Đất nước Hoa Kỳ, con người Hoa Kỳ, và những chuyến đi
Có lần nào đó, tôi bất chợt bắt gặp một bức ảnh trên một tờ tạp chí, chụp một tác phẩm sắp đặt (installation): một chồng vali cao ngất, cao đến sát trần nhà, cái bằng gỗ, cái bằng da, cái bằng vải nhựa, tất cả đều cũ, bong tróc, dường như chúng đã phải trải qua thời gian sử dụng khá dài, phải lăn lóc qua khá nhiều quốc gia, thành phố, huyện lỵ, thị trấn… Sẽ chẳng có ý nghĩa gì, với tôi, nếu ở dưới bức ảnh ấy không có một chú thích: Hoa Kỳ (The America).
Bức ảnh ấy và chú thích ấy không khỏi khiến tôi phải nhớ tới một ước nguyện (được xem là) khá kỳ quặc của nhà văn Nguyễn Tuân: ông ước sao khi chết, da ông sẽ được người ta thuộc để làm một chiếc vali, để ông được tiếp tục dịch chuyển, tiếp tục những cuộc viễn hành khi xương đã tan thịt đã nát. Sự khởi động của một liên văn bản như vậy khiến tôi phải tự đặt cho mình một câu hỏi: phải chăng bức ảnh này chính là hình ảnh biểu trưng cho một nét trội trong tinh thần của văn hóa Mỹ, một nét trội trong phẩm chất tính cách của người Mỹ: sống, tức là phải đi, là phải liên tục dịch chuyển? Và tôi đã tìm thấy câu trả lời, cho cá nhân mình, khi đọc hai tác phẩm khá đặc biệt của nền văn chương Mỹ trong những năm 1950 – 1960: Trên đường của Jack Kerouac (Cao Nhị dịch. Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn in năm 2008) và Tôi Charley, và hành trình nước Mỹ của John Steinbeck (Tuấn Việt dịch. NXB Trẻ in năm 2012).
Khá đặc biệt, trước hết vì cả hai tác phẩm này đều khó có thể được xếp vào loại văn chương thuần túy hư cấu (fiction): Trên đường là một tác phẩm đậm chất tự truyện; cònTôi, Charley và hành trình nước Mỹ thì rõ ràng một tác phẩm ký. Nhưng cả hai đều không thiếu chất văn chương và đều đã tạo được dấu ấn của nó trong lịch sử văn học Mỹ. Trên đường của Jack Kerouac (1922 – 1969) kể về cuộc phiêu lưu xuyên Mỹ của hai nhân vật Sal Paradise và Dean Moriaty – cũng chính là những kỷ niệm chu du khắp nơi của Jack Kerouac và người bạn thân của ông ở ngoài đời, Neal Cassady. Họ đi ngang dọc nước Mỹ, luôn bị thôi thúc bởi ý muốn đi và đi, không ngừng nghỉ. Đi, không phải như những lữ hành giàu có, mà thực sự là cuộc dịch chuyển của những kẻ nghèo kiết xác, nghề nghiệp bất định, trên những chiếc xe hơi cà tàng chỉ có thể chạy được sau khi người ngồi trên xe đã phải vắt óc nghĩ ra cách kiếm từng đồng đôla để đổ xăng. Bánh xe của họ cày tung bụi đất các bang nước Mỹ, từ bờ Đông sang bờ Tây, cuốn theo nó là hàng loạt những con người đồng dạng – các nhân vật đều có nguyên mẫu ở ngoài đời (ví dụ Carlo Marx, chính là nhà thơ Allen Ginsberg) – những kẻ dường như tồn tại ở ngoại vi dòng chảy chủ lưu của đời sống xã hội Mỹ thập kỷ 1950-1960. Họ đi, chỉ để mà đi, không có mục đích cụ thể. Hay nói chính xác hơn, chính bằng hành vi “đi” mà họ thấy mình đang tồn tại, đang sống, đang là người tự do quyết định chính số phận cuộc đời mình. Đi để trải nghiệm một sự tự do vô hướng. Đi mà không biết đến thời điểm nào thì có thể và cần phải dừng đi.
Trên các chuyến đi, đặc biệt ở chặng nghỉ ở giữa những chuyến đi, họ ngẫu hứng làm nên đủ các thứ cocktail cuồng loạn mà tất cả những công dân chỉn chu nghiêm túc chắc chắn đều phải nhăn mặt khó chịu: quán bar, nhà chứa, tình dục, ma túy, trộn lẫn nhạc jazz… ĐọcTrên đường, hẳn khó ai có thể quên được hình ảnh một Dean Moriaty – “kẻ đập phá thần bí” – đầu tóc bù xù, quần áo tả tơi, ngất ngưởng trong cơn say, cánh tay băng bó cứ chĩa thẳng lên trời. Và khó có thể quên được đoạn văn mô tả tâm trạng của Sal Paradise ở cuối tác phẩm: “Vậy là trên nước Mỹ, khi mặt trời lặn xuống, tôi ngồi trên cảng sông cũ nát ở Tây Manhattan mà ngắm bầu trời xa, rất xa trên New Jersey, cảm nhận thấy cả miền đất nguyên sơ đang phình ra bao la đến tận bờ biển phía Tây, thấy những con đường trải dài ra mãi, thấy những con người đang mơ màng trong cái mênh mông đó…”.
Có thể nói, ở đằng sau, thậm chí ở ngay bên trong cái nhịp điệu văn chương mạnh mẽ phóng khoáng và đầy tính bột phát của Trên đường – tương hợp kỳ lạ với nhịp điệu của Jazz – chính là một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn không phải của chỉ một, hoặc một vài cá nhân, mà là của cả một thế hệ đã mất niềm tin vào “giấc mơ Mỹ”. Nói về điều này, tốt nhất là tôi sẽ trích dẫn nhận xét của Gilbert Millstein trong một bài điểm sách trên tờ Thời báo New York: “Nếu như “Mặt trời vẫn mọc” của Hemingway ở thế kỷ XX được coi như cuốn Kinh Thánh của Thế hệ bỏ đi (Lost generation) thì “Trên đường” của Jack Kerouac cũng đóng một vai trò như vậy với thế hệ Beat… Thế hệ Beat sinh ra đã vỡ mộng. Họ coi những nguy cơ xảy ra chiến tranh, sự trì trệ của hệ thống chính trị, thái độ thù địch của cộng đồng là hiển nhiên. Sự giàu có không làm họ ấn tượng. Họ không biết mình đang tìm kiếm nơi nào để nương tựa, nhưng họ vẫn không ngừng tìm kiếm”. Luôn giữ mình ở trạng thái trên đường (on the road), đó chính là ý nghĩa của những chuyến đi của các nhân vật người Mỹ trong cuốn Trên đường.
Trong cuốn Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ của John Steinbeck (1902 – 1968), cũng là đi, nhưng là một sự đi khác hẳn. John Steinbeck viết cuốn sách này khi đã là một văn gia lừng danh, tác giả của Thị trấn Tortilla Flat (1935), Của chuột và người (1937), Phía đông vườn địa đàng (1952) và đặc biệt là Chùm nho nổi giận (1939). Ông tự nói về mình, không khỏi có chút tự hào: “Tôi, một nhà văn Mỹ chuyên viết về nước Mỹ…”. Nhưng ngay sau đó lại là một sự phản tỉnh: “Tôi chưa từng nghe giọng nói của nước Mỹ, chưa từng ngửi mùi cỏ cây và cống rãnh, thấy sông hồ đồi núi cùng những sắc màu và ánh sáng của đất nước mình. Tôi chỉ biết đến những thay đổi của nó qua sách báo. Nhưng điều tệ hại hơn là tôi không cảm được đất nước tôi trong suốt 25 năm trời. Nói tóm lại tôi đã viết những thứ mình không biết, và với một gã được coi là nhà văn như tôi thì điều đó có khác gì tội ác”.Chính bởi thế mà ở cái tuổi 58, chẳng còn trẻ tráng gì nữa, nhưng John Steinbeck vẫn quyết định đặt làm một chiếc xe bán tải (ông đặt tên cho nó là Rocinante – tên con nghẽo còm của hiệp sỹ Don Quijotte) để lên đường, đi để biết đất nước mình, với bạn đồng hành duy nhất là con chó Charley.
Tuy nhiên, cuộc đi của ông còn có một lý do khác, rất Mỹ, như chính ông đã thú nhận: “Tôi đã nhấc, đã kéo, đã bổ, đã leo, đã vui sướng làm tình và xem dư vị của những trận say là hệ quả chứ không phải là một sự trừng phạt. Tôi không muốn giao nộp sự mãnh liệt để đổi lấy một khoản lợi nhỏ về tuổi tác. Vợ tôi đã cưới một người đàn ông và tôi thấy không có lý do gì để cô ấy phải thừa hưởng một đứa con nít… Nếu như cuộc hành trình được lên kế hoạch này có thể minh chứng nhiều điều như thế thì đã đến lúc phải lên đường”. Vậy là, một người một chó một xe, John Steinbeck đã xuất phát, từ Sag Harbor nơi ông đang sinh sống, đến Massachusetts, rồi Vermont, New Hampshire, Maine, New England, Ohio, Michigan, Illinois, Wisconsin, Minesota, Idaho, Oregon, California, Texas, New Orleans, Alabama… rồi trở về Sag Harbor. Chuyến đi kéo dài bốn tháng. Trong suốt quãng thời gian bốn tháng ấy, theo cách của mình, ông đã nghe, đã nhìn, đã thấy, đã trải nghiệm và chiêm nghiệm về nước Mỹ, người Mỹ, cuộc sống Mỹ, như nó đang hiện hữu. Không khó khăn gì để bất kỳ người đọc nào cũng có thể bắt gặp trong cuốn sách này những đối cực. Một mặt là những bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ được miêu tả với bút pháp tinh tế, ví như cảnh khu rừng gỗ đỏ thuộc bang Oregon: “Nơi đây là sự im lặng của một thánh đường. Có thể lớp vỏ dày và mềm đã hấp thụ âm thanh để tạo ra sự im ắng. Những ngọn cây vươn cao đến tận thiên đình: không có một chân trời nào phía trên.
Bình minh đến sớm và vẫn mãi là bình minh cho đến khi mặt trời lên cao. Rồi những tán lá giống như của cây dương xỉ kéo dãn ánh nắng ra thành một màu vàng xanh và phân bổ nó thành những luống, đúng hơn là những dải xen kẽ giữa ánh sáng và bóng râm. Khi mặt trời đi qua thiên đỉnh thì buổi chiều bắt đầu, rồi nhanh chóng là buổi tối với sự nhá nhem xào xạc chẳng khác gì ban mai”. Mặt khác, là những bức tranh xấu xí của một nền văn minh công nghiệp – tiêu thụ đang phát triển như vũ bão: “Các thành phố Mỹ – tất cả – đều giống như những hang chồn, bị vây chặt giữa những đám phế thải, bị bao quanh bởi những đống xe hơi gỉ sét hư hỏng, và hầu như bị ngộp trong rác rưởi”. Và:”Người Mỹ – mới tìm thấy sự thách thức và tình yêu của mình ở những con đường nghẹt thở, ở những khung trời đầy sương khói, ngột ngạt bởi những thứ axit mà nền công nghiệp thải ra, ở những tiếng rít của bánh xe và ở những ngôi nhà nằm san sát nhau… trong khi các làng mạc nhỏ thì cứ héo hắt và chết dần chết mòn”.
Ông đã chứng kiến cuộc sống giàu có, sự hào sảng và no đủ đến mức thô kệch của những triệu phú bang Texas (đây có lẽ là đoạn miêu tả sinh động nhất của cuốn sách), nhưng cũng đã ghi nhận một cách hãi hùng sự xuất hiện của các khuôn viên dành cho xe rơmooc ở ngoài rìa của hầu hết các thị trấn – đó là nhà ở, những căn nhà không gốc rễ dựng trên bánh xe, và ông gọi người sống trong những căn nhà đó là “những người đến từ sao Hỏa”. Rồi, ở cuối cuộc hành trình, tại bang New Orleans, ông đã tận mắt thấy những “bà mẹ da trắng” tụ tập hàng ngày để chế nhạo trẻ em da đen lúc các em vào trường và sau khi tan học – ông có dịp được trải nghiệm sự kinh tởm trước bộ mặt trơ trẽn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thứ vẫn tiềm ẩn trong lòng một nước Mỹ lúc ấy đang phất cao ngọn cờ dân quyền – bình đẳng. Có thể nói, cảm hứng phê phán chính là cảm hứng chủ đạo trong cuốn sách này. Rất nhiều những điều mắt thấy tai nghe đã khiến cho John Steinbeck thu lượm được từ cuộc hành trình của mình (gần mười sáu ngàn cây số) nhiều nước Mỹ trong một nước Mỹ, và một căn bệnh thời đại: bệnh lãng phí. Và điều đó chỉ có thể xảy ra khi mà nhà văn, mặc cho tuổi già đang ập đến, vẫn quyết định từ bỏ nơi an toàn của mình, lên đường, chấp nhận đối mặt với thử thách, để khẳng định mình và để tìm kiếm chân lý.
Ngay ở những trang đầu tiên của cuốn sách, John Steinbeck đã viết về những người hàng xóm của mình, những người tò mò đến để xem ông “làm ăn ra sao” với chiếc xe Rocinante: “Tôi thấy trong mắt họ điều mà tôi thấy đi thấy lại nhiều lần ở mọi nơi trên đất nước này: một khát vọng cháy bỏng được ra đi, được di chuyển, được lên đường, đến bất cứ nơi đâu, miễn là xa khỏi cái Chốn Này của họ. Họ thì thầm với nhau rằng họ ước sẽ ra đi vào một ngày nào đó. Một cách tự do, không có gì níu giữ, không hướng về nơi nào mà là rời xa khỏi chốn nào”. Chính là như thế đấy, tinh thần Mỹ – tinh thần Viễn Tây, tinh thần của những người mở đường luôn khát khao điều mới lạ. Họ luôn tiến đến, rồi bỏ lại, để rồi lại tiếp tục tiến đến những chân trời mà họ chưa từng biết, không đắn đo lắm về việc cái gì, sự nguy hiểm nào đang rập rình chờ đón mình ở phía trước. Điều này tôi không nhận thấy khi đọc tập sách nghiên cứu uyên bác nhưng dày cộp của ngài Alexis de Tocqueville (Nền dân trị Mỹ), nhưng tôi cảm nhận được khi đọc tiểu thuyết Trên đường của Jack Kerouac và những ghi chép trong Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ của John Steinbeck.
Hoài Nam
Leave a Reply