Đầu tư vào Hoa Kỳ: Cơ hội không thể tốt hơn cho Doanh nghiệp
Mới đây tại Hà Nội, Gala Café Doanh nhân với chủ đề “Cơ hội hợp tác đầu tư tại Hoa Kỳ” do EduViet Corporation, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Đại học Kinh doanh Shidler – Đại học Tổng hợp Hawai’i – Hoa Kỳ đã được diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ như: TS. Tùng Bùi – Giảng viên Đại học Tổng hợp Hawai’i – Hoa Kỳ; bà Betty Hoang Brow – Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Hawaii – Hoa Kỳ; TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW – CIEM; bà Nguyễn Đào Thúy Hằng – Giám đốc Đối ngoại IDG Ventures Vietnam; Luật sư Đỗ Trọng Hải – Chủ tịch Công ty Tư vấn Đầu tư BizLink.
Cơ hội đầu tư tại Hoa kỳ
Tại buổi hội thảo, bà Betty Hoang Brow – Phó Tổng Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận giao dịch ngân hàng quốc tế đã cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin về cách hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Hoa Kỳ. Theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào thị trường tài chính Hoa Kỳ thông qua việc đầu tư vào tín phiếu và trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu đô thị, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp…Bà cũng cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin cần thiết về những lĩnh vực có thể đầu tư tại Hawai’i – Hoa Kỳ như: Bất động sản thương mại và khu vui chơi giải trí; Các dịch vụ và bán lẻ liên quan tới du lịch; Giáo dục; Chăm sóc sức khỏe; Công nghệ cao: Năng lượng tái sinh, công nghệ sinh học; Trại thể thao: Môn Gôn và Tennis cho thanh thiếu niên.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương khuyên các doanh nghiệp nên đầu tư vào Hoa Kỳ bởi Hoa Kỳ là thị trường rất hấp dẫn, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào đây sẽ yên tâm hơn các nước khác bởi “người Hoa kỳ là biểu tượng của sự minh bạch, rõ ràng”.
Cần nâng cao khả năng hiểu biết về luật pháp
Theo bà Betty Hoang Brow, ngoài những thuận lợi như môi trường kinh doanh tại Hoa Kỳ thân thiện và lành mạnh thì các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào đây cũng sẽ gặp những khó khăn như: “Quy định nhà băng về việc chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cho phép các ngân hàng và công ty chứng khoán có thể từ chối việc mở tài khoản cho người mang hộ chiếu nước ngoài”. Bà cũng cho biết thêm, các ngân hàng Hoa Kỳ có trụ sở hoặc hoạt động ở nước ngoài có thể mở tài khoản tại Mỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên các nhà đầu tư nước ngoài gần như không thể giao dịch chứng khoán trực tuyến vì quy định hạn chế mở tài khoản chứng khoán đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan thuế của Mỹ có đánh thuế trực tiếp vào tiền lợi tức cổ phần đối với các nhà đầu tư nước ngoài nếu họ nợ thuế.
Còn theo ông Đỗ Trọng Hải – Chủ tịch Công ty Tư vấn Đầu tư Bizlink, những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ đó là chưa có sự hiểu biết đầy đủ về hệ thống luật pháp và chính sách của nước ngoài, về luật pháp và thông lệ của quốc tế cũng như các thỏa thuận song phương và đa phương giữa các quốc gia. Cụ thể: Các quy định về xác lập quyền và chuyển dịch vụ quyền sở hữu, quyền quản lý tài sản theo luật pháp nước ngoài; Rào cản thương mại và kỹ thuật của các Chính phủ; Các thỏa thuận về vấn đề thuế… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa có sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật Việt Nam, tiên liệu được việc thay đổi của luật pháp và chính sách của nước ngoài, pháp luật và chính sách của Việt Nam.
Để khắc phục những khó khăn trên, ông khuyên các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng hiểu biết về luật pháp Việt Nam, luật pháp nước ngoài cũng như thông lệ quốc tế; Sử dụng thường xuyên các tư vấn của luật sư đối với mọi quan hệ giao thương có yếu tố nước ngoài; Nâng cao hơn nữa và chuyên nghiệp hóa vai trò hoạt động của các hiệp hội ngành nghề của Việt Nam; Tận dụng sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài trong hoạt động kinh doanh và đầu tư tại nước ngoài của doanh nghiệp.
Ông Võ Trí Thành thì cho rằng các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc vay tín dụng. Theo ông, về nguyên tắc thì việc vay tín dụng sẽ không bị cấm bởi nhà nước quản lý trần tín dụng, tuy nhiên đó chỉ là nguyên tắc, còn thực tế thì bị “quản” rất chặt. Mặt khác, hiện luật pháp nước ta vẫn đang còn rất “lờ mờ” nên việc mở cửa ra nước ngoài còn rất ngặt nghèo…
Đối với việc hợp tác với Hoa Kỳ, ông khuyên các doanh nghiệp cần để ý những vấn đề như: Tiêu chuẩn về lao động, xã hội, thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhìn được tài khoản vốn của Việt Nam, sự khác nhau giữa hai nước về kết cấu hạ tầng như vấn đề mua sắm, đấu thầu Chính phủ.
Hồ Hường
Leave a Reply