Khi bạn vi phạm luật giao thông ở Massachussetts, Hoa Kỳ
Mỹ là một đất nước rộng lớn, nên phương tiện đi lại chủ yếu là ô tô. Theo thống kê, có đến 80% dân số Mỹ sở hữu ít nhất một chiếc xe ô tô. Thông thường khi sang Mỹ, các bạn du học sinh, đặc biệt là các bạn sinh viên bậc trên đại học thường có nhu cầu sử dụng xe ô tô để tiện cho việc đi lại. Tôi cũng nằm trong số đó.
Trước khi sang Mỹ, tôi đã có bằng lái ở Việt Nam. Sau khi sang một thời gian, qua bạn bè giới thiệu tôi tìm mua được xe cũ với giá rất tốt. Sau khi mua xe tôi dùng bằng lái Việt Nam để lái xe ở đây. Luật của bang Massachusetts cho phép người nước ngoài dùng bằng của họ một năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ. Sau một năm nếu muốn lái tiếp thì phải thi lấy bằng lái của Massachusetts. Quá trình lái xe với Mỹ, chuyện vi phạm luật phải “đụng” cảnh sát cũng khá bình thường. Cá nhân tôi từ ngày lái xe ở Mỹ đến nay (khoảng 2 năm) cũng đã bị phạt một lần, 2 lần nhận cảnh cáo nhắc nhở. Chuyện tôi muốn chia sẻ hôm nay là câu chuyện về chiếc vé phạt của tôi. Hy vọng qua câu chuyện của tôi, các bạn có thể rút ra kinh nghiệm có ích cho bản thân mình.
Bất cứ ai cũng có thể bị phạt? |
Chuyện xảy ra cách đây hơn một năm, sau khi tôi có bằng lái Mỹ khoảng một tuần.
Bữa đó, hai vợ chồng tôi đi tụ tập ăn uống ở nhà một người bạn ở Natick, một town ngoại ô của Boston. Thú thật, ngày hôm đó đầu óc tôi cũng hơi lơ tơ mơ vì đêm trước đã thức trắng đêm làm báo cáo gửi giáo sư hướng dẫn. Sau khi có một buổi chiều vui vẻ cùng bạn bè, trên đường về tôi lái xe qua trung tâm của Natick. Đường khá đông, xe tôi theo sát một xe tải ở phía trước. Đến đoạn có crosswalk (vạch vôi trắng phân định phần dành cho người đi bộ qua đường), xe tải băng qua và xe tôi cũng bám theo xe tải mà băng qua. Đến gần sát crosswalk, tôi nhác thấy một người đàn ông dắt theo 2 trẻ em đang bắt đầu bước xuống đường. Lúc đó xe tôi đã tiến đến quá sát vạch vôi, xét thấy khoảng cách từ người đi bộ đến xe mình vẫn còn đủ an toàn, tôi nhấn ga cho xe băng qua đầy tự tin. Một lát sau, qua gương chiếu hậu tôi thấy có đến hai chiếc xe cảnh sát với đèn trên nóc nhấp nháy đang đi theo xe mình. Theo đúng kiến thức đã học, tôi tấp xe vào lề đường, để tay lên vô-lăng đợi cảnh sát đến “hỏi thăm”, trong lòng đầy lo sợ.
Một anh cảnh sát to con, đầu trọc lốc tiến đến. Anh chàng lớn tiếng “mắng mỏ” tôi rằng tại sao thấy người ta dẫn theo cả trẻ con thế mà vẫn cứ băng lên là thế nào. Tôi chỉ biết ú ớ xin lỗi, định phân trần thì anh chàng đã hỏi luôn giấy tờ xe của tôi, và mang theo về xe cảnh sát để kiểm tra thông tin và viết vé phạt, sau khi dặn tôi cứ ở yên trong xe mình. Các xe cảnh sát đều có trang bị máy tính kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quản lý công dân (và có vẻ như họ dùng máy tính Panasonic Toughbook – laptop nồi đồng cối đá nổi tiếng). Sau hơn 20 phút chờ đợi dài như vô tận, anh cảnh sát quay lại đưa cho tôi vé phạt $200 và giải thích thêm là tôi vẫn có quyền appeal, nghĩa ra tòa để “cãi” và chứng minh rằng mình vô tội, rằng cảnh sát đã phạt oan mình. Tôi lái xe về nhà mà trong lòng tràn đầy cảm xúc. Phần vì lần đầu tiên bị phạt, bị dính vào pháp luật ở đây. Phần nữa là xót tiền phạt cao quá, có khi còn ảnh hưởng đến tiền bảo hiểm xe nữa. Bảo hiểm mà tăng cao thì chắc chỉ có nước bán xe mà đi bộ.
Cầm vé phạt về nhà, việc đầu tiên tôi làm là lên Google xem dân tình xử lý việc vi phạm thế nào. Trình tự thủ tục thì cũng đơn giản. Nhận tội, chấp nhận bị phạt thì lên đóng tiền phạt qua mạng là xong. Nhưng nếu tin mình vô tội hoặc chỉ mắc lỗi nhẹ thì có thể appeal – ra tòa giải thích, đưa bằng chứng chứng tỏ cảnh sát bắt sai hoặc có thể là mình phạm luật trong trường hợp bất khả kháng, có thể thông cảm được. Tìm hiểu thêm, tôi nhận thấy có khá ít trường hợp có thể cãi trắng án được, hơn nữa phải có bằng chứng thuyết phục. Trường hợp tôi có vẻ đã sai rõ ràng nên xem ra cũng chẳng có hy vọng gì. Đang định đóng tiền phạt cho khỏe thân thì tôi quyết định gọi điện hỏi một người bạn cũng có chút kinh nghiệm với mấy vụ rắc rối này. Gọi hỏi thăm thì bạn tôi khuyên là nên ra tòa vì có thể tôi sẽ gặp may, đại loại như cảnh sát bận việc không đến được chẳng hạn. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để tôi trình bày rằng mình hoàn toàn không cố ý vi phạm luật giao thông. Được sự động viên từ anh bạn cộng thêm chút tò mò về hệ thống tòa án của Mỹ, tôi quyết định làm thủ tục kháng cáo, đóng tiền phí tòa $25, và hớn hở chờ ngày ra tòa.
Từ ngày vi phạm đến ngày ra tòa cách nhau cũng khá lâu, cũng đến hơn hai tháng . Vi phạm ở đâu, ra tòa ở đó nên tôi lại hành trình lên Natick lần thứ 2 với ít nhiều “cay cú” (dĩ nhiên là rất vô lý) với town này. Đến tòa án, muốn vào bên trong thì phải đi qua phần kiểm tra an ninh khá chặt chẽ. Nào là máy soi máy chiếu, nào là không được mang thứ này vào, phải để lại bên ngoài thứ kia v.v..Đúng là Mỹ, lúc nào cũng phải lo ngay ngáy quân khủng bố! Sau khi làm các thủ tục đăng ký, tôi được hướng dẫn lên phòng xử án ở tầng hai. Lên đến nơi đã thấy rất nhiều người đợi ở đó. Tôi tìm chỗ ngồi, cố ôn lại những lời tôi sẽ trình bày khi gặp quan tòa. Quan sát mấy lượt người đi vào, đi ra, tôi chẳng thêm được chút phấn chấn nào. Bởi ai nấy đi vào thì hùng hổ, đi ra thì mặt mũi cứ gọi là dài thượt.
Đến lượt mình, tôi rủ cả vợ vào cùng cho thêm phần khí thế. Có khi vợ tôi còn chua được thêm mấy câu bào chữa với tư cách là “nhân chứng sống” cũng nên. Vào đến nơi, tôi ngạc nhiên vì phòng xử trông không nghiêm trọng như tôi tưởng. Có một cái bàn và dăm bảy cái ghế ngồi như một phòng họp bình thường. Một ông ngồi giữa với cái máy tính đóng vai trò quan tòa. Một ông cảnh sát ngồi bên cạnh đóng vai trò như một công tố viên. Viên cảnh sát nhìn có vẻ thư sinh, hiền hiền, và tất nhiên không phải là anh cảnh sát đầu trọc đã biếu tôi chiếc vé phạt. Sau này tìm hiểu thêm tôi mới biết, là ở Massachusetts, phía cảnh sát chỉ cần cử đại diện đến tòa đọc biên bản vi phạm, không cứ phải là người trực tiếp phạt như thông tin có trên mạng từ các bạn ở bang khác. Sau một vài câu chào hỏi giới thiệu, viên cảnh sát bắt đầu đọc biên bản vi phạm, rất rành mạch chi tiết. Khi nghe đến đoạn luận tội rằng người đàn ông có dắt theo hai em bé thì tôi chắc mẩm số phận mình đã an bài luôn rồi. Bởi nước Mỹ này rất văn minh với tinh thần tất cả vì trẻ em, trẻ em là trên hết; nên hễ đụng đến quyền lợi của trẻ em thì việc có bình thường cũng trở nên nghiêm trọng.
Đến lượt tôi trình bày, tôi phân trần rằng mình bị xe tải phía trước chắn tầm nhìn, lại bị phân tán bởi thiết bị GPS đang báo có đoạn rẽ trước mắt nên đã không phát hiện thấy ý định muốn qua đường của người đàn ông kia từ trước khi tiến đến quá sát vạch vôi dành cho người đi bộ. Tất nhiên là ông chủ tọa không chấp nhận được lý do của tôi. Trong tất cả các trường hợp, dù người đi bộ có phạm lỗi hay không thì người lái xe đều phải tuyệt đối nhường đường, và quan sát từ xa là nghĩa vụ đương nhiên. Hành vi của tôi, tức là khi đã phát hiện ra người đi bộ mà không lập tức dừng lại là vi phạm rành rành. Ông chủ tọa không chấp nhận kháng cáo của tôi, tuyên bố tôi có vi phạm nhưng giảm tiền phạt từ $200 xuống còn $100; sau khi đã ân cần hỏi thăm xem vợ chồng tôi sang Mỹ bao lâu rồi, đang học ở trường nào, và còn ồ, à khen an ủi rằng trường đấy tốt lắm đấy v.v..Rồi hỏi rằng tôi có muốn kháng cáo lên tòa cao hơn không. Tất nhiên là tôi không dại gì mà tiếp tục kiện cáo nữa, vừa tốn thêm án phí mà có khi mức án lại được nâng trở lại thành $200 thì khổ.
Tôi rời tòa ra về, suy tư miên man về trải nghiệm nho nhỏ không mấy vui vẻ này, và về…số tiền $125 gồm tiền phạt và án phí! Tất nhiên tôi có buồn một chút, nhưng trong lòng cũng thấy “tâm phục khẩu phục” hệ thống pháp luật về giao thông của Mỹ – rất rõ ràng và hợp lý. Hệ thống tòa án phát triển rõ ràng sẽ giúp đảm bảo công bằng trong việc thực thi luật pháp. Việc quyết định phạt hay không là do cảnh sát, nhưng việc quyết định đó có đúng hay không thì hoàn toàn có thể xem xét lại. Người vi phạm có thể thắng và không bị phạt nếu chứng minh được quyết định của cảnh sát là chưa hợp lý. Tìm hiểu thêm nữa, tôi còn biết có những trường hợp người vi phạm đã thắng kiện do chứng minh được rằng hệ thống biển báo, tín hiệu không hợp lý. Hoặc đôi khi cảnh sát cũng bắt nhầm xe, hay có khi lái xe vi phạm giới hạn tốc độ do xe đang xuống dốc v.v..
Và hầu hết các trường hợp ra tòa đều được giảm tiền phạt. Đây thực chất là một hình thức khuyến khích người dân kháng cáo, nhằm đảm bảo tính hợp lý trong các quyết định xử phạt. Và trên thực tế, do hệ thống tòa án của Mỹ đã rất phát triển, nên chuyện người dân ra tòa bảo vệ quyền lợi của mình là chuyện rất bình thường. Ai cũng có tiếng nói của mình, và pháp luật phải đảm bảo rằng trong bất cứ trường hợp nào tiếng nói đó cũng sẽ được lắng nghe.
Về phần tôi, từ sau lần hao tài đó, thì lúc nào ra đường tôi cũng quan sát, ngó nghiêng rất chi cẩn thận. Từ bấy đến nay dù đôi lần vẫn được cảnh sát hỏi thăm, nhưng chưa bị “mắng mỏ” thêm lần nào.
Huy Tô, 2012
Leave a Reply