Đến thăm trung tâm Coca Cola ở Atlanta, Hoa Kỳ
Có lần trên chuyến bay từ Sydney về Washington DC, tôi ngồi cạnh một ông Mỹ trắng. Hàn huyên chuyện trên trời dưới biển, ông hỏi tôi làm ở Mỹ lâu chưa. Tôi cười bảo, ông thử đoán xem. Lão tủm tỉm đoán, chắc cũng là dân Mỹ rồi. Tôi hỏi tại sao, lão bảo, vì thấy anh gọi ăn trưa có Coke, chỉ có dân Mỹ mới ăn ba bữa với đồ uống gây nghiện này. Tôi rất ít khi uống đồ này nhưng khi lên máy bay, lái xe đường dài, hoặc đi câu mệt nhọc, vẫn phá lệ. Cái thứ nước đen đen có ga từ thời học ở Ba Lan (1970-1977) đã có “koka kola to jest to”, nồng nồng, ngòn ngọt này, chui vào họng chỉ vài phút, mệt mỏi bay đi đâu hết.
Hôm nay tôi đứng trước Trung tâm Coca Cola tại Atlanta, ngay cạnh công viên Olympic 1996. Vì là lễ Giáng Sinh nên trên quả cầu biểu tượng của Coca Cola có dòng chữ Merry Christmas bằng đủ các thứ tiếng, trong đó có dòng tiếng Việt “Chúc mừng lễ Giáng Sinh”, không hiểu sao cu Bin lại tìm ra. Người xếp hàng mua vé vào xem khá đông, 16$ cho người lớn, 12$ cho trẻ em từ 3 đến 12 tuổi . Vì vội nên nhà này không vào dù Luck và Bin rất khoái vào chỉ để kiếm chai nước mẫu, nghe nói có vị đặc biệt mà trên thế giới không ở đâu có. Tôi gọi là “Ngắm” bảo tàng bởi chỉ đứng ngoài chiêm ngưỡng mà không biết bên trong có những gì.
Nghe nói, tại đó khách thăm có thể nếm đủ 60 vị Coca sản xuất theo gu của từng quốc gia, từng vùng. Mới sang Mỹ năm 1995, mình ra CVS rửa ảnh, họ tặng luôn cho hai chai Coke một gallon. Uống thấy vị đặc và nồng cay hơn bên Việt Nam. Thử bên Thái Lan, bên Trung Quốc cũng thấy khác. Coca-Cola (còn được gọi tắt là Coke) là thương hiệu được đăng ký năm 1893 tại Mỹ mà cha đẻ là dược sĩ John Pemberton. Với ý định ban đầu là sản xuất ra một loại thuốc uống chống đau đầu và mệt mỏi, ông pha chế bột từ cây Koka sau gọi là Coca theo tiếng Anh, có rất nhiều bên Nam Mỹ, có chất cocain và chống đau đầu.
Tay thương gia Asa Griggs Candler mua lại thương hiệu và biến thành đồ uống nổi tiếng thế giới như hiện nay. Hàng tỷ người trên hành tinh thi nhau ừng ực giải quyết cơn khát bằng những lon mầu đỏ. Sức mạnh mềm của Mỹ chui qua cuống họng, vào thành dạ dày, và bỗng thấy nước Mỹ có nền dân chủ thế mà hay. Nó từ từ thay đổi bạn, từ ghét nước Mỹ sang yêu nước Mỹ. Coca Cola có truyền thống tài trợ cho các kỳ thế vận hội, bóng đá, bóng chày. Một phút quảng cáo vào giờ cao điểm như lễ khai mạc có giá hàng triệu đô la thì chỉ thấy những người khổng lồ như Coca Cola xuất hiện. McDonald là hệ thống bán bánh mỳ kẹp thịt nổi tiếng khắp thế giới cũng bán kèm Coke, rất nhiều cửa hàng cho phép ra quầy lấy thêm (refill) thoải mái. Nhìn những lão tây đen to như con gấu, béo phục phịch, vào xe hơi, bánh xe hơi tẹt cả xuống, chứng tỏ Coke, bánh mỳ kẹp thịt và khoai tây chiên đã vỗ béo nước Mỹ như thế nào.
Mục đích Coca Cola trên trang web cao đẹp hơn nhiều :”Our Mission: To refresh the world; To inspire moments of optimism and happiness; To create value and make a difference. Làm thế giới tươi mát; Giúp cho những khoảnh khắc lạc quan và hạnh phúc; Tạo ra giá trị và sự khác biệt”. Theo quảng cáo trên trang web của mình, công ty Coca-Cola luôn để ý đến sự đa dạng của khách hàng và khác biệt văn hóa nhất là trong việc lựa chọn đồ uống. Dân Á khác dân Âu, khác dân Phi.
Một ví dụ khác, khi mở ra lon thì cái nắp vẫn dính lại để đảm bảo tái chế và miếng kẽm nhỏ không rơi ra, làm ô nhiễm môi trường, cũng đủ nói lên công ty này để ý đến từng chi tiết. Mỗi sản phẩm Coca khi xuất xưởng đều qua 450 công đoạn kiểm tra rất khắt khe để đảm bảo chất lượng, đóng gói và kể cả mầu thiết kế bao bì. Một công ty lớn như thế lại bỏ qua việc nộp thuế doanh nghiệp tại một nước nghèo như Việt Nam không khỏi khiến người ta đặt dấu chẩm hỏi lớn về danh tiếng của Coca Cola. Người Mỹ ghét hàng Trung Quốc vì nhái, chất lượng thấp và giá rẻ đã phá công nghiệp nội địa. Họ ghét cả cá basa của Việt Nam vì bán phá giá vào thị trường Mỹ. Nhưng chắc chắn không công ty nước ngoài nào có thể qua mặt được sở thuế Hoa Kỳ. Trốn thuế nghĩa là tự sát.
Đang lang thang ở Atlanta thì cu Bin chạy đến đòi mua lon Coca trong máy bán tự động. Chỉ cần 1$ là có ngay một thứ giải khát tuyệt vời. Mọi khi thì tôi OK ngay, nhưng lần này tôi bảo “Con ạ, đừng uống Coca vì quá nhiều đường. Con sẽ bị béo phì và mắc nhiều bệnh về tim mạch”. Cháu gật gật đồng ý. Chắc chắn cu Bin 10 tuổi không hiểu thông điệp ngầm. Bố cháu khuyên thế là vì Coca Cola đã trốn thuế tại quê nhà. Tự nhiên thấy may vì không mua vé mấy chục đô la vào thăm bảo tàng để nghe những mỹ từ về đồ khát nổi tiếng nhưng ông chủ lại tham lam vô bờ bến.
Bài và ảnh: Hiệu Minh. Atlanta
Leave a Reply