Chiêm ngưỡng những bức đá hoa cương ở Bức tường Chiến tranh
Thời gian đã chứng kiến nhiều du khách nối nhau đến thăm bức tường, nhìn những tấm đá hoa cương ghi tên những người lính tử trận, thấy cả bóng mình và đất trời trong đó. Có thể ai đấy đang suy ngẫm về những gì đã mất, tự hỏi mình đã làm gì hôm nay và cho tương lai, để quá khứ chiến tranh vô nghĩa, bi thảm và đau thương không còn đeo đuổi.
Vào một ngày cuối tháng Năm, tôi hòa theo dòng người trên Quảng trường Quốc gia Washington DC (National Washington DC Mall) xem Ngày Tưởng niệm (Memorial Day – giống như ngày 27-7 của ta). Gọi là Quảng trường nhưng thật ra là một khu công viên rộng hơn một triệu m2, bao gồm khu viện bảo tàng nổi tiếng Smithsonian với các tác phẩm hội họa qua mọi thời đại và những bộ sưu tầm quý hiếm của nhiều dân tộc trên thế giới.
Nơi đây, hàng triệu người Mỹ từng tụ họp biểu tình chống chiến tranh Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước. Đài tưởng niệm Đại chiến Thế giới II, Chiến tranh Triều tiên hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam như những điểm nhấn lịch sử ghi lại các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đã tham chiến.
Du khách, nếu là người Việt Nam đến Thủ đô Washington DC nhất định phải đến thăm Bức tường Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Wall). Được xây dựng với 9 triệu đô-la, do các tổ chức nhân đạo, cựu chiến binh và tư nhân đóng góp tự nguyện, bức tường do cô Maya Ying Lin, sinh viên kiến trúc trẻ người Mỹ gốc Hoa thiết kế.
Năm 1981, Ying Lin đã thắng trong cuộc thi tài với hơn một nghìn bức mẫu khác khi cô mới 21 tuổi. Chỉ cao so với mặt đất vài mét, bức tường dài 75m gồm 72 tấm đá hoa cương đen quý hiếm chuyển từ xứ Bangalore (Ấn Độ) ghép lại, tấm thấp nhất 20cm, cao nhất 3m, được đánh số thứ tự rất khoa học. Họ tên của hơn 58 ngàn lính Mỹ tử trận tại cuộc chiến tranh Việt Nam được khắc lên đá hoa cương.
Đứng cạnh bức tường ta thấy thiên nhiên cây cỏ như rừng nhiệt đới, tháp bút Washington xa xa và chính bóng mình ẩn hiện trong những tấm đá hoa cương, tựa như đang đứng trước tấm gương để suy ngẫm về quá khứ, ngắm nhìn hiện tại và nghĩ đến tương lai. Sự thâm trầm của văn hóa phương Đông pha trộn kiến trúc hiện đại phương Tây và ý nghĩa thầm lặng của những họ tên khắc trên đó giúp cho bức tường có tiếng nói riêng của mình. Xây xong năm 1982, bức tường trở nên có sức hấp dẫn lạ thường với khoảng 3 triệu du khách đến thăm hàng năm.
Đến những địa điểm khác trong Quảng trường, du khách hồ hởi vui vẻ, thích thú vì sự diễm lệ và phong phú của tượng đài. Tuy nhiên, khi đến Bức tường Chiến tranh Việt Nam, tự nhiên ai cũng thấy chững lại, lặng lẽ, không ai nói một lời.
Những cựu chiến binh Mỹ với giày xăng đá, mặc quần áo da, đeo kính đen, râu ria dữ rằn, đi mô-tô Harley Davidson nghìn phân khối hùng hổ là thế nhưng khi vào đến đây đều cúi đầu, rón rén bước nhẹ nhàng. Có người gục đầu vào tường, vài người khác thầm lau nước mắt, để lại bông hoa nhỏ dưới tên một người lính.
Phải chăng họ xót thương cho tuổi trẻ bạn bè họ vĩnh viễn dừng lại, hay họ đang day dứt vì những việc đã làm. Đây đó, một phụ nữ cùng đứa con nhỏ đang dùng bút chì chà trên tờ giấy trắng để lấy mẫu tên người đã khuất trên mặt đá.
Tôi chợt nhìn phiến đá số 22W, dòng 30 ghi tên Leo Roger Asselin. Tra lại với hồ sơ lưu trữ trên internet kiosk gần đó thấy ghi những dòng thông tin: Đơn vị: Sư đoàn Bộ binh số 11; Ngày sang Việt Nam: 10/4/1969; Ngày tử trận: 12/6/1969; Số năm phục vụ: 0; Lý do: đạn bộ binh của đối phương; Xác: có tìm thấy; Nơi xảy ra: Quảng Ngãi. Leo Roger chết lúc 19 tuổi, khi xung trận mới được hai tháng. Trong tôi chợt xô đẩy những kỷ niệm chiến tranh 40 năm về trước.
Mùa hè năm 1967, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra cả miền bắc và vùng Ninh Bình quê tôi ngày nào cũng bị vài trận bom ném xuống. Chúng tôi đến trường với mũ rơm để tránh bom đạn Mỹ.
Những thanh niên trai tráng ở làng quê lớn lên đều đi bộ đội. Anh trai tôi đã bỏ học vì anh bảo: “Trước sau gì anh cũng đi bộ đội. Ở nhà ngày nào giúp được bố mẹ ngày ấy”. Anh tôi khá điển trai, hát hay lại thích thơ ca. Trong xóm, người ta đùa gán ghép cho anh với một cô bé xinh xinh cùng tuổi. Đi trong làng, hai người nhìn thấy nhau là tránh mặt vì ngượng.
Một ngày cuối năm 1968, đi học về tôi thấy mẹ khóc. Hỏi mẹ mới biết anh trai tôi xung phong đi bộ đội cùng với 12 thanh niên độ tuổi 17-18 trong xóm và được lệnh triệu tập lên huyện. Mười sáu tuổi, tôi còn quá trẻ để hiểu những chuyện chẳng lành trong chiến tranh.
Ngày tiễn anh và trai tráng trong làng ra trận, cả xã tập trung để động viên. Mấy chị lớn tuổi thi nhau trêu chọc anh tôi với cô bé hàng xóm, thách hai người bắt tay nhau. Cả hai mặt đỏ tía tai tìm cách lảng tránh. Một lúc sau, thật bất ngờ, cô ấy tiến lại và giơ tay cho anh bắt. Có lẽ linh cảm được lần chia tay ấy nên trái tim người thiếu nữ rung động, muốn được cầm tay người lính trẻ trước lúc đi xa. Đấy là lần đầu tiên anh ấy nắm tay một người con gái và cũng là lần cuối trong đời.
Anh tôi lên đường, mấy tháng đầu tiên đều có thư đều đặn. Vài tuần lại một lá khá dài, với vẻ phấn chấn được ra trận như những người lính trong thơ ca hay tiểu thuyết. Nhưng càng vào sâu miền trung, chiến tranh càng khốc liệt, thư càng ngắn dần đi. Có thư anh chỉ viết một câu: “Hôm qua đơn vị con bị oanh tạc, con vẫn còn sống”.
Lá thư cuối cùng viết tháng 2/1969 gửi từ Quảng Bình, có lẽ trước khi vào nam. Vài dòng ngắn gọn chúc bố mẹ mạnh khỏe và không quên gửi lời thăm cô bé nhà bên. Bố tôi cứ lặng lẽ xem mãi bức thư ngắn ngủi. Ông lật đi lật lại, giở cả mặt trong phong bì ra xem có gì thêm. Thật bất ngờ, anh tôi viết bằng bút chì mờ mờ phía trong: “Bố mẹ nhớ cho em con học giỏi để học tiếp lên đại học”.
Nhiều năm sau, tôi mới hiểu sự khốc liệt của chiến tranh. Khi đứng giáp ranh cái chết, con người ta thấy cuộc sống đáng quý biết bao nhiêu. Cũng từ đó, không bao giờ cả nhà tôi nhận được thêm thư từ của anh nữa. Đến giữa năm 1970, gia đình tôi nhận được tin sét đánh. Giấy báo tử ghi anh tôi “Đã hy sinh tại mặt trận phía nam năm 1969″, không nói rõ ngày tháng nào, ở đâu hay địa chỉ nơi chôn cất. Khi ấy anh mới 19 tuổi.
Những năm tháng nghiệt ngã ấy, đất nước phải cầm súng nhưng không quên gửi những thanh niên ưu tú khác đi đào tạo, chuẩn bị cho tương lai. Nhiều người bạn tôi đã lên đường du học. Đau buồn, nhưng nhớ lời anh trai dặn, tôi gắng học cho tốt. Tôi đã may mắn đỗ đại học và được chọn đi học nước ngoài.
Sau bao nhiêu năm bôn ba với những thăng trầm của thời cuộc, hôm nay tôi đứng đây dưới chân Bức tường Chiến tranh Việt Nam ở Thủ đô Washington, điều mà bốn mươi năm trước tôi không hề nghĩ đến. Khi ấy chỉ nghĩ đến tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, bom rít và tiếng pháo cao xạ nổ xé tai.
Người lính Mỹ Leo Roger và anh tôi dừng lại mãi mãi ở tuổi 19 với số phận trên chiến trường vài tháng ngắn ngủi như nhau. Khác chăng là tư thế của hai người lính. Có ai đó trên bức tường này đã nhằm bắn anh tôi, hay chính anh ra tay trước khi nhìn thấy Roger hoặc cả hai cùng nhấn cò súng. Trong chiến tranh mọi điều đều có thể xảy ra.
Cũng rất có thể, bà mẹ Roger đã khóc và linh cảm giống như mẹ tôi khi tiễn con đi chiến trường. Biết đâu, anh tân binh Roger cũng được cầm tay cô bạn gái cùng lớp như anh trai tôi, được mấy giây “tay trong tay” với cô bạn trong xóm trước ngày ra trận để rồi không bao giờ biết được tình yêu đôi lứa. Bức tường đá hoa cương ghi 58 nghìn tên tuổi với 58 nghìn số phận khác nhau, âm thầm nói lên những khắc nghiệt và khốc liệt của chiến tranh.
Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa ba mươi năm có lẻ. Nhiều thế hệ trẻ Việt Nam khác đã lớn lên, chỉ còn nghe kể về những giông bão tàn khốc như một hoài niệm. Không ai biết chính xác, người ta chỉ ước tính khoảng 3 đến 5 triệu người Việt đã mất trong 20 năm chiến tranh. Một đất nước nhỏ chỉ bằng một bang California của Hoa Kỳ. Việt Nam, đất nước tôi với những bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, người viết nhạc, người hát và cả người nghe nước mắt tràn đầy.
Mười hai người ra đi cùng anh tôi năm ấy, nhiều người không trở về. Nếu chúng ta xây dựng bức tường ghi tên những người đã hy sinh trong chiến trận Việt Nam, chắc bức tường đó phải lớn bằng dãy Hoành Sơn. Tôi không bao giờ biết được nấm mộ của anh tôi ở đâu, trong rừng Trường Sơn bạt ngàn hoặc có thể nắm xương tàn ấy đã hòa tan vào trong đất.
Mẹ tôi vẫn khóc và thương nhớ anh tôi sau bốn mươi năm, như chưa bao giờ nguôi. Bà ước mong có ngày tìm được phần mộ của anh. Tôi thường khuyên giải mẹ hãy để anh yên ổn ở đâu đó với đất trời. Quan trọng là người sống phải xứng đáng với sự hy sinh của người đã ngã xuống, đừng để tên tuổi và cái chết của họ phai mờ trong tiềm thức của thế hệ sau.
Lại sắp đến ngày 27-7. Mẹ tôi đã 85, tuổi già khóc, nước mắt chảy vào trong, lại thắp nén hương thương nhớ đứa con trai ngã xuống khi còn quá trẻ. Người ta bàn đến chiến tranh và mất mát. Nhưng có ai đó nói rằng có thể ở thế giới bên kia, linh hồn những người tử trận như Roger và anh tôi đã làm bạn với nhau từ lâu lắm và quên cả cuộc chiến tranh đó rồi.
Thời gian chứng kiến nhiều du khách nối nhau đến thăm bức tường, nhìn những tấm đá hoa cương ghi tên những người lính tử trận, thấy cả bóng mình và đất trời trong đó. Có thể ai đấy đang suy ngẫm về những gì đã mất, tự hỏi mình đã làm gì cho hôm nay và cho tương lai, để quá khứ chiến tranh vô nghĩa, bi thảm và đau thương không còn đeo đuổi.
Để chiến tranh không bao giờ còn xảy ra trên đất nước như đất nước Việt Nam tôi. Để những người mẹ già không phải lau nước mắt, con cháu được sống trong tình yêu và hồn thiêng trẻ mười chín, đôi mươi của Leo Roger hay người anh trai của tôi được bình yên nơi xa vắng.
Theo Blog Hiệu Minh
Leave a Reply