[Chuyện hay] Khi một mình đến Hoa Kỳ
Nhà văn Cao Duy Thảo |
Anh chị Ba tôi ở Mỹ mời tôi sang chơi. Anh rể, chị ruột. Qua Mỹ từ năm 1994 theo diện H.O, nhưng vì tuổi tác đã cao nên anh chị tôi quyết định chỉ nhận thẻ xanh thường trú mà không thi nhập quốc tịch. Thành ra Bảy (tên gọi theo thứ), con của anh chị có quốc tịch Mỹ đứng ra làm thủ tục bảo lãnh cho tôi. Thực tình mà nói, tôi rất khoái kiểu đi này. Tôi một lần đi Liên Xô khi quốc gia này chưa tan rã và hai lần đi Trung Quốc, trong đó một lần bằng con đường du lịch lữ hành khá thú vị. Kinh nghiệm cho biết, là một nhà văn thì chuyến đi có đôi chút “bụi bặm” bao giờ cũng đem lại nhiều hứng thú hơn khi được là thành viên của một đoàn mang danh nghĩa nhà nước – một cuộc thăm viếng hữu nghị giữa hai tổ chức quần chúng chẳng hạn, ở đó, bởi nhiều lý do, bạn thường chỉ được nghe những lời chúc tụng xã giao, đôi khi khách sáo. Nhưng cho dù như thế thì vẫn còn hơn là chẳng có cơ hội đi đâu, huống hồ nơi đó lại là nước Mỹ.
Vé máy bay của tôi đặt trước hai mươi ngày. Dò trên mạng, có rất nhiều hãng hàng không chào mời: VIETNAM AIRLINES, AIR FRANCE, KOREAN AIR, CHINA AIRLINES, UNITED AIRLINES… Thú thật, thoạt đầu tôi rất khoái KOREAN AIR vì nghe nói trên các chuyến bay của họ có tiếp viên biết nói tiếng Việt, lại được quá cảnh Seoul 8 tiếng đồng hồ cho khách đi tham quan thành phố, trước khi vượt Thái Bình Dương. Cái “bất tiện” của đường bay này là khi đến Los Angeles còn phải chuyển qua hai chặng máy bay nội địa nữa, mà những người mới đi Mỹ lần đầu như tôi đều rất ngại kiểu di chuyển như vậy. Cuối cùng tôi chọn UNITED AIRLINES, vì khi đến Mỹ tại San Francisco chỉ phải qua một chặng máy bay nữa là đến Saint Louis, thành phố nơi anh chị tôi ở. Và còn một lý do khác không kém phần quan trọng: Giá vé của hãng UNITED vào thời điểm đó “mềm” hơn hãng KOREAN đến những 300 đô…
Tôi khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8 tháng 9, trên chuyến bay mang số hiệu UA862, phải quá cảnh tại Hồng Kông. Mới 4 giờ sáng, vợ chồng Việt và người em cột chèo bên vợ đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Vợ chồng Việt còn vô tận phòng làm thủ tục, giúp tôi lấy vé chính thức. Tất cả êm xuôi. Trước khi bước qua cổng kiểm tra an ninh, Việt dúi vào tay tôi quyển “Sư Tử Tuyết Bờm Xanh” tập truyện cổ Phật giáo Tây Tạng, nói là để đọc trên máy bay đỡ buồn chán. Thế là bắt đầu từ đây chung quanh tôi không còn ai là người thân. Tôi phải tự thân vận động một mình…
*
Máy bay hạ cánh xuống phi trường San Francisco lúc giữa trưa. Đường băng nằm bên vịnh biển ăn sâu vào đất liền, dọc theo bờ vịnh có nhiều chiếc cầu nhỏ vươn ra trên mặt nước. Có thể nhìn thấy bờ bên kia thấp thoáng những mái nhà màu vàng nhạt ẩn trong cây xanh. San Francisco theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Thánh Phanxico”. Thành phố nằm trên mũi của bán đảo cùng tên, là đô thị đông dân thứ 4 ở tiểu bang California và là đô thị đông dân thứ 14 ở Hoa Kỳ. Từng bị tàn phá trong động đất và hỏa hoạn năm 1906, San Francisco sau đó nhanh chóng được xây dựng lại. Từ lâu người ta biết đến nơi đây có các địa danh nổi tiếng như: Cầu Cổng Vàng (Golden Gate), đảo Alcatraz, xe điện cáp, tháp Coit, China town… Phi trường San Francisco cách trung tâm thành phố chừng 13 dặm (21km) về phía nam, khá rộng, do ít bị các cao ốc che chắn nên thoạt nhìn hơi có phần trần trụi, hoang vắng…
Sau khi gửi lại hành lý, tôi lang thang theo chân mấy hành khách đi tìm cửa làm thủ tục check in. Đúng như dự đoán ở nhà, đến chặng tăng-bo sang đường bay nội địa là gặp ngay rắc rối. Cái tấm vé từ San Francisco đến Saint Louis tôi nhận được tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất có những khoảng trống thiếu thông tin. Nó không cho biết cửa đi Saint Louis rẽ lối nào. Cầm tấm vé chen giữa đám người xa lạ, hết rẽ trái rồi rẽ phải, tới khi ngờ ngợ… nhận ra mình lạc đường, tôi đành quay lại. Biết hỏi ai bây giờ? Những người Việt cùng chuyến với tôi chẳng còn ai – vừa tới ga đầu tiên trên đất Mỹ họ đã nhanh chóng tỏa hết về các ngả… Chợt phát hiện phía trước ba nữ tiếp viên hàng không mặc đồng phục, đầu đội bê-rê, tay dắt túi xách kéo, tất cả đen tuyền, đang đi tới. Chờ ba cô đến gần, tôi chìa tấm vé của mình ra.
“Help me…”, tôi nói.
Họ dừng bước. Một cô mắt xanh trong bọn đón tấm vé trên tay tôi.
“Ô… ô…”, cô ta thốt lên vẻ ngạc nhiên.
Quay sang nói nhỏ gì đấy với bạn, rồi trao túi xách kéo của mình cho họ, cô mắt xanh ra hiệu cho tôi theo sau. Cô ta dẫn tôi đi ngược lại hướng ba cô vừa đi một đoạn xa rồi đột ngột rẽ trái – đúng cái ngách rẽ lúc nãy tôi bỏ qua – đến đầu một cầu thang cuốn dẫn xuống tầng dưới. Gặp hai bà khách người Mỹ tuổi sồn sồn cũng vừa đến đó, và chỉ sau vài câu trao đổi, chắc là do công việc thúc bách, cô mắt xanh chóng vánh “bán cái” tôi cho hai bà nọ đưa đi tiếp. Vội vàng đến mức khi tôi vừa “Thank you” thì cô ta đã mất hút vào đám đông, chỉ một cánh tay là còn giơ lên vẫy vẫy thay lời chào…
Hai bà người Mỹ và tôi được cầu thang đưa xuống tầng trệt, tiếp cận với dãy hành lang dài có nhiều ngã rẽ. Hai bà đi trước, chốc chốc nghiêng mặt ngó lại, ý chừng sợ tôi lạc mất. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng tôi cũng biết cách làm cho hai bà bớt lo lắng bằng việc không để mình tụt lại quá xa. Rồi cũng tới được nơi cần tới… Tôi nhận ra điều ấy khi hai bà người Mỹ dừng bước chỉ cho thấy một bảng điện tử lớn đặt tại phòng chờ, trên đó nổi lên dòng chữ: To St Louis… Lúc từ biệt để quay trở lại đường đi của mình, hai bà người Mỹ vồn vã bắt tay tôi. Tôi nói “Thank you”, hai bà cũng “Thank you”… Sao vậy? Những phụ nữ tốt bụng dù ở đâu cũng không khó nhận ra. Và tôi đồ rằng đó là cách để hai bà thổ lộ niềm vui của mình khi có được cơ hội giúp đỡ người khác…
Bây giờ, việc còn lại của tôi là chờ đợi. Tôi thở phào chọn cho mình một chỗ ngồi tại phòng chờ và bắt đầu nghĩ tới cái điểm đến có hậu lúc cả gia đình anh chị tôi ra đón… Nhưng cuộc đời vốn không đơn giản. Máy bay cất cánh, rồi từ từ hạ cánh… Tôi loáng thoáng nhận ra dưới kia một Saint Louis rợp trong cây xanh và ít nhà cao tầng. Phía xa, ngay bên rìa cánh bay là dòng Mississippi uốn lượn mềm mại hơn mọi tuởng tượng của tôi, khi trong sử sách nó được ghi danh là con sông hung dữ nhất của nước Mỹ. Mấy phút sau tôi rời máy bay đến thẳng khu vực băng chuyền rồi nhanh chóng cùng với chiếc xe đẩy đưa hành lý lách qua hai cánh cửa khép mở tự động, nhằm tới cái khoảng trống phía bên kia một nhà hầm để xe. Hoá ra tại đây có một trạm xe bus. Đã cuối ngày, dăm ba hành khách vẻ thờ ơ đứng đón xe bên vệ đường. Nhưng tuyệt nhiên vắng bóng những người tôi chờ đợi…
Phi trường Saint Louis |
Ở Nha Trang tôi chơi thân một ông bạn già giỏi tiếng Anh vốn là luật sư dưới chế độ cũ. Ông có hai đời vợ. Bà vợ trước đẹp nổi tiếng thành phố biển, sau khi sinh liền cho ông bốn người con, cả trai lẫn gái, tự dưng chê chồng “cù lần” bèn bỏ ông đi lấy một MP Mỹ nhỏ hơn bà 5 tuổi, rồi dắt nhau qua Mỹ sống. Sau giải phóng ít lâu, người con trai lớn của ông bạn tôi vượt biên sang Mỹ gặp mẹ, ở đó anh ta làm ăn phát đạt, trở thành ông chủ một tiệm Nails. Bà vợ trước bạn tôi tuy bạc tình, nhưng anh con lại rất hiếu để với cha. Anh bỏ ra một số tiền lớn để làm thủ tục bảo lãnh đưa cha và người mẹ kế sang Mỹ… Tại xứ người ông bạn tôi được nhận thẻ xanh và hưởng lương trợ cấp người già, nhưng ở chưa tới 3 tháng bỗng ông “trở chứng”, một hai đòi về nước. Ông bảo người già bên đó chẳng thiếu thứ gì, chỉ niềm vui quá hiếm hoi… Về tới Nha Trang, nghe tôi sắp một mình dấn thân đi Mỹ, ông gọi điện và mò đến tận nhà đưa cho một phong bì dán kín.
“Anh bỏ thứ gì trong đó?”, tôi hỏi.
“Bảo bối”, ông bạn cười. “Có điều phải đến Mỹ mới được mở ra. Khi nào anh thấy cần một lời khuyên…”
Thì đã sao, cứ coi như đó là chút đùa giỡn của ông bạn già. Tôi vui vẻ bỏ chiếc phong bì vào ngăn trong của túi xách rồi quên bẵng. ấy vậy mà bây giờ, khi một mình bơ vơ bên cái trạm đón xe bus này, nó lại đột ngột hiện về trong trí nhớ của tôi… Tôi bèn lục túi lấy chiếc phong bì và mở nó ra như lời ông bạn dặn. Thật lạ, “Bảo bối” chính là một tờ giấy vở tập kẻ ô, trên đó ghi những lời thỉnh cầu bằng song ngữ Anh-Việt, đại loại như: xin chỉ giúp tôi quầy làm thủ tục check in cho chuyến bay…; xin chỉ giúp tôi cửa lên máy bay ở đâu…; xin cho tôi nước uống (chọn loại mình thích)…; vân vân… Nghĩa là đủ cả, nhưng có một thứ tôi rất cần lúc này là chiếc điện thoại để liên lạc thì… Trời đất! nó cũng có ở đây rồi: Please let me borrowed cell phone to call… Thank you! (Xin làm ơn cho tôi mượn điện thoại gọi về…).
Tôi gấp tờ giấy chừa lại mấy dòng chữ trên toan tính đem đi hỏi những người chung quanh. Đầu tiên là hai nữ cảnh sát da đen đứng ở đầu trạm trông rất oai vệ với máy bộ đàm và chiếc còng số 8 sáng loáng nơi thắt lưng, họ đang làm nhiệm vụ, nên tôi bỏ qua. Tiếp theo là anh chàng da trắng dáng voi tượng liên tục nhúc nhắc chiếc cằm theo điệu nhạc phát ra từ hai chiếc phone gắn ở tai, vừa nhìn thấy tờ giấy tôi đưa đến, “con voi” lập tức nhún vai từ chối. Rồi đến lượt một ông râu xồm ngay cạnh đấy, nhưng ông này không hiểu vì lý do gì không mang theo điện thoại, đành ngửa hai bàn tay trắng của mình ra phân bua. Đúng lúc một chiếc xe con ghé lại trạm, chắc ai đó đón người nhà. Từ trên xe bước xuống một bà tóc nâu, và lạ thay, cái vật đầu tiên bà chạm tới lúc ấy chính là tờ “bảo bối” của tôi…
“Yes, yes…” – bà tóc nâu phản ứng tức thì, chui lại vào ca-bin xe lấy chiếc điện thoại của bà đưa cho tôi.
Tôi bấm ngay số di động của Chín.
“Chín à. Cậu đây…”
Chỉ vừa có vậy, phía đầu máy bên kia bật lên tiếng reo đến lạc giọng của Chín.
“úi trời… cậu ơi! Cậu đang ở đâu?… Cả nhà ra sân bay đón cậu suốt từ chiều tới giờ mà không thấy! Cậu đứng chỗ nào?”
“Đã ra đến cái trạm đón xe bus rồi…”
“Thôi chết cậu ơi! Từ nhà ga ra bên ngoài chỉ thẳng một đường, đâu có cái trạm xe bus nào… Hay là cậu xuống lộn sân bay nào khác hở cậu?”
“Cái thằng! Vé máy bay của cậu còn đây, To St Louis… sao mà xuống lộn chỗ khác được. Thôi để cậu kêu taxi…”
“Khoan khoan cậu ơi! Xin cậu đừng tắt máy… Cậu mà taxi thì con chết với ông bà già… Cứ đứng yên đấy nghe cậu… Con tới liền nè…”
Chín hổn hển, vội vàng. Thực ra từ chỗ Chín đến cái trạm đón xe bus nơi tôi đứng, không xa lắm. Mấy phút sau, chắc là đã có người mách bảo, tôi thấy Chín nhảy bổ ra từ phía nhà hầm để xe, nhào tới ôm lấy tôi. Đã đến lúc phải gửi trả điện thoại cho bà tóc nâu, tôi “Thank you” và nhờ Chín nói ít lời cảm tạ tận đáy lòng… Sau đó Chín bảo rằng cái lối ra tôi chọn vừa nãy là một thứ “cửa sau” của sân bay, chỉ những “thổ địa” cần đón xe bus mới biết. Cửa trước nằm ở hướng ngược lại… Dẫu sao thì để đến được đây, tôi phải cảm ơn những phụ nữ Mỹ rất nhiều – những cô, những bà tôi gặp một lần ở nhà ga San Francisco và Saint Louis thật phúc hậu và có tấm lòng rộng mở… Nước Mỹ đã không thể vượt qua cuộc chiến ở Việt Nam như họ mong muốn, có thể cũng không vượt qua nổi cái ấy ở Afghanistan, nhưng giá như nước Mỹ là những người đàn bà như tôi từng gặp, ắt hẳn họ còn được nhiều hơn những gì đã có!
Rốt cuộc rồi chúng tôi cũng gặp nhau nơi cửa trước nhà ga. Gần đủ mặt: Anh chị Ba cùng vợ chồng Chín và bé gái Êmily Hồng Anh, Bảy- người bảo lãnh cho tôi- và hai con của Sáu đang tuổi đi học. Chỉ thiếu Loan, con gái thứ ba của anh chị , vợ chồng Triết cùng hai đứa nhỏ, Sáu và vợ…, chắc chúng nó còn bận đi làm. Vừa gặp, chị Ba liền chụp hai bàn tay của mình lên má tôi như thể với đứa em nhỏ dại nào ngày xa xưa. Chị bảo tóc tôi bạc nhiều… Nhưng anh Ba thì hào hứng rút máy ảnh từ trong túi ra.
“Mời tất cả đứng vô chụp chung pô hình kỷ niệm ngày cậu đến Mỹ!”
Ngày tôi đến Mỹ đất trời Saint Louis cũng vừa chớm thu…
Nhà văn Cao Duy Thảo
Leave a Reply