh của những đầu mối nhỏ hơn, từ đó hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Ông Bruce W. Blakeman |
Đồng ý với nhận định này, ông Bruce W.Blakeman, Phó chủ tịch Tập đoàn Cargill khu vực châu Á – Thái Bình Dương) bổ sung: Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, đầu tư cho hạ tầng cơ sở, đường giao thông để giảm giá thành vận chuyển nông sản, rút ngắn thời gian vận chuyển, hạn chế sự hư hỏng, xuống cấp của nông sản cũng đồng nghĩa với việc gia tăng sức cạnh tranh của nông sản, có lợi cho cả nhà sản xuất, khâu phân phối và khách hàng. Nhà nước khó có thể làm hết toàn bộ, vì vậy nên tiếp tục cơ chế mở cho nông dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho chứa…
Cần giúp các trang trại nhỏ mạnh lên
Bắt đầu bằng một ví dụ từ nước Mỹ, ông Anderew Stephens – cố vấn cao cấp về luật thương mại của tổ chức USAID STAR – chương trình Việt Nam cho biết: Chính phủ Mỹ trợ cấp khá nhiều cho các trang trại nông nghiệp, cỡ 20 tỷ USD/năm. Phần lớn số tiền này được phân bổ cho những trang trại lớn, hiệu quả sản xuất có khi không cao. Các trang trại nhỏ chỉ được hỗ trợ rất ít. Theo chuyên gia này, điều đó là không công bằng, vì hạn chế cơ hội cạnh tranh và nâng cao thu nhập của các nông trại nhỏ hơn.
Ông Andrew Stephens |
USAID STAR là Dự án Hỗ trợ thi hành pháp luật về Hội nhập kinh tế (do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ). Liên hệ đến Việt Nam, ông Anderew Stephens khuyến nghị: Việt Nam đang khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, tôi nghĩ thay vì hỗ trợ nhiều cho trang trại lớn (canh tác trên hàng trăm đến hàng nghìn ha), thì nên quan tâm nhiều đến hỗ trợ các trang trại nhỏ, gia trại để họ gia tăng quy mô sản xuất, tích tụ đất đai chí ít là từ 10-30ha/trang trại.
Đồng thời Việt Nam nên đa dạng hơn về các giống cây trồng. Nếu chỉ tập trung vào cây lúa thôi, dù lúa là quan trọng cho an ninh lương thực, có nhiều yếu tố thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển, nhưng không mang lại giá trị gia tăng cao. Thanh niên nông thôn sẽ tìm về thành thị, vào các nhà máy, hưởng lương dù chỉ 40-50 USD/tháng (khoảng 1 triệu đồng). Nông thôn sẽ thiếu nhân lực trầm trọng. Đây là điều mà cả Mỹ và Nhật Bản từng gặp phải trong quá khứ. Việt Nam đi sau, có thể hạn chế, tránh điều này.
Cải thiện quy trình, thay vì chăm chăm khâu cuối
Về khâu đảm bảo vệ sinh an toàn cho nông sản, ông Bob Allen khuyến cáo: Không nên thổi phồng quá mức sự lo ngại về an toàn nông sản dẫn tới các quyết định tiêu cực như tẩy chay, cấm nhập khẩu các sản phẩm sạch, tạo nên những rào cản không cần thiết.
Thay vào đó, nên chú ý cải thiện các quy trình sản xuất, chế biến. Nếu chỉ chăm chăm kiểm định sản phẩm cuối cùng để xác định an toàn sẽ là không tưởng. Việt Nam nên chú trọng đào tạo nhiều hơn nữa đội ngũ thanh tra nông nghiệp – mang lại sự chắc chắn hơn cho người tiêu dùng. Tán thành ý kiến này, ông Andrew đưa ra một ví dụ sinh động: Tôi đã đến thăm một cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp ở Việt Nam, nơi đó sạch như lau, rất đáng khen. Nhưng khi ra đường, tôi thấy những chiếc xe máy chở 3-4 con lợn (đã giết thịt) chồng lên nhau, thịt quết xuống cả mặt đường. Vậy thì sạch trong giết mổ không còn nhiều ý nghĩa.
Thành phố Hà Nội đã từng cấm chở thịt kiểu này, bằng cách cấp cho người vận chuyển thùng chở thịt, nhưng không có nhiều chuyển biến. Đây là thói quen khó sửa, nhưng sẽ phải thay đổi theo thời gian. Chính quyền cần kiên trì các giải pháp thực tế để thay đổi những điều này.
Hoàng Sơn
Leave a Reply