Hoa anh đào trên đất Hoa Kỳ
Cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của nước Nhật với các nước khác trên thế giới, điển hình là hoa anh đào bên hồ Tidal Basin ở thủ đô Washington DC của nước Mỹ. Đối với người Mỹ, vẻ đẹp của hoa anh đào còn là ở chỗ: ngay cả khi mãn khai, một mùa hoa phải kết thúc, đã đến lúc nói lời từ giã thì những cánh hoa vẫn mang sắc thắm, hình hài vẹn nguyên khẽ chao nghiêng xuống phủ hồng mặt đất, đó là vẻ đẹp rạng ngời và đầy kiêu hãnh. Nếu có một làn gió kéo đến thì muôn ngàn cánh hoa lay phay, lay phay uốn lượn bay bay trong nắng, trong gió … thanh nhã và quyến rũ vô cùng. Anh đào hết một mùa không phải với dấu hiệu tàn phai…mà dường như chỉ là nhường chỗ cho những nụ lá xanh đang muốn trở về mà thôi.
Truyền thuyết về hoa anh đào
Ngày xưa ở xứ phù tang chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi phú sĩ, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi, có một đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi. Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm: “hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này” chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên phú sĩ sơn, đêm đã tràn ngập trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ.
– Anh thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau? Nhìn vào bếp lửa, chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết:
– Chỉ buốn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh, thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả….. làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế? Sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuốngkiếm. Không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?
Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi!
– Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!
Nhưng từ đó, chàng trai hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu … Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm: “tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…” Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất…. Tuyết không ngừng rơi…. Đến sáng, tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc ươm mầm và trổ bông ở vùng phú sĩ sơn.
Ðối với người viết bài này, người hiện đang sống tại một tiểu bang miền Ðông Bắc nước Mỹ, mỗi năm khi mùa xuân đến, không có gì thích thú hơn là được ngắm hoa đào nở rộ ven đường, hồng thắm trong sân cỏ nhà ai xanh biếc, và tôi thích nhất là lúc hoa rụng, muôn ngàn cánh hoa bé tí mong manh mang một màu hồng đang độ tươi thắm nhất rụng đầy mặt đất chung quanh gốc cây, như trải lên sân cỏ một tấm thảm hồng, và một cơn gió nhẹ thoảng qua, muôn ngàn cánh hoa cuốn xoay lên theo làn gió, bay la đà, trong một lúc tình cờ, bắt gặp hình ảnh ấy ta không thể nào không buộc miệng kêu lên “Ôi đẹp quá, diễm lệ quá!” Và tôi cũng đồng ý với một số quan niệm cho rằng cái chết đẹp nhất là cái chết của hoa đào. Ðẹp nhất chính là ở chỗ này. Khi còn ở trên cành, hoa cũng đẹp nhưng cái đẹp đó quá thực khó mang đến cho ta một cảm xúc ngậm ngùi thương cảm, khi nó lìa cành rơi rụng đầy mặt đất chính là lúc nó không còn thực nữa mà đã trở nên nửa thực nửa hư, chính là lúc gợi cho ta một niềm cảm thương sâu sắc nhất.
Phải, không có cái chết nào đẹp hơn cái chết của hoa đào, cũng giống như người Nhật ca tụng cái chết của một võ sĩ, tôi không biết nhiều về người Nhật, cũng không biết nhiều về võ sĩ đạo, nhưng mỗi năm được ngắm hoa đào trên đất Mỹ, dần dần tôi chợt nhận ra, ít nhất là trong cái chết của các loài hoa, cái chết của hoa đào, đẹp nhất ý nghĩa nhất, dù sau đó muôn ngàn cánh hoa rơi rụng như một tấm thảm hồng cũng sẽ trở thành cát bụi, nhưng ít ra trước khi trở thành cát bụi, nó đã gợi lên cho nhân gian một khung cảnh diễm lệ và một ý nghĩa sâu sắc, thiết tha. Tôi đã không ngăn được nỗi xót xa ngậm ngùi khi nhìn thấy gió dập mưa vùi những cánh hoa tan tác rụng rơi, nhưng đồng thời cũng phải công nhận rằng đã có những cái chết làm đẹp chốn nhân gian giống như cái chết của hoa đào. Không biết có ai đồng cảm với tôi thương tiếc cho cái chết của hoa đào không?
Nicecowboy
Leave a Reply