Đến thăm công viên quốc gia Yosemite, California
Nằm trong địa phận bang California tại dãy núi Sierra Nevada, vườn quốc gia Yosemite cách Los Angeles 500km về phía bắc và San Francisco 300km về phía đông. Nơi đây được xem như một hòn ngọc thiên nhiên của vùng miền tây nước Mỹ. Trải rộng trên một diện tích 3.000km 2 ở độ cao từ 600 – 4.000m, một cảnh quan thiên nhiên diễm lệ được vẽ nên từ những dáng cây cù tùng (sequoia) vững chãi, những vách đá hiểm trở, những thác nước cuồn cuộn mùa tuyết tan và cả dòng sông Merced thơ mộng lúc thu về. Dường như có một sự liên kết hỗ tương chặt chẽ giữa khoáng chất từ lòng đất và thảm thực vật bên trên trong quá trình phát triển và sinh tồn của hệ động thực vật này. Rõ ràng cây cối đã mọc lên tươi tốt ngay bên trên nền đá granit trơn nhẵn và có phần khô cằn này.
Đa số du khách khi đến đây đều chọn thung lũng Yosemite – dài 13km và rộng khoảng 1,6km – để cắm trại, nếu đó là vào dịp cuối tuần. Nhưng đôi khi họ phải đặt chỗ trước cả năm! Ngoài ra, khách còn có thể ở tại nhiều khu nhà nghỉ được xây bên ngoài khu vực thung lũng. Những người từng đến Yosemite khuyên rằng, dù bạn đi bằng phương tiện cá nhân hay bằng xe bus, bạn phải chịu khó vất vả để “cuốc bộ” đó đây thì mới có thể chiêm ngưỡng được hết sự kỳ vĩ của vùng đất này.
Vị trí có lẽ thu hút nhất của Vườn quốc gia Yosemite là khu vực thác nước có cùng tên – thác Yosemite. Với độ cao 730m, đây là thác nước lớn thứ 5 trên thế giới. Vào mùa xuân khi tuyết tan là lúc thác Yosemite nước dữ dội nhất, trong khi vào cuối hè, chúng ta chỉ thấy còn lại một dòng nước nhỏ réo rắt bên triền đá.
Núi đá
Nếu đi vào từ hướng tây, du khách sẽ thấy ngay khối núi El Capitan sừng sững. Vách đá tại đây là một mảng granit liền lạc cao đến gần 1.000m, và là niềm mơ ước của những tay leo núi nghiệp dư, bởi đây là vách núi cao nhất thế giới. Và nếu muốn, họ có thể men theo khoảng 70 “tuyến đường” trên vách đá để leo đến đỉnh.
Ngoài ra, biểu tượng chính của vườn quốc gia và thường xuyên trở thành một “logo thiên nhiên” của Yosemite trên các trang quảng cáo chính là “Half Dome” – khối granit hình “nửa mái vòm” vươn lên giữa trời xanh. Theo các nhà địa chất, sở dĩ phiến đá mái vòm này bị chẻ làm đôi là do tác động sói mòn từ các dòng sông băng từ cách đây vài ngàn năm. Vào mùa hè, các nhà leo núi rất thích được chinh phục phần mái cong của Half Dome với chiều cao 670m và độ nghiêng không quá 7 độ. Sự mạo hiểm của họ hẳn sẽ được đền bù một cách xứng đáng nhất khi từ đỉnh cao của mái vòm, người chiến thắng sẽ có dịp phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ khu vực thung lũng bên dưới mà không hề bị một vật cản nào che khuất.
Muông thú
Vườn quốc gia Yosemite được thiên nhiên ban tặng cho một gia sản vô cùng quý báu, một hệ động thực vật rất phong phú. Tại đây, người ta đếm được không dưới 1.000 loài thực vật và 400 loài thú. Các sinh vật sống bên trong Yosemite được bảo vệ nghiêm ngặt dù chúng tỏ ra rất thân thiện với con người. Ban quản lý luôn nhắc nhở du khách cẩn trọng, nhất là không được tự tiện cho chúng ăn. Ngoài ra, để bảo vệ cảnh quan môi trường, các phương tiện lưu thông cá nhân luôn bị hạn chế trong khuôn viên vườn quốc gia. Thay vào đó, các tuyến xe bus sẽ phục vụ khách tham quan.
Gấu đen, biểu tượng của Yosemite |
Mặc dù được gọi là “đen”, nhưng bộ lông của loài gấu Bắc Mỹ này thường có màu nâu. Chúng hầu như không kén chọn thức ăn: vào mùa xuân, gấu đen ăn các loại cỏ, rễ cây và cả côn trùng như mối, kiến, sâu bọ. Sang mùa hè, chúng có thể tìm thấy nhiều thứ quả chín mọng, đến mùa thu chúng nhấm nháp các quả sồi và sau đó bước sang giai đoạn ngủ đông.
Bản tính gấu đen khá hiền lành và tại Yosemite, chúng đã quen với sự hiện diện của con người, thậm chí còn rất tò mò chui vào các lều trại và xe cộ trong công viên. Từ đó, đa số du khách tỏ ra khá thân thiện với loài vật này, song họ luôn được khuyến cáo trong bất cứ tình huống nào cũng không được cho gấu ăn, nhằm đề phòng bất trắc. Ban quản lý luôn gia cố và khoá kín các thùng đựng rác đồng thời cung cấp cho du khách đến cắm trại tại Yosemite các hộp đựng thức ăn chắc chắn. Nhưng một khi tìm thấy những chú gấu đen nào được đánh giá là “hung hãn”, lực lượng bảo vệ có quyền bắn hạ để đảm bảo an toàn cho du khách.
Và ý thức bảo vệ môi trường
“Không có một công trình nào do bàn tay con người tạo ra có thể so sánh được với Yosemite”, đó là lời khẳng định của nhà tự nhiên học John Muir, người đã đề xuất ý tưởng thành lập khu bảo tồn tự nhiên Yosemite. Chính những bài viết của ông đã gợi ý cho các nhóm bảo vệ thiên nhiên và các nhà lập pháp thúc giục chính quyền liên bang ra quyết định bảo vệ vùng đất có “vẻ đẹp thiên nhiên thanh khiết” này.
Và đến ngày 30.6.1864, Tổng thống Abraham Lincoln đã ký quyết định không cho phép tư nhân khai thác thung lũng Yosemite. Đây là lần đầu tiên chính quyền liên bang Mỹ thông qua các biện pháp bảo vệ các khu vực thiên nhiên rộng lớn, vì lợi ích của toàn dân và của các thế hệ tương lai. Từ đó, trong tất cả các khu công viên quốc gia và các vùng đất thiên nhiên hoang dã khác của Bắc Mỹ, lực lượng chuyên trách các khu bảo tồn luôn cố gắng thực hiện được giấc mơ từ năm 1901 của nhà tự nhiên học John Muir, đó là “phải giữ gìn cho được nét tráng lệ, sự hùng vĩ và lợi ích to lớn của các khu rừng rậm hoang sơ của chúng ta, của các dãy núi và các cánh đồng cỏ bao la, thì mới hy vọng khuyến khích được mọi người đến đây tham quan và tận hưởng chúng, và như thế hình ảnh của tất cả các di sản này mới đến được trái tim của toàn thể công chúng”.
“Đường hầm Wawona” với hơn 200 năm tuổi
Ngoài thác nước Yosemite, một gốc cây cù tùng to lớn nằm ở cổng vào phía nam vườn quốc gia cũng thu hút khách không kém. Với chiều cao khoảng 70m và chu vi xấp xỉ 27m, cây cù tùng này được biết đến với cái tên “Wawona Tunnel Tree”. Vào năm 1881, có hai anh em nhà nọ được thuê với giá 75 đôla để làm công việc cơi rộng ra một khe nứt ở gốc cây sau một đám cháy. Thế là, họ đã khoan sâu vào gốc cổ thụ và tạo ra một đường hầm dài 8m, đủ rộng để xe ngựa thời đó, và sau này là xe hơi, chạy qua. Từ đó, “tuyến đường hầm bằng gỗ” này dần dần nổi tiếng.
Du khách đến đây rất thích thú khi được “chui” qua để rồi… dừng lại chụp hình lưu niệm. Nhưng thật không may, đến năm 1969, một đợt tuyết rơi lớn và kéo dài đã khiến toàn bộ tán lá cây bị phủ đầy với khoảng 2 tấn tuyết. Kết cục, “chàng khổng lồ” đã ngã quỵ! Tuy nhiên, di tích gốc cây Wawona đã ngã đổ vẫn được lưu giữ và bảo quản cẩn thận, được xem như biểu tượng của một số phận nghiệt ngã trước thiên nhiên. Những khung hình về “Wawona Tunnel Tree” ngày nay vẫn đầy ấn tượng, thể như Wawona đang yên nghỉ trong giấc ngủ ngàn thu. Chứng nhân của sự trường tồn này hẳn sẽ còn mãi!
El Capitan hùng vĩ!
Chính ngay khi bạn đang đeo bám lưng chừng trên vách núi cheo leo của El Capitan, bạn mới cảm nhận được sự uy nghi và bề thế của khối núi đá này. Thú vị hơn, một khi được máy ảnh ghi lại, bạn sẽ nghiệm ra rằng, con người chúng ta sẽ trở nên “bé xíu” biết chừng nào trước một thiên nhiên bao la! Khi nhìn bức ảnh được chụp từ xa, chúng ta không tài nào biết được trong hai ô chữ nhật đó có gì (hình 1). Nhưng sau khi được phóng to lên (hình 2 và 3), thì mọi việc sẽ rõ: vách núi này không hề… nhỏ như chúng ta tưởng! Đúng vậy, trên thực tế các nhà leo núi mạo hiểm phải mất ít nhất 3 ngày mới có thể lên được tới đỉnh El Capitan!
Hai thời điểm thích hợp nhất trong năm để đến thăm Vườn quốc gia Yosemite là mùa xuân và mùa thu. Thác nước Yosemite đẹp nhất vào mùa xuân, lúc lưu lượng đạt cực đại khi mùa tuyết tan. Và rừng cây sẽ thay lá vào mùa thu, tạo nên một khung cảnh nên thơ trữ tình.
Leave a Reply