Ký sự về trường tiểu học Hoa Kỳ
Cho nên các bạn Mỹ đều đựng sách vở đi học vào loại va li du lịch có bánh xe kéo, cứ thế mà kéo ra đường, lên xe và kéo suốt dọc các hành lang ở trường. Một điều ớn nữa là khi lên lớp không được ngồi cố định ở một lớp học, mà phải chuyển chỗ theo giáo viên. Mỗi lần đổi môn học là phải hộc tốc chạy đến lớp khác, nơi giáo viên đang chờ ở đấy. Mệt ơi là mệt vì phải kéo theo va li sách chạy thật nhanh. Thật ra các môn học văn hóa không mệt mấy. Mệt nhất là môn thể dục. Trừ thứ tư ra, ngày nào cũng có giờ thể dục. 1/3 thời gian hoạt động ở ngoài trời, nào là bóng rổ, bóng chuyền, bóng bầu dục… Các bạn Mỹ ai cũng khỏe như trâu, học tập thể dục và chơi bóng hết mình, “máu” không thể tưởng tượng được. Dù đã có hết sức, tôi cũng không tài nào theo kịp họ, thường bị họ xô ngã hoặc mệt đứt hơi không bò dạy nổi.
Vì chưa thạo tiếng Anh nên tôi sợ nhất môn toán ứng dụng. Có điều, khi đã hiểu đầu đề rồi thì việc tính toán cũng chẳng khó mấy. Rất may là giáo viên cực kỳ coi trọng thực hành. Có một lần, tôi không đạt yêu cầu sát hạch môn toán ứng dụng. Thầy giáo bảo: nếu em có thể tính toán được chính xác rõ ràng hóa đơn thanh toán tiền ăn ở nhà hàng, thì thầy sẽ cộng thêm điểm cho em. Thế là, hôm ấy về nhà, tôi lập tức dề nghị bố dẫn đi ăn ngoài phố. Tôi ghi chép, tính toán đầy đủ, chính xác giá tiền từng món ăn, cộng thêm mấy phần trăm thuế và tiền “boa”, mang đến nộp cho thầy. Thầy hài lòng lắm, và thực sự cộng thêm điểm cho tôi.
Nhưng hoạt động bên ngoài trường mới là quan trọng nhất. Nhà trường chở đến một lô hàng kẹo sô cô la. Giáo viên yêu cầu chúng tôi đi tiếp thị để bán hết số kẹo này. Phải mang hàng mẫu đi chào hàng, xác định đơn đặt hàng, thu tiền, sau 1 tháng phải giao hàng cho khách. Nhà trường căn cứ vào số hàng từng học sinh tiêu thụ được để cho điểm, tính vào thành tích học tập. Tôi phải nhờ bố nói với bà ngoại tìm hộ 5 khách hàng; thật may là được thầy cho điểm B (trung bình).
Bố mẹ tôi không đồng ý lắm với kiểu dạy học trò “làm ăn” kiếm tiền như vậy, bảo là chẳng có lợi cho công việc chính của học sinh, học văn hóa mới là quan trọng nhất nhất. Thế nhưng ở trường, người ta lại cho rằng chỉ học giỏi thôi là chưa đủ, không biết kinh doanh thì sẽ bị các bạn Mỹ coi thường. Trong con mắt của các bạn Mỹ, ai khôn ngoan tinh ý, chịu khó suy nghĩ, môn nào cũng giỏi, thì mới được gọi là “siêu”.
Giảng bài cho bố mẹ
Nhà trường yêu cầu, sau khi tan học về nhà, học sinh phải chủ động báo cáo cho phụ huynh biết thành tích học tập hôm nay của mình, và phải giảng lại cho phụ huynh nghe các kiến thức học được hôm nay. Nếu có chỗ nào phụ huynh chưa hiểu, phải nói đi nói lại cho kỳ hiểu thì phụ huynh mới ký tên vào vở học. Nếu không, hôm sau đến lớp, thầy giáo kiểm tra không thấy chữ ký thì không xong với thầy.
Ngày còn bé, tối nào bố mẹ cũng kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Còn bây giờ, tại nước Mỹ, ngược lại, tối nào tôi cũng phải đọc truyện cho bố mẹ nghe. Đều là những truyện đọc trong các cuốn sách do thư viện nhà trường cho mượn. Không những chỉ đọc mà còn phải giải thích nữa. Đọc hết mỗi chương, bố mẹ phải ký tên thì hôm sau mới được thầy cô giáo cho qua. Nhưng “cửa ải” khó qua nhất không phải là bố mẹ, mà là bà thủ thư của thư viện. Khi tôi trả sách, bà ấy nêu ra một lô câu hỏi liên quan đến nội dung sách tôi đã mượn đọc, rồi căn cứ vào trả lời của tôi để cho điểm. Kết quả cho điểm ấy được chuyển đến giáo viên chủ nhiệm lớp để cộng thành tích học cuối học kỳ. Chưa trả lời bà thủ thư xong xuôi thì đừng hòng bà ấy đồng ý cho trả sách cũ và mượn sách mới.
Họp phụ huynh
Sau khi sang Mỹ, lần đầu tiên được mời họp phụ huynh học sinh, tôi dẫn bố đi họp. Đến nơi, tôi thấy trong phòng họp chỉ có thầy giáo mà chẳng có phụ huynh nào cả. Chúng tôi tưởng là nhầm chỗ họp, định quay ra, thì thầy giáo tươi cười mời vào; rồi thầy nói chuyện riêng với bố tôi về chuyện học tập của tôi. Về sau, chúng tôi mới biết là ở đây người ta họp phụ huynh như thế đấy, tức thầy cô giáo họp riêng với mỗi phụ huynh trong khoảng 10 đến 20 phút. Thảo nào, trong giấy mời họp có viết thời gian họp phụ huynh tổng cộng những 2 ngày. Dĩ nhiên, mỗi năm nhà trường đều có tổ chức một cuộc họp toàn bộ phụ huynh cùng có mặt, chủ yếu để nhà trường giải thích về cách thức tiến hành kỳ thi cuối năm.
Khen ngợi là chính
Trong các giờ học, mỗi khi học sinh làm bài không được tốt lắm, hoặc có chỗ nào sai sót, bao giờ thầy cô giáo cũng nói câu: “That’s Ok, but…” nghĩa là “Không sao cả, nhưng…”. Thầy cô giáo luôn luôn hết lòng khuyến khích học sinh, tạo cho học sinh niềm tự tin vào bản thân. Mỗi khi chúng tôi đạt được chút thành tích nào, bao giờ thầy cô giáo cũng biểu dương hết lời, kích thích chúng tôi tiếp sức.
Tháng 11 năm ngoái, tôi được bình chọn là “siêu sao” trong tháng của lớp, một điều quả thật tôi không thể nào nghĩ đến, vì môn tiếng Anh tôi còn chưa giỏi. Thế nhưng, thầy cô giáo bảo tôi xứng đáng được như thế, vì tôi tiến bộ rất nhanh trong học tập, các mặt khác cũng đều có biểu hiện rất tốt. Hôm phát thưởng, thầy hiệu trưởng và thầy chủ nhiệm đến dự, mời các học sinh được thưởng cùng ăn bữa sáng, sau đó còn gọi thợ ảnh đến chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Được thưởng, tôi vô cùng phấn khởi, ngày càng cố gắng học tập. Tháng 5 năm nay, tôi lại nhận được giải thưởng thành tích học tập tiến bộ. Càng ngày tôi càng bạo dạn, tự tin hơn. Thế nhưng, nếu so sánh với các bạn cùng lớp người Mỹ thì tôi còn “dát” lắm. Họ thì “máu” kinh khủng, môn học nào cũng muốn đứng đầu. Có lẽ vì bố mẹ tôi luôn căn dặn tôi phải khiêm tốn thận trọng, nhất là khi có sai thì phải nghiêm khắc tự phê bình. Thế nhưng các bạn Mỹ thì lại chỉ thích được khen ngợi và còn thích tự khen mình nữa cơ. Tôi thấy các bạn ấy sao mà tự tin thế!
Leave a Reply