Chuyện ở Hoa Kỳ: Quên đi 2 chữ “thượng đế”
Cuối tuần qua, nhiều người Mỹ bắt đầu đưa con cái đi mua sắm khi nước Mỹ vào mùa “Tựu trường” (Back to school). Họ mua đủ mọi thứ, từ quần áo giày dép cho tới các đồ dùng học tập cần thiết thô sơ như những chiếc bút hay là sản phẩm công nghệ. Một điều thú vị là tất cả các cửa hàng chuyên doanh đồ dùng học tập văn phòng như Office Depot hay bán đủ thứ như Wallmart đều giảm giá đặc biệt vào dịp này, từ một phần ba cho tới một nửa. Có gần hai chục bang ở nước Mỹ trong dịp này thực thi chính sách miễn thuế mua hàng đối với các sản phẩm phục vụ học sinh, trong khi bình thường thuế suất dao động từ mức 6-10%.
Liệu có phải là “vì tương lai con em” nên mới có chiến dịch giảm giá “Tựu trường”? Thưa với bạn đọc là không. Nếu như ở mình cứ Tết đến giá thực phẩm tăng chóng mặt, thì ở đây, tất cả các siêu thị thực phẩm lại giảm giá cực sốc, chứ không chỉ là đến dịp Giáng sinh – lúc mọi người mua sắm quà tặng, tất cả các loại mặt hàng đều có chương trình khuyến mại. Tôi nhìn chuyện này trên hai góc độ.
Thứ nhất là nghệ thuật kinh doanh của một xã hội tiêu thụ lâu nay đã được mặc nhiên thừa nhận là đỉnh cao của thế giới. Giảm giá tạo ra hiệu ứng mua sắm, là những dịp tăng doanh thu tối đa. Đó là lý do nước Mỹ đã đẻ ra cái ngày gọi là Thứ Sáu màu đen (Black Friday), ngày mua sắm mà tất cả các cửa hàng cửa hiệu đều giảm giá kỷ lục. Thậm chí, chỉ một ngày thứ Sáu đến ngay sau ngày Lễ Tạ ơn trong tháng 11 là chưa đủ. Mới vừa rồi, hệ thống siêu thị điện máy nổi tiếng Bestbuy tung ra chiến dịch giảm giá gọi là Thứ Sáu màu đen của tháng Bảy với chương trình đến cả các sản phẩm lâu nay vẫn bán theo kiểu mậu dịch như sản phẩm của Apple cũng “sale”.
Thứ hai, và quan trọng hơn cả, là ở góc độ phục vụ người tiêu dùng. Người Mỹ có lẽ sướng nhất thế giới xét trên góc độ mua sắm. Vì như đã kể ở trên, cứ đúng vào những dịp cần dùng cái gì là họ lại thỏa thích lựa chọn trong các chương trình giảm giá bạt ngàn khắp thành phố. Tức là họ không phải lo đến lúc con cái nhập trường thì đồ dùng học tập đắt phải đi mua đón đầu. Và khi đến dịp Giáng sinh không phải đi lùng con gà tây từ sớm vì sợ cận ngày giá cả phi mã. Với chút trải nghiệm ít ỏi, tôi rút ra rằng, chỉ có những dịch vụ hữu hạn như mua vé máy bay hay thuê khách sạn vào những dịp ngày lễ, mùa du lịch ở Mỹ là đắt hơn so với bình thường.
Nhưng chưa hết, không những được mua rẻ lúc cần, người tiêu dùng ở Mỹ còn được bảo vệ tối đa. Chưa kể luật cấp tiểu bang, có tới ít nhất 5 đạo luật khác nhau của liên bang được ban hành để giúp người tiêu dùng được thực thi những quyền lợi cơ bản và cả những quyền lợi mà chúng ta có thể cho nó là không tưởng. Hôm trước, tôi mua hộp bút màu cho con gái, sau vài ngày bóc ra dùng tôi phát hiện loại bút này không hợp nên mang ra đổi. Anh bán hàng vui vẻ nhận lại và hoàn tiền. Ở đây, hầu hết các cửa hàng đều cho khác hàng được hoàn trả hay đổi hàng trong vòng 30 ngày, đôi khi không cần phải còn nguyên tem mác. Dễ tới mức, nếu quanh năm anh chị đi mua quần áo mặc rồi trả lại không mất xu nào cũng chẳng sao.
Thế mà ở Mỹ, tôi chưa từng gặp khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế”!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Leave a Reply