[Chuyện hay] Buổi chiều bên hồ Michigan
Hồ Michigan bao la như biển cả, chẳng thể nào nhìn thấy được bờ bên kia, chỉ thấy một đường chân trời tít tắp. Tôi đã từng đi dạo bên bờ hồ Michigan ở Chicago và niềm rung động trước cảnh tượng kì vĩ của mặt hồ thì vẫn chẳng hề thay đổi. Tôi không biết có bao nhiêu bang và bao nhiêu thành phố của nước Mỹ nằm bên hồ Michigan và tôi tự hỏi đứng từ đây, Milwaukee, thì bờ bên kia sẽ là thành phố nào. Tôi ngắm nhìn những chú chim hải âu dang rộng đôi cánh lớn lướt mình trên không. Bỗng dưng tôi muốn được hóa thành chú chim kia, tôi sẽ bay vút lên bầu trời cao xanh kia, bay qua những đám mây bồng bềnh kia, tôi sẽ bay mãi đến tận bờ bên kia để cảm nhận được hồ Michigan rộng lớn đến nhường nào. Quay lại nhìn vào trong, tôi bắt gặp mình đứng trước một màu xanh bát ngát của những thảm cỏ công viên Veterans Park.
Bên hồ Michigan |
Đứng giữa bãi cỏ xanh tươi ấy, những cái cây cao to lừng lững bỗng thấy mình như một cây nấm lùn trơ trọi. Xa xa, những tòa nhà cao tầng hiếm hoi cố ngoi lên một cách vô vọng khỏi cái bụi cây khổng lồ ngăn cách công viên khỏi cái thế giới văn minh ồn ào ngoài kia. Trong cái thế giới kì lạ này, mọi thứ đều trở nên chậm chạp và lười nhác. Những đám mây trắng đủ mọi hình thù cứ uể oải trôi đi như thể đang trong một cuộc thi xem đám mây nào về đích chậm nhất. Xa xa, một con tàu lớn như thể đứng yên trên mặt hồ chẳng hề di chuyển. Những chú chim hải âu chẳng buồn vỗ cánh, cứ để mặc mình lướt đi trong không trung. Con người cũng không phải là ngoại lệ trong cái thế giới này. Một người đàn ông to béo nằm sấp trên bàn sưởi nắng, im lìm bất động như đang say ngủ khiến ai đi qua cũng phải trộm nhìn. Một đôi tình nhân nằm trên thảm cỏ hôn nhau say sưa đến nỗi một trận mưa rào đổ xuống có lẽ cũng chẳng làm ngắt quãng được nụ hôn dài bất tận ấy.
Trên con đường tôi rảo bước, hai người đàn ông trung niên thư giãn vừa nằm vừa đạp xe trên những chiếc xe đạp nằm ngộ nghĩnh. Một người đàn bà dáng vẻ kiêu kì chậm rãi dắt chú chó của mình dạo bước. Một cặp vợ chồng người Mễ ngồi trên hai chiếc ghế, loại ghế gấp có thể mang theo đi khắp nơi, vừa ngắm hồ Michigan vừa nắm tay nhau, kệ cho hai đứa trẻ loay hoay chơi với những chiếc diều. Khung cảnh ấy khiến tôi cảm thấy mình như lạc vào chốn thần tiên, một nơi hư ảo không có thực, một nơi khiến cho lòng tôi phẳng lặng, quên hết mọi ưu phiền của cuộc đời.
Trong cái thế giới này, chẳng hề có niềm vui hay nỗi buồn, tất cả đều chìm đắm trong một niềm hạnh phúc mơ màng của sự yên bình, tĩnh lặng…
Đài tưởng niệm những cựu chiến binh Việt Nam của Wisconsin |
Để cho những bước chân dẫn đường, tôi mải mê suy nghĩ cho đến khi bỗng sực tỉnh bắt gặp mình đang đứng trước ba ngọn tháp cao sừng sững bằng đá cẩm thạch. Tôi tò mò hỏi một người đàn ông lớn tuổi đứng gần đó:
– Xin lỗi ông, những thứ này có ý nghĩa gì vậy?
– Ồ cậu không biết ư, đây là đài tưởng niệm những cựu chiến binh Việt Nam của Wisconsin. Ba ngọn tháp này tượng trưng
cho ba nhóm: những người đã tham gia cuộc chiến, những người đã chết và những người còn mất tích.
Mà này, cậu là người Việt đúng không?
– Phải. Ông giỏi thật đấy, mọi người toàn nhầm tôi là người Trung Quốc.
– Ồ, tôi từng ở Việt Nam một thời gian dài mà, từ 1965 đến 1975. Lúc đầu, tôi tham chiến, sau đó làm phóng viên.
Gặp người Việt là tôi biết ngay. Cậu sinh ra ở Mĩ hay mới sang đây thôi?
– Tôi mới sang đây hai năm thôi. Tôi sang du học ở đây.
– À, tôi là James O’Brien, cứ gọi là James. Rất vui được gặp cậu.
– Tôi là Kiên, K-I-E-N. Rất vui được gặp ông.
– À há, tên cậu có nghĩa là sự kiên trì đúng không?
– Ồ, ông giỏi một cách đáng kinh ngạc đấy.
James cười sảng khoái: Như vậy là tôi vẫn còn nhớ chút tiếng Việt.
Cách nói chuyện của ông khiến cho tôi cảm thấy thoải mái. Thế mà mới trước đó, khi ông giới thiệu mình từng tham chiến ở Việt Nam, một ý nghĩ khủng khiếp đã vụt qua tâm trí khiến tôi rùng mình: ông đã từng cầm súng giết hại những người đồng bào của tôi. Sự cởi mở và thân thiện của ông đã nhanh chóng xua đi cảm giác ấy. James chỉ xuống dưới đất:
– Nhìn này, mỗi viên gạch này khắc tên những người tham chiến, chức vụ, đơn vị và khoảng thời gian họ ở Việt Nam.
Tôi nhìn từng viên gạch. Một cảm xúc khó tả tìm đến với tôi khi từng cái tên lướt qua trong tâm trí: Bob Janicek, Gary Johnson, Raymond Parry, Michael Cieszki,… Tôi cảm thấy tiếc nuối một điều gì đó mà không hiểu tại sao.
– Đây là viên gạch của tôi: “James O’Brien PFC USMC 1965-1966″
– Còn đây là người bạn thân nhất của tôi trong đơn vị: “Thomas Mueller PFC USMC 1965-1965″
Tôi hơi ngờ ngợ khi nhìn mốc thời gian và quả thật tôi đã đúng. James nói tiếp:
– Cậu ấy đã chết. Khuôn mặt ông đang từ vui vẻ bỗng trở nên xúc động và đôi mắt thì rưng rưng.
– Thời gian trôi nhanh quá. Ngày đó chúng tôi còn rất trẻ. Ngày đầu tiên ở đơn vị, ai nấy đều giống những đứa trẻ
ngày đầu tiên đến trường háo hức hỏi nhau từ đâu đến. Người thì từ Alabama, người thì từ Oregon, rồi South Carolina,…
Khi Tom hỏi tôi, tôi trả lời là từ Wisconsin. Cậu ấy mừng rỡ bảo cũng đến từ Wisconsin.
Từ đó chúng tôi trở thành hai người bạn thân.
Những kỉ niệm xưa cũ như một dòng suối tuôn trào trong tâm trí James. Đứng trước mặt tôi, dường như không còn là James với mái tóc bạc trắng và những nếp nhăn đã hằn trên đuôi mắt mà là một James trẻ trung tràn đầy ước mơ và nhiệt huyết của hơn bốn mươi năm về trước. Tôi thích thú nghe ông kể về quãng đời ông tham gia cuộc chiến ác liệt đã từng diễn ra trên đất nước của mình mà tôi chỉ biết đến qua sách vở. Thực ra, lịch sử cuộc chiến mà tôi được học hồi phổ thông ở Việt Nam chỉ là lịch sử của một phía, tôi biết người Mĩ có một lịch sử khác và những người theo phe Việt Nam Cộng hòa có một lịch sử khác về cuộc chiến ấy. Còn James O’Brien, ông có một lịch sử chiến tranh Việt Nam của riêng mình.
Tôi và Tom đã cùng nhau trải qua bao nhiêu gian khó, bao nhiêu kỉ niệm vui buồn: những lần hành quân trong cánh rừng nhiệt đới dưới cơn mưa tầm tã kéo dài đến lê thê, những lần ngồi bên nhau trên chiếc trực thăng nhìn xuống những cánh rừng xanh ngát bao la, những buổi chiều rỗi rãi ngồi tán chuyện với nhau, những ngày vào thành phố đi chơi với những cô gái Việt Nam xinh đẹp. Tom rất đẹp trai và có tài ăn nói nên các cô gái rất thích cậu ấy, và vì tôi là bạn của Tom nên các cô ấy cũng thích tôi luôn. Tom thường bảo tôi là trở về Mĩ, nhờ số tiền kiếm được trong quân ngũ, cậu ấy sẽ mua một chiếc Mustang. Nhưng cuối cùng, cậu ấy đã trở về Mĩ… trong một chiếc quan tài phủ lá cờ Tổ quốc. Thật tệ, chuyện đó xảy ra ngay trước Lễ giáng sinh, và bố mẹ cậu ấy đã phải đón giáng sinh năm ấy với thực tế nghiệt ngã rằng đứa con trai của mình đã chết khi mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu, cậu ấy còn bao tương lai và dự định đang chờ ở phía trước… Xin lỗi cậu, vì đã kể những chuyện này, không biết tôi có làm phiền cậu không?
– Không đâu. Tôi rất muốn nghe. Vậy tại sao ông lại tham gia vào cuộc chiến ấy?
– Có nhiều lí do. Thứ nhất, Tổ quốc gọi và chúng tôi đáp lại. Ngày ấy, một người tới Việt Nam được coi như một người đàn ông dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Có chất anh hùng và lãng mạn trong hành động đó. Những lời nói của tổng thống Kennedy đã cổ vũ tôi rất nhiều: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Thứ hai, tôi nghĩ đến hình ảnh khi kết thúc chiến tranh, mình sẽ trở về với những chiếc huân chương rực rỡ, trong sự khâm phục của mọi người, giống hình ảnh của những người lính đã tham gia vào Thế chiến thứ hai.
Nhưng mọi thứ đã không như tôi nghĩ, sau này những cựu binh Việt Nam bị xã hội kì thị khủng khiếp, họ coi chúng tôi là những tên sát nhân tàn sát dân thường. Thực ra, những kẻ như thế chỉ là thiểu số mà thôi. Nhưng quả thật, rất dễ giết nhầm dân thường vì chúng tôi khó có thể phân biệt được giữa họ và Việt Cộng… Tôi ít khi dám lộ ra là mình đã từng tham gia vào cuộc chiến đó. Nếu như tôi nghe lời mẹ, mọi chuyện đã khác. Mẹ tôi đã rất giận khi tôi không đi học đại học mà lại đi lính. Bà đã khóc rất nhiều vì sợ một ngày nào đó sẽ nhận được một bức thư báo tin tôi tử trận. Nhưng tôi đã nhất quyết làm theo ý của mình, cậu biết đấy, hồi đó tôi mới mười tám tuổi và rất ngang bướng.
– Ông có hối hận vì quyết định đó không?
– Không. Tôi chưa bao giờ hối hận vì bất cứ điều gì, tới Việt Nam lại càng không.
Nếu không đến đó tôi đã không gặp được Tom, không được biết đến đất nước xinh đẹp của cậu,
và nhất là, tôi sẽ không gặp được… tình yêu của đời mình. Đó là một câu chuyện dài.
Ông run run xúc động. Mắt ông hướng về phía hồ Michigan. Chúng tôi cùng tản bước về phía ấy. Ông bắt đầu kể câu chuyện tình của mình.
Sau khi Tom mất, tôi đã trải qua một quãng thời gian khó khăn. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một người trong giờ phút lâm chung, và đó lại là người bạn thân của mình. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy cái chết gần đến thế. Trước khi đến Việt Nam, tôi nghĩ đến cái chết như một điều gì đó anh hùng và thiêng liêng, nhưng từ trận chiến đó, tôi mới cảm nhận được sự đáng sợ của cái chết. Tất cả mong ước của tôi giờ chỉ còn là được sống để trở về. Và dần dần, khi nhận ra sự phi nghĩa của cuộc chiến này, mong ước đó lại càng mãnh liệt. Tôi chìm trong u uất cho đến ngày tôi gặp Hương. Sau những ngày chiến đấu căng thẳng ở tiền tuyến, đại đội Lima của chúng tôi được rút về căn cứ không quân Đà Nẵng để nghỉ ngơi. Những ngày không phải trực gác, chúng tôi được tự do đi lại trong thành phố. Hôm đó, mấy người đồng đội rủ tôi đến một quán bar có tên Blue Ocean.
Tôi đã gặp Hương ở đó. Tôi nói với cô ấy rằng mình rất buồn sau khi mất đi người bạn thân, và Hương an ủi tôi. Cô ấy có giọng nói dịu dàng khiến cho tất cả những âm thanh ồn ào xung quanh bỗng trở nên nhạt nhòa. Tôi chỉ còn nghe thấy giọng nói ngọt ngào của cô ấy. Và khi nhìn vào đôi mắt của cô ấy, tôi tưởng như đang đứng trước hồ Michigan bao la rộng lớn này, cậu biết không, một cảm giác choáng ngợp. Trong khoảnh khắc đó, dường như tôi đã nghe thấy tiếng sét ái tình. Trở về căn cứ, tôi không thể ngừng nghĩ đến cô ấy. Sau đó, tôi đến quán bar cô ấy làm bất cứ khi nào có thể được, chỉ để nhìn ngắm và trò chuyện với cô ấy. Mỗi khi nhìn thấy cô ấy cười đùa với những gã đàn ông khác, tôi cảm thấy tức điên lên được, nhưng chỉ cần cô ấy đưa ánh mắt nhìn tôi, đến bên tôi trò chuyện, tôi lại quên hết tất cả và chỉ còn cảm thấy hạnh phúc. Sau vài lần tôi rủ cô ấy đi chơi không thành, cuối cùng Hương cũng nhận lời. Lần đi chơi ấy, tôi và cô ấy đi dạo dọc đường Hùng Vương, con đường dài nhất thành phố.
Chúng tôi cùng ngắm cảnh và trò chuyện về gia đình, quê hương, mơ ước, và đủ thứ chuyện khác. Dường như tôi có thể kể mọi thứ của mình cho Hương, kể cả những bí mật sâu kín nhất. Cô ấy là người duy nhất có thể chạm đến những tầng sâu nhất của tâm hồn tôi. Tôi nhận ra rằng cả đời tôi sẽ không tìm được ai như thế nữa. Tôi quyết định phải có cô ấy bằng được. Tôi nắm tay cô ấy và nói: “Anh yêu em” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Cô ấy bất ngờ và xúc động không nói nên lời. Rồi tôi hôn cô ấy, tôi nhận ra Hương cũng cảm thấy hạnh phúc với nụ hôn ấy, nhưng rồi bỗng nhiên cô ấy dừng lại, sợ hãi và nói với tôi rằng không thể yêu tôi. Lúc đó, tôi như từ chín tầng mây rơi xuống mặt đất. Tôi hoang mang và hỏi tại sao thì cô ấy nói rằng gia đình sẽ không chấp nhận cho cô ấy đi lại với tôi, hơn nữa mọi người sẽ đàm tiếu rằng cô đến với tôi chỉ vì những đồng đô-la của tôi. Tôi bảo rằng chỉ cần có tình yêu chúng tôi sẽ vượt qua tất cả, nhưng không làm sao lay chuyển được cô ấy. Tôi thất vọng biết nhường nào nhưng không bỏ cuộc, hi vọng một ngày nào đó, cô ấy sẽ nghĩ lại. Nhưng rồi sau đó, xảy ra một biến cố khủng khiếp.
Chúng tôi phát hiện ra rằng quán bar Blue Ocean chỉ là vỏ bọc, thực chất đó chính là một ổ gián điệp của Việt Cộng. Những cô gái bar đó moi tin từ những sĩ quan và binh lính chúng tôi, thậm chí đã có một sĩ quan bị họ dụ đi và bắt cóc làm tù binh. Tôi cảm thấy đau đớn và căm hận Hương như thể cô ấy đã phản bội tôi. Tôi nghĩ phải chăng tất cả những gì giữa tôi và cô ấy hoàn toàn là giả dối, phải chăng cô ấy chỉ muốn gợi chuyện để moi tin tức tình báo từ tôi. Hương đã kịp trốn thoát. Tôi nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại cô ấy nữa. Tôi tưởng mình sẽ nhanh chóng quên được cô ấy, nhưng không, hình bóng cô ấy luôn thấp thoáng trong trái tim tôi. Tôi vừa yêu vừa hận cô ấy. Sau đó, tôi bị thương trong một trận chiến và được về nước. Tôi nhận được huân chương “Ngôi sao bạc” và “Trái tim màu tím”, nhưng điều quan trọng nhất là tôi còn sống và chỉ bị thương nhẹ. Khi về nước rồi, tôi vẫn luôn nhớ về Việt Nam và luôn mong quay trở lại đó.
Cuối cùng, năm 1969, tôi quay trở lại Việt Nam với tư cách là một phóng viên báo chí. Lần này tôi ở Sài Gòn, một thành phố rất đẹp, lúc đó được mệnh danh là Paris của phương Đông. Là phóng viên, tôi được tiếp xúc với nhiều người Việt hơn, và càng cảm thấy yêu đất nước này hơn. Càng chứng kiến cuộc chiến ác liệt, tôi lại càng cảm thấy đau xót cho những người Việt và người Mĩ đã phải đổ máu. Họ không đáng phải như thế. Cuộc chiến này không đúng. Tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Tôi đã gặp một bà mẹ, có một đứa con tập kết ra Bắc từ năm 54 trở thành lính cho miền Bắc Việt Nam của ông Hồ Chí Minh, và một đứa con bị bắt làm lính cho quân đội miền Nam Việt Nam. Và bà mẹ luôn bị ám ảnh rằng có thể một ngày nào đó, hai đứa con của mình sẽ giết chết nhau trên chiến trường. Thời gian trôi đi, công việc choán lấy hết tâm trí của tôi, nhưng trước mỗi giấc ngủ, hình bóng Hương lại tìm đến với tôi. Nhiều lúc đi trên đường phố Sài Gòn, thấy một dáng người thiếu nữ giông giống, tim tôi lại đập nhanh hơn khi nghĩ rằng đó có thể là Hương, để rồi thất vọng khi đến gần. Một hôm, tôi đến gặp một ông Nghị sĩ Thượng nghị viện chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông ấy giới thiệu tôi với bà Lệ Vân, vợ của ông. Khi nhìn thấy tôi, mặt bà ấy biến sắc. Bà Lệ Vân vợ ông Nghị sĩ và cô Hương ở quán bar ngày nào chỉ là một người. Tôi cố giấu sự kinh ngạc của mình và nói:
“Xin chào bà. Tôi trông bà rất quen, hay chúng ta đã gặp nhau ở đâu?”
“Không, chắc ông nhầm người đấy. Tôi chưa gặp ông bao giờ”- bà ấy nói.
Nhưng tôi chắc chắn đó là Hương dù cô ấy đã thay đổi vẻ bề ngoài khá nhiều, giọng nói của cô ấy, ánh mắt của cô ấy, tôi không thể nào nhầm được. Trong lòng tôi biết bao cảm xúc trái ngược. Vừa mừng vì gặp lại cô ấy, vừa buồn vì cô ấy đã lấy chồng, vừa tức giận khi nghĩ cô ấy đã phản bội tình cảm của tôi. Sau ngày hôm ấy, tôi không thể nào kìm được mong muốn gặp lại Hương. Tôi bắt đầu làm thân với chồng cô ấy, cung cấp những tin tức quí giá để nhận lấy cảm tình của ông ta. Nhưng Hương luôn cố tránh mặt tôi, mỗi khi gặp tôi cô ấy đều xuất hiện cùng chồng. Tôi không nản chí và cuối cùng cơ hội cũng đến. Một hôm, cô ấy cùng chồng đến một buổi dạ tiệc lớn. Có nhiều nhân vật quan trọng ở đó: thủ tướng Khiêm, đại sứ Mĩ Ellsworth Bunker, các tướng lĩnh và chính khách lưỡng viện… nhưng tôi chỉ để ý đến cô ấy. Đến buổi khiêu vũ, tôi xin phép chồng cô ấy khiêu vũ với cô ấy điệu Valse. Và thế là sau bao nhiêu năm chờ đợi, tôi lại được nắm tay cô ấy, được ở bên cô ấy gần đến thế. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cả mùi nước hoa của cô ấy hôm đó. Tôi say đắm nhìn vào đôi mắt cô ấy để thỏa nỗi nhớ bao nhiêu năm. Tôi yêu cô ấy nhưng chưa quên nỗi đau mà cô ấy đã gây ra cho tôi. Tôi bèn nhỏ nhẹ hỏi một cách mỉa mai:
“Thật ra thì cô còn bao nhiêu cái tên nữa?”
“Tôi không giấu anh nữa, James. Tên thật của tôi là Mai. Anh đã vừa ý chưa. Tại sao anh không thể buông tha cho tôi?
“Vì sao ư? Vì cô đã làm tan nát trái tim tôi. Tôi yêu cô. Tôi đã tưởng cô thật sự muốn làm bạn với tôi nhưng hóa ra cô chỉ lợi dụng tôi.”
“Vậy anh muốn gì? Trả thù tôi? Vậy hãy làm đi, hãy bảo CIA hoặc mật vụ Sài Gòn đến bắt tôi đi.”
“Không, tôi sẽ không làm thế. Tôi sẽ giữ kín mọi chuyện. Tôi chỉ muốn được nói chuyện với cô. Chúng ta có nhiều chuyện để nói.”
“Vậy… được, tôi đồng ý- đôi mắt cô ấy dịu lại- khi nào có thể, tôi sẽ báo cho anh”
Lúc ấy điệu Valse đã kết thúc. Tôi đành nuối tiếc chia tay cô ấy. Nhưng lời nói sau cùng của Hương khiến mọi hận thù của tôi tan biến:
“James, tôi thật lòng quí mến anh…”
Dù cô ấy có nói dối thì đó cũng là lời nói dối ngọt ngào nhất mà tôi từng được nghe. Một tuần sau đó, chúng tôi gặp lại nhau như đã hẹn. Chúng tôi làm như tình cờ gặp nhau trong một phòng trà nghe một cô ca sĩ rất nổi tiếng thời đó là Khánh Ly hát. Hương hỏi tôi có hiểu ý nghĩa bài hát mà cô Khánh Ly vừa hát không. Tôi trả lời là có. Đó là một bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, thời đó ở Sài Gòn ông ấy là nhạc sĩ được mến mộ nhất, và tôi cũng rất thích nghe nhạc của ông ấy. Tôi không nhớ tên bài hát nhưng nó dùng một ẩn dụ là người mẹ đau đớn khi hai đứa con của mình đánh nhau để ám chỉ tình cảnh đất nước của cậu lúc bấy giờ. Tôi bảo cô ấy rằng Trịnh Công Sơn giống như Bob Dylan của Việt Nam. Cô ấy mỉm cười bảo không, phải là Bob Dylan giống Trịnh Công Sơn của nước Mĩ mới đúng. Chúng tôi ngồi ở đó một lúc rồi tôi mời cô ấy về nhà mình để có thể nói chuyện một cách thoải mái. Ở đó, cô ấy đã kể với tôi rằng cô ấy là người của Mặt trận, cô ấy có thể hi sinh tất cả để đất nước được thống nhất. Việc cô ấy lấy người chồng đó cũng là do sứ mạng đối với Tổ quốc chứ không phải vì tình yêu.
“Vậy còn anh, em có yêu anh không?”- tôi run run nói.
“Có, em yêu anh, James ạ.”
“Làm sao để anh có thể tin em?”
Và cô ấy trao cho tôi nụ hôn say đắm, cô ấy đã trao cho tôi tất cả trong buổi tối hôm ấy. Đó là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Từ đó, chúng tôi bắt đầu bí mật gặp gỡ nhau dù không thường xuyên, chuyện đó khá nguy hiểm cho cô ấy. Cấp trên của cô ấy không hài lòng với mối quan hệ của chúng tôi nhưng cô ấy nói tôi là một nguồn tin quí giá. Chúng tôi được hưởng một hạnh phúc mong manh trong khoảng nửa năm. Sau đó, CIA bắt đầu nghi ngờ cô ấy. Tôi biết điều này qua một người bạn thân trong CIA. Mạng lưới của cô ấy bị tóm gọn nhưng CIA chưa đủ chứng cứ để kết luận cô ấy là Việt Cộng. Nhưng khi họ hỏi cô ấy đi đâu và gặp ai vào cái ngày mà cô ấy đi chuyển tài liệu cho tổ chức thì cô ấy không trả lời được. Tình thế lúc ấy vô cùng nguy cấp và tôi đã phải liều một phen. Tôi đến nói với CIA rằng cô ấy đã ở bên tôi hôm đó, rằng chúng tôi yêu nhau mà cô ấy lại có chồng nên phải lén lút gặp nhau, rằng chuyện này mà vỡ lở ra thì cô ấy sẽ không còn mặt mũi nào để sống trên đời này nữa nên cô ấy không thể nói được. Nhờ ơn Chúa, họ đã tin lời tôi.
Họ nghĩ không có lí do gì để một người yêu nước như tôi, một người từng hai năm lăn lộn trong rừng săn lùng Việt Cộng lại bao che cho một Việt Cộng cả. Cô ấy thoát vụ đó nhưng không thể tiếp tục công việc của mình được nữa, và chồng cô ấy thì cấm tôi bén mảng đến gần cô ấy. Cô ấy bị giam lỏng trong nhà và cũng không có ý định chạy trốn vì cho rằng mình có lỗi với người chồng và đó là cái giá mà cô xứng đáng phải trả. Chúng tôi lại chịu cảnh chia cách trong một thời gian dài. Sau đó, ngày 30/4/1975, như cậu đã biết, Sài Gòn thất thủ. Những người Cộng Sản đã thống nhất được Việt Nam. Chồng cô ấy chạy sang Mĩ còn cô ấy ở lại Việt Nam. Tôi ở lại cùng cô ấy. Chúng tôi lại được hạnh phúc bên nhau, quên đi đất trời đang rầm rầm rung chuyển ngoài kia.
Nhưng chẳng được bao lâu, lại một lần nữa, chúng tôi lại phải li biệt. Người nước ngoài khi đó bị buộc phải rời khỏi Việt Nam. Tôi trở về Mĩ với hi vọng sẽ sớm quay lại khi Việt Nam ổn định. Nhưng rồi, một năm, hai năm, ba năm, đường tới Việt Nam vẫn mịt mù đối với người Mĩ. Tôi chỉ có thể gửi thư cho cô ấy nhưng chẳng nhận được hồi âm. Về sau tôi biết rằng những bức thư của tôi càng làm hại cô ấy. Họ nghi ngờ rằng cô ấy là gián điệp của Mĩ, và cô ấy đã có một cuộc sống rất khó khăn. Không ai biết rằng cô ấy từng là điệp viên của Mặt trận giải phóng miền Nam, một người Cộng sản trung kiên, một người đã bao lần đối mặt với cái chết vì sự nghiệp thống nhất Việt Nam. Cấp trên của cô ấy, người duy nhất biết điều đó ngoài tôi ra, đã chết trong nhà tù Côn Đảo, và chính cô ấy cũng không muốn tiết lộ thân phận thực của mình. Hai năm sau, cô ấy chết vì bệnh viêm phổi. Đó là tất cả những gì tôi có thể kể.
James lặng đi, đôi mắt ông rưng rưng xúc động. Chúng tôi vẩn vơ mỗi người một dòng suy nghĩ khác nhau. Trước mắt chúng tôi là hồ Michigan bao la như biển cả. Một cánh chim hải âu nghiêng mình chao liệng trên không trung. Và những cơn gió từ hồ Michigan thổi vào như xoa dịu những nỗi đau mà tôi và người đàn ông có cuộc đời kì lạ kia đang mang trong lòng. Tôi nghe trong gió như có tiếng hát của tam ca Peter, Paul, Mary:
“The answer, my friend, is blowing in the wind
The answer is blowing in the wind… “
Leave a Reply