Ngày thứ 6 đen ở Hoa Kỳ (Black Friday)
Trong ngày thứ 6 đen này hầu hết mọi mặt hàng đều giảm 50-70% |
Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ năm thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ. Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng… kẹt xe xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc nhau, đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến. Ngay lập tức, giới kinh doanh Hoa Kỳ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Trong tiếng Anh có thuật ngữ “in the black” chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận. Tương phản với “in the black” là “in the red” chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát. Ngày xưa, để tiện phân biệt và theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp .
Hầu như tất cả các mặt hàng trong ngày Black Friday đều giảm giá trung bình từ 10% – 30%. Từ những thương hiệu bình dân đến những thương hiệu nổi tiếng như Nike, IBM, Apple… đều đưa ra mức giảm giá đến không ngờ. Chính vì vậy, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị, cửa hàng để tìm mua hàng giá rẻ. Tất cả các đường phố trên đất Mỹ đều đông nghịt người trong ngày thứ sáu mua sắm. Có người còn phải chờ từ 4h sáng để mong có thể “tậu” cho mình một món đồ giá rẻ như cho không. Giữa những chốn phồn hoa trên đất Mỹ, không ai tưởng tượng được lại có cảnh xếp hàng dài dằng dặc rồi trùm chăn ngủ ngay trên lòng đường trước một siêu thị, hay khung cảnh chen lấn, giành giật hàng hóa trong các trung tâm mua sắm.
Thu hút là vậy, nhưng không phải tất cả những người Mỹ đều thích thú với “ngày thứ 6 đen”. Lý do là bởi những người này đều không thích sự chen lấn xô đẩy và thay vì việc lao vào những siêu thị, cửa hàng để mua đồ giảm giá, họ ngồi ở nhà và xem ti vi. Thậm chí, có người còn cho rằng tình trạng chen lấn nhau để mua hàng làm xấu đi hình ảnh nước Mỹ và họ kêu gọi lập nên “No Shopping Day”, tức là ngày không mua sắm để tẩy chay “Black Friday”.
Tuy vậy, sau nhiều thập niên, “Black Friday” vẫn tồn tại và thu hút được đông đảo người dân Mỹ tham gia. Chỉ có điều năm 2011, với sự kiện tranh cướp hàng hóa dẫn đến hàng chục người bị thương, một người bị bắn và cướp sạch hàng hóa khi ra chỗ đỗ xe, Black Friday đã có hơi hướng đúng với nghĩa mặt chữ là “Ngày thứ sáu đen”.
Leave a Reply