Nguyên văn diễn văn của vị tổng thống Bill Clinton
Phát biểu của tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000!
Xin cảm ơn sự đón tiếp mà các Ngài đã dành cho tôi, gia đình tôi và phái đoàn của chúng tôi !
Chúng tôi vinh dự được cùng các Ngài viết nên một chương mới trong quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam, và chúng tôi biết ơn vì chương sử mới này đã có một khởi đầu tốt đẹp. Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai, quá khứ không phải là cái quyết định tương lai.
Hôm nay nước Mỹ và nước Việt Nam đang làm nên một trang sử mới. Thế hệ sau sẽ nhìn lại thời điểm hiện tại và thấy những cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam tìm kiếm câu trả lời về quá khứ, và những người Việt Nam chấp nhận họ để cùng xây dựng một tương lai chung; thấy những sinh viên trẻ của Việt Nam khát khao hấp thụ tất cả những gì thế giới dành cho họ, và cùng học với họ có các thanh niên đến từ nước Mỹ; thấy các doanh nhân, các nhà khoa học và các nhà bảo tồn cùng các nghệ sĩ đúc nên mối liên kết giữa Việt Nam và thế giới.
Nói ngắn gọn, người ta sẽ nhìn lại và đi đến một kết luận mà Nguyễn Trãi, nhà chính trị thiên tài của Việt Nam đã từng nói 500 năm trước, đại ý: Sau rất nhiều năm chiến tranh, chỉ còn cuộc sống là tồn tại.
Ngày nay, nhân dân hai nước chúng ta cùng đối mặt với một thế giới có nhiều thay đổi, với những khát vọng cơ bản giống nhau, và cả những băn khoăn giống nhau: Làm sao để có thể nắm lấy những cơ hội của nền kinh tế toàn cầu mà vẫn tránh được những xáo động của nó? Làm thế nào để trong khi mở cửa đón những ý tưởng mới, chúng ta vẫn bảo vệ được truyền thống của chúng ta, nền văn hoá của chúng ta, lối sống của chúng ta?
Nhưng nếu như toàn cầu hóa mang thế giới đến với Việt Nam, thì đồng thời nó cũng mang Việt Nam đến với thế giới. Các bộ phim về cuộc sống ở Việt Nam, từ phim Mùi đu đủ xanh đến phim Ba mùa, đang giành được giải thưởng trên toàn thế giới. Các bức tranh của họa sĩ Việt Nam Ðỗ Quang Em có giá trị cao tại các cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế. Các bài thơ 200 năm tuổi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đang được xuất bản ở Mỹ – bằng tiếng Anh, tiếng Việt, và cả chữ Nôm nguyên bản, là lần đầu tiên mà một bản thảo cổ của Việt Nam được đưa lên in ấn. Các nhà thiết kế thời trang như Armani và Calvin Klein sáng tạo những bộ sưu tập mới dựa trên trang phục truyền thống của Việt Nam, chiếc áo dài. Tôi cũng xin nói thêm, người Mỹ đang thưởng thức lá sả, tỏi và thậm chí cả mướp đắng – tất cả được trồng tại một trang trại của người Việt Nam ở Virginia, chỉ cách Nhà Trắng 20 phút lái xe.
Toàn cầu hóa cũng có nghĩa là trên mạng internet, người Mỹ có thể đọc những tin tức tài chính mới nhất của Việt Nam, hoặc biết đến những khó khăn thách thức trong việc bảo tồn khu phố cổ Hà Nội, hay là ủng hộ các tổ chức đang xúc tiến bảo tồn các loài vật mới, đang được tìm thấy tại cao nguyên miền trung. Nó cũng có nghĩa là chúng tôi có thể cài đặt phông chữ tiếng Việt . Quả thật, chăng bao lâu nữa, những công nghệ dịch thuật tinh vi sẽ làm cho internet trở thành một lực lượng đa ngôn ngữ, chứ không phải là đồng hóa ngôn ngữ.
Khi chúng ta mở rộng các cánh cửa, chúng ta không chỉ tiếp nhận những tư tưởng mới. Chúng ta còn giới thiệu được với bên ngoài tài năng và tính sáng tạo cùng tiềm năng của dân tộc. Chỉ sau một ngày ở thăm đất nước của các bạn, tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ không có gì có thể ngăn cản người dân Việt Nam giành lấy cơ hội nhận biết tiềm năng tràn đầy của mình. Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác.
Như Truyện Kiều đã nói: Sen tàn cúc lại nở hoa, sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân. Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau, chúng ta hãy tận hưởng mùa xuân mới này. Tôi muốn các bạn cùng tôi nâng cốc chức mừng ngài chủ tịch nước, phu nhân của ngài và nhân dân của đất nước vĩ đại này cũng như tình hữu nghị trong tương lai giữa hai nước chúng ta.
Leave a Reply