Câu chuyện đi bỏ phiếu ở Hoa Kỳ
Trong xã hội Mỹ từ “vote” dùng khắp mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Vote-bỏ phiếu có nghĩa là bày tỏ ý kiến, quan điểm trong một cuộc thăm dò, bầu chọn một ai đó, bỏ phiếu để xác nhận, lựa chọn, quyết định, hoặc chống lại một đề nghị v.v… Định nghĩa về bỏ phiếu trong sách dài dòng như vậy. Còn nói theo ngôn ngữ bình dân của người Mỹ, vote là cách bày tỏ sự đồng thuận để tránh tình trạng áp đặt ý kiến của mình lên người khác.
Nhớ lại năm 2004-năm đầu tiên mình đến Mỹ, cả nhà đến tiệm Best Buy để mua máy quay phim kỹ thuật số. Mỗi người từ cha mẹ đến anh chị em chọn một kiểu máy khác nhau. Bàn cãi một hồi, cô em gái út qua Mỹ từ nhỏ có ý kiến mọi người nên bỏ phiếu-vote cho loại máy nào. Lúc đầu, mình cũng thấy lạ. Vì người Việt thường nghe theo cha mẹ. Nhưng ở Mỹ khác ta, nhỏ út còn đi học vẫn có ý đòi vote. Hoặc trong vụ 911 khủng bố ở Hoa Kỳ, trên chuyến bay 93 hãng United Airline bị rơi ở Pennsylvania, trước khi chống bọn khủng bố trên máy bay, họ còn vote bằng cách giơ tay lên quyết định chống hay không chống bọn khủng bố. Tất nhiên đa số đồng thuận chống. Trong giây phút lựa chọn giữa cái chết và sự sống, họ đã chọn cái chết.
Dân Mỹ thích bỏ phiếu, thích bầu. Hầu như mọi ngày tại các ngả tư đường phố, bác già có, thanh niên có cầm các bảng tên vẫy chào mọi người hãy bầu cho người này người kia. Chức gì cũng bỏ phiếu, từ anh cảnh sát, giám đốc khu học đường (giống như trưởng phòng giáo dục ở VN) cho đến trưởng khoa trường đại học, hiệu trưởng vv…Rồi cũng đi vận động hành lang “nè bầu cho tui nha”, hoặc lên diễn thuyết, rồi cuối cùng tranh tài đấu miệng tay đôi trên truyền hình. Nói chung là ông này bà nọ mọi người đều biết rõ ràng bằng xương bằng thịt chứ không phải từ trên trời ấn định xuống.
Bầu cử tổng thống giống game show
Nói thật vì chưa nằm trong nhóm 5% nhà giàu ở Mỹ, mình chẳng quan tâm đảng cộng hòa hay dân chủ thắng cử tổng thống lần này. Đảng nào cũng vậy thôi, cũng đem lại sự thịnh vượng cho nước Mỹ và người dân Mỹ. Đảng nào cũng linh hoạt thay đổi theo thời thế, chứ chẳng có cương lĩnh gì hết.Nhìn quang cảnh đại hội đảng dân chủ xác nhận ứng cử viên tống thống thế này, nhiều người tưởng là đại nhạc hội hoặc là giải đá banh gì đó. Hàng người dân tự mua vé đến dự đại hội Đảng quay quần trong sân vận động có mái che. Rồi hàng trăm các ca sĩ, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao thể thao đến cổ vũ cho ứng cử viên. Thiên hạ đua nhau xin chữ ký của đương kim tổng thống, cựu tổng thống, tài tử…Đây gọi là sự đồng thuận kiểu Mỹ, không hề có khoảng cách giữa người dân và quan chức, nhìn đại hội đảng mà chẳng thấy đảng viên đâu, toàn người dân ủng hộ và các minh tinh màn bạc, ca sĩ…
Tranh cử tống thổng Mỹ tốn kém kinh khủng. Cách đây 4 năm, để trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, Obama đã tiêu xài hết 750 triệu Mỹ kim. Nghe đâu năm nay người ta ước tính phải chừng 1 tỉ đô. Thế nhưng luật pháp Hoa kỳ rất chặt chẽ, cho dù anh giàu có anh cũng không được dùng tiền túi để tranh cử mà phải quyên góp từ những người ủng hộ. Hội đồng bầu cử liên bang qui định mỗi công dân chỉ quyên góp tối đa cho một ứng cử viên 2 ngàn rưỡi đô cho mỗi lần bầu cử. tất nhiên quyên góp cho đảng sẽ nhiều hơn, tối đa là 70.800 đô.
Nguyên ê kíp ủng hộ và phục vụ tranh cử đã tốn kém kinh khủng. Từ chuyên gia trang điểm, lo trang phục, quảng cáo, dạy cách giao tiếp, kể cách vỗ tay trên sân khấu… Thật còn khó hơn đào tạo đi thi hoa hậu thế giới. Nhớ lại lần tranh luận tay đôi trên truyền hình giữa Obama và John McCain, không hiểu ê kip Mccain nghĩ gì mà khuyên ông già 80 tuổi khi chào Obama đừng bắt tay Obama trước ống kính truyền hình cho hàng triệu người Mỹ xem. Sự ngạo mạn không nên có này làm McCain mất điểm ngay từ đầu và cuối cùng ông đã thất cử.
Thái Bảo
Leave a Reply