Những ngày tháng vừa qua ở Hoa Kỳ
Nghĩ mà xem, ông có đi làm hàng ngày ở Hà Nội hay Sài Gòn vào những ngày nóng nực 42oC hay rét căm căm, đường chật cứng, đợi cả tiếng không nhúc nhích, ai cũng muốn chửi cái gì đó, nhưng chả chửi được ai. Có lần mình chửi cả lão Cua vì tội không đi xe máy như mình.
Nghe hắn đá khéo, mình hơi tức nhưng nghĩ hắn cũng có lý. Thôi thì viết vài dòng vậy. Bố khỉ cái thân đời Cua, bò cả thế giới mà không hết entry. Tin cho hay, Hoa Kỳ vẫn là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chưa đổi thành Hợp chủng XHCN Hoa Kỳ dù Obama bị buộc tội là theo CNXH do chính sách y tế vì người nghèo của ông ta.
Chả là khi tranh cử ông tính, Mỹ còn khoảng 50 triệu người không có bảo hiểm. Không bảo hiểm bên Mỹ là tương đương với tự sát. Không bác sỹ nào khám, không bệnh viện nào nhận, dù “nhân quyền và dân chủ” được tôn trọng. Nhưng lười, dại, ngu tới mức mà không đủ tiền mua bảo hiểm thì xứ cao bồi cho tiêu luôn.
Obama dựa vào 50 triệu này để dành phiếu. Ông hứa tới hứa lui, và ông làm thật khi đã vào Nhà Trắng. Dùng hàng nghìn tỷ đô la để bù giá mua bảo hiểm cho người nghèo. Nhiệm kỳ tới, thế nào dân nghèo cũng bầu cho Obama. Giữ lời hứa rất quan trọng trong đời sống chính trị ở Mỹ. Thất hứa thì xách va li về đuổi gà cho vợ.
Hội nghị thường niên WB-IMF
Tuần trước Tổng Cua bò lê bò càng phục vụ vì các đoàn dự hội nghị thường niên các nhà tài trợ thế giới họp tại DC do WB-IMF đồng tổ chức (Annual Meeting). Các bác bên nhà cũng dự nhưng chẳng thấy ai nhờ đưa đi Potomac Mills. Mọi năm thường có biểu tình hò hét phía ngoài. Rồi báo chí Mỹ có dịp là chọc ngoáy mấy ông lớn. Wolfowitz về vườn cũng chỉ vì WSJ, WP đợi đúng lúc họp đã công bố anh ta tăng lương cho người tình Riza. IMF vừa có ông chủ bị mất ghế vì tội ngủ với em lao công trên NY. Trung tâm thế giới có IMF, WB, IFC gần Nhà Trắng cũng lắm chuyện tầy đình.
Năm nay không có biểu tình, dân chán rồi, chẳng phải do ai cấm. Mà do thông điệp quan trọng “jobs and growth, gender equality – công ăn việc làm, tăng trưởng và bình đẳng giới” cũng giúp cho hình ảnh của WB-IMF được cải thiện hơn, nhất là tính mở (open) và minh bạch (transparent).
Họ bàn rất kỹ đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng tới những nước đang phát triển (có VN và TQ), kể cả khủng hoảng lương thực và giá cả. Họ còn hứa tiếp tục giúp đỡ các nước nghèo trong phát triển, nhất là sự tăng trưởng phải kéo theo xóa đói giảm nghèo, thêm công ăn việc làm và cơ hội đi lên. Việt Nam có WB ủng hộ hết lòng là mừng rồi. Thú thật, Chủ tịch Zoelick cũng thỉnh thoảng nhắc đến VN như một huyền thoại về xóa đói giảm nghèo, Cua ngồi dưới nghe thấy nở cả mũi, nói chi các bác trên. Cái đó mình phải thừa nhận là VN ta khá.
Stiglitz – Trùm kinh tế thế giới bàn giải pháp cưu nguy nền kinh tế Hoa Kỳ
Cả thế giới đang lao đao vì khủng hoảng nên các nhà tài trợ đến DC cũng lo lắng vô cùng. Ông Stiglitz, từng là Kinh tế trưởng của WB, giải Nobel về kinh tế, cũng tới hang Cua trình bày những giải pháp cứu nguy thế giới.Ông cho rằng, Hoa Kỳ và châu Âu muốn vượt qua hoạn nạn thì những giải pháp về cải tổ ngân hàng chưa đủ để lấy lại sự tăng trưởng. Sự bất bình đẳng tăng, giá dầu tăng, toàn cầu hóa, và một số quốc gia tìm cách giữ tiền tiết kiệm (TQ, Ấn Độ – HM) làm cho kiến trúc kinh tế thế giới bị lung lay và vấn đề khủng hoảng còn nặng nề hơn. Ngày nay Hoa Kỳ không còn là thị trường lao động hấp dẫn vì những gì liên quan đến sản xuất hàng hóa đã chuyển sang các nước khác, công nhân Mỹ không có những kỹ năng trong một thế giới mới năng động và vì thế thất nghiệp bên Hoa Kỳ vẫn còn dài dài.
Điều đó đúng với thời kỳ suy thoái trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 (1930), nhiều công nhân lành nghề bị mất việc chỉ vì lãnh vực sản xuất mà họ đang lao vào lại không có thị trường tiêu thụ. Hiệu ứng domino không thể tránh khỏi, kinh tế suy sụp, ngân hàng đổ vỡ và khủng hoảng tài chính là hiển nhiên.
Cho dù lãi xuất ngân hàng cho vay đã gần số không nhưng cũng không cứu vãn nổi người mất việc. Hôm nay cứ 1 trong 6 người Mỹ lại không có công việc ổn định. Để cứu nguy cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, những gói cứu trợ của chính phủ cần làm được ba điều sau:
– Cho vay hơn là dùng tiền chùa để xử lý kiểu đê vỡ chỗ nào đắp chỗ đó.
– Tăng cường các dự án công
– Vay tiền từ các nguồn nhàn rỗi từ Đông Á và các nguồn từ nơi dư thừa cho các dự án,
dùng chiến lược phát triển xanh (bảo vệ môi trường kèm theo phát triển)
Dù đưa ra những ý kiến như vậy, nhưng Stiglitz vẫn nghi ngờ tính hiệu quả vì ông cho rằng, yếu tố chính trị nhiều khi phá vỡ những ý tưởng tốt đẹp. Có vẻ như kinh tế toàn cầu vẫn còn lao đao thêm một thời gian nữa. Kể từ khi Obama vào Nhà Trắng đã sắp được 3 năm, thế mà kinh tế vẫn đì đẹt, chỉ cần vài trăm ngàn người có việc làm mới đã thành một tin hot trên báo chí.
Dẫu sao, cuối tuần cũng có tin vui. VOA báo tin, kinh tế Hoa Kỳ tăng hơn dự báo trước đó chút đỉnh trong quí hai của năm nay, tuy nhiên vẫn chưa đủ nhanh để giảm tỷ lệ thất nghiệp cao của nước này. Sản lượng kinh tế quốc gia đã tăng 1,3% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu, cao hơn so với dự báo trước đó là 1%. Dẫu vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng 0,9% trong nửa đầu năm nay.
Típ cho các nước nghèo: Kinh tế Mỹ đi xuống thì dân toàn tìm hàng giá rẻ để mua, mà rẻ nhất thế giới là hàng Trung Quốc, họ kiếm lời trên thất bại của Mỹ đó. Nước mình giỏi may quần áo, nuôi cá basa, thủy sản, trồng cây ăn quả … thì cũng giúp các bạn Mỹ rất nhiều khi mình bán rẻ, thu đô la. Đầu tư vào nông nghiệp, thủy hải sản “ăn” hơn là đường sắt cao tốc, tượng đài, chùa chiền…dù có to nhất thế giới thì cũng không xuất khẩu sang Mỹ được.
Bình đẳng giới trong báo cáo toàn cầu 2012
Mấy hôm đi làm toàn thấy khẩu hiệu “Think Equal” treo khắp nơi. Hóa ra báo cáo thường niên của WB có tít “World Development Report 2012: Gender Equality and Development – Báo cáo toàn cầu 2012 – Bình đẳng giới và phát triển”. Như vậy bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn cầu.
Báo cáo cho hay, mỗi năm có khoảng 4 triệu phụ nữ và các em gái (một nửa thủ đô Hà Nội) bị mất tích do ốm đau, bệnh tật, do đẻ non tại các nước nghèo và đang phát triển. Một con số khủng khiếp. Có người được hỏi, nếu có 1 con gái và 1 con trai, và tiền chỉ đủ cho 1 đứa đi học thì bạn chọn ai. Đương nhiên người Việt ta chọn con trai để nối dõi tông đường.
Tuy nhiên, lựa chọn thông minh lại là cho em gái đi học. Bé gái có học sẽ là người con biết đối nhân xử thế tốt, là người con có hiếu, biết bảo ban đứa em, biết việc gì quan trọng trong gia đình, biết cách dùng tiền và cao hơn là đầu tư, sẽ là người mẹ tương lai có học và vì vậy thế hệ tương lai cũng được hưởng lợi từ sự có học đó. Người mẹ nghèo, ít học khó mà dạy con nên người.
Người ta tính, chỉ cần cho các phụ nữ nông thôn được quyền dùng tài sản (ruộng đất, nhà cửa, trâu bò, lợn gà…) bình đẳng với nam giới thì sản lượng nông nghiệp thế giới đã tăng lên từ 2.5 đến 4%/năm. Bình đẳng giới xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, đến toàn cầu hóa và chính gia đình từng chúng ta.
Quan hệ Việt – Mỹ
Hillary gặp bác Bình Minh trên NY và bàn về nhân quyền. Nghe nói Hillary móc máy VN về chuyện giam mấy bác tu sỹ gì đó, nhưng ngài PB Minh lại lôi ông tổ của Mỹ là nước Anh ra chửi. BBC Vietnam phải có hẳn một bài phản bác. Hình như chuyện chả đi đến đâu, rồi ai về nhà nấy. Có lẽ vì Think Equal đến cả tai Jim Webb, người vừa thăm VN và bí mật đến cả nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn các binh sỹ của Sài Gòn xưa.
Tin VOA cho hay, khi về tới DC, ông đề nghị ngưng tài trợ cho việc tìm kiếm quân nhân VN mất tích. Jim cho rằng, Chính phủ VN cần công bằng với cả hai bên tham chiến và đó là tín hiệu hòa giải dân tộc vô cùng quan trọng. Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định ngưng thật (1 triệu đô la) tìm kiếm các binh sĩ Việt Nam bị mất tích trong cuộc chiến Việt Nam cho tới khi nào phía Hà Nội chịu đưa tên các liệt sĩ của phía Việt Nam Cộng hòa vào danh sách tìm kiếm.
Thú thật, ngày nào cũng đi làm nên thấy nước Mỹ vẫn là Hoa Kỳ, chẳng có gì thay đổi. Nếu không viết chẳng qua là chả thấy gì mới. Thỉnh thoảng thấy còi hú, một đoàn motor phóng vù vù, đèn lập lòe, người đi đường phải né sang hai bên. Đó là Obama đang đến Nhà Trắng làm việc. Dân lại lầm bầm, đi thì cứ đi làm gì cứ hụ còi, điếc đít hàng xóm.
Nguồn: Blog Hiệu Minh
Leave a Reply