Chia sẽ kinh nghiệm mua hàng ở Hoa Kỳ
“Shopping ở Mỹ” luôn có một sức hút lớn đối với du khách khắp nơi trên thế giới?
Vậy mua hàng ở Mỹ thế nào để được lợi nhất? Ở Việt Nam, vào những ngày lễ giá cả thường lên cao chóng mặt. Còn ở Mỹ thì đây là cơ hội để giới kinh doanh bán lẻ tại Mỹ tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi. Thường mùa big sales tập trung vào các dịp: lễ Phục sinh (tháng 4), lễ Quốc khánh (ngày 4-7), dịp nghỉ hè với chương trình Summer sales hay lễ Tạ ơn với chương trình khuyến mãi kéo dài từ tuần thứ 3 của tháng 11 đến mùa Noel và Tết Dương lịch (cuối tháng 12). Những dịp này, có nơi “sales off” (giảm giá) 70%, thậm chí giảm 90% để lôi kéo người mua.
Mùa mua sắm chính thức bắt đầu khi ngày lễ Tạ ơn kết thúc và kéo dài đến tận Noel. Ngày thứ Sáu sau ngày lễ Tạ ơn là ngày mua sắm đông nhất trong năm, đến mức giới kinh doanh bán lẻ gọi đây là ngày “thứ Sáu đen tối” (Black Friday). Ngày này, họ phải mở cửa từ khi mặt trời chưa ló dạng và phục vụ khách đến tận nửa đêm. Đây cũng là dịp để các nhà kinh doanh tranh thủ tung ra các chiêu khuyến mãi hấp dẫn. Hàng điện tử như điện thoại cầm tay, máy nghe nhạc, máy tính xách tay hay các dụng cụ gia đình lò viba, bếp điện từ và quần áo thời trang… là những mặt hàng được “chuộng” nhất. Không khi nào bạn mua hàng hiệu với giá “bèo” như trong dịp lễ Tạ ơn vì có nơi giảm giá đến gần 90% giá trị món hàng.
Dân du lịch khắp nơi có dịp đến Mỹ mùa này cũng tranh thủ đi mua hàng các outlet, mall để thỏa sức mua sắm với giá cực rẻ. Thậm chí, các công ty du lịch chuyên tour Mỹ còn tổ chức hẳn đường tour mua sắm Mỹ nhân mùa lễ Tạ ơn. Nhà tour chọn lọc những điểm mua sắm nổi tiếng như: Las Vegas Premium outlet, Fashion outlet, Nordstrom, Macy’s… để bạn tha hồ chọn lựa. Bạn sẽ bất ngờ khi mua hàng hiệu chính hãng như: Adidas, Ann Taylor, A/X Armani Exchange, Coach, Guess, Lacoste, Polo Ralph Lauren… với giá giảm đặc biệt, từ 25%-65% giá trị món hàng. Vào dịp này, bạn có thể mua một chiếc DVD giá bán chỉ 4,99 USD, máy hình Casio Exlim chỉ có 129 USD, máy quay JVC dùng phim DV giá chỉ có 179 USD… và dĩ nhiên là số lượng có hạn. Vì thế, bạn phải thức dậy xếp hàng từ 5 giờ sáng. Thậm chí, có người thức từ khuya hôm trước. Cảnh mua sắm ở đây có chứng kiến rồi mới thấy thật kinh khủng! Bãi đỗ xe chật kín. Cả ngàn người rồng rắn trước mỗi cửa hàng.
Không cần đợi “sales off” mới có dịp mua hàng giá rẻ. Có vài “chiêu” để bạn có thể mua được hàng giá rẻ. Nếu phát hiện một lỗi nhỏ trên mặt hàng đang bày bán (một vết son nhỏ trên chiếc khăn lụa, một chiếc áo bị đứt nút hay một vết trầy trên ví da…) nếu biết cách thương lượng, bạn chỉ phải trả cái giá thấp hơn rất nhiều.
Một cách rất hay để mua được hàng giá rẻ là đừng ngại trả giá. Ví dụ tại những cửa hàng trang sức ở Mỹ, những người bán rất vui lòng khi bạn mặc cả. Có những món hàng khi trả giá sẽ được giảm đến một nửa giá hoặc hơn thế. Bạn không nên chấp nhận giá đầu tiên mà họ đưa ra. Đừng ngại hỏi lại: “Đây có phải là giá thấp nhất mà ông (bà) có thể bán ra không?”. Nếu đi cùng hướng dẫn viên, bạn có thể nhờ họ trả giá giùm.
Bạn cũng có thể đến các Factory Outlet mua hàng hiệu giá rẻ (như quần áo, giày dép). Vì ở xa trung tâm thành phố nên giá bán tại các outlet rẻ hơn. Bạn có thể mua hàng sales off tại đây với giá giảm từ 25% – 40%. Dĩ nhiên, hàng khuyến mãi thường thiếu size hoặc thiếu các màu mình thích.
Leave a Reply