Đến thăm bảo tàng chứng tích Arizona (USS Arizona (BB-39))
USS Arizona (BB-39) là một thiết giáp hạm thuộc lớp Pennsylvania được chế tạo cho Hải quân Hoa Kỳ vào giữa những năm 1910. Được đặt tên nhằm tôn vinh tiểu bang thứ 48 của Hoa Kỳ vốn vừa gia nhập Liên bang, con tàu là chiếc thứ hai cũng là chiếc cuối cùng của lớp thiết giáp hạm siêu-dreadnought Pennsylvania. Cho dù được đưa vào hoạt động vào năm 1916, nó vẫn ở lại lục địa Hoa Kỳ trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ nhất;
và không lâu sau khi cuộc xung đột kết thúc, nó là một trong những con tàu hộ tống đưa Tổng thống Woodrow Wilson sang tham dự Hội nghị hòa bình Paris. Arizona được gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ khi cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra để bảo vệ cho quyền lợi của Mỹ trong nhiều tháng. Nhiều năm sau, nó được chuyển sang Hạm đội Thái Bình Dương và ở lại đây cho đến hết quãng đời phục vụ.
Ngoài một đợt hiện đại hóa đáng kể trong những năm 1929-1931,Arizona được thường xuyên sử dụng trong các cuộc tập trận huấn luyện giữa hai cuộc thế chiến, bao gồm cuộc tập trận lớn Vấn đề hạm đội hàng năm. Khi xảy ra cuộc động đất tại Long Beach, California vào năm 1933, thủy thủ đoàn của Arizona đã tham gia cứu giúp những người sống sót. Hai năm sau, con tàu tham gia những cảnh quay trong bộ phim Here Comes the Navy của đạo diễn James Cagney theo chủ đề những rắc rối tình cảm của một thủy thủ. Đến tháng 4 năm 1941, nó cùng với phần còn lại của Hạm đội Thái Bình Dương được chuyển từ California đến Trân Châu Cảng, Hawaii, như một động thái răn đe Đế quốc Nhật Bản.
Trong cuộc tấn công nhắm vào Trân Châu Cảng mà Hải quân Nhật tung ra sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Arizona bị trúng bom. Nó nổ tung và bị đánh chìm một cách bi thảm, làm thiệt mạng 1.177 sĩ quan và thủy thủ. Không giống như những con tàu khác bị đánh chìm hay hư hại vào ngày đó, xác của Arizona đã không được trục vớt lên, cho dù hải quân đã cho tháo dỡ những bộ phận của con tàu để tái sử dụng. Xác đắm của con tàu tiếp tục nằm bên dưới đáy Trân Châu Cảng và là địa điểm mà một đài tưởng niệm được xây dựng bên trên và khánh thành vào ngày 30 tháng 5 năm 1962 để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc tấn công.
Leave a Reply