Câu chuyện chàng lùn huyền thoại đi Hoa Kỳ
Gian nan “tầm sư học đạo”
Tôi thấy hơi bất ngờ khi người đàn ông tròn ủng ấy có một giọng nói vô cùng truyền cảm, rành mạch bằng lối diễn giải rất khúc triết. Lạ một điều, giọng nói ấy tràn đầy tự tin mà nếu không nhìn thì chẳng ai biết rằng đó là tiếng nói của một người tàn tật. “Học tiếng Anh để làm gì ư? Ban đầu, tớ học để thấy mình không vô nghĩa. Học để cho người ta thấy rằng, thân thể chúng tôi tuy dị dạng nhưng lòng quyết tâm và sự khao khát vẫn bằng hoặc có thể hơn những người bình thường khác”.
Hồi ấy nước ta cũng đã bắt đầu mở cửa. Lác đác đã có khách Tây đến Hà Nội. Tây balô đi bộ qua quán trà đá vỉa hè của anh Phú, muốn uống nước, hút thuốc lá mà không cách gì hiểu được nhau. Câu hỏi anh Phú cứ dằn vặt là: Mình cũng có tiếng nói nhưng sao cứ phải ú ớ như người câm? Một ước mơ trỗi dậy cháy bỏng trong lòng người đàn ông tàn tật: Phải học tiếng Anh.
Những năm tháng tìm thầy dạy ngoại ngữ cho mình là quãng thời gian khổ cực và gian nan nhất trong đời anh Phú. Thời đó, tìm được một người biết tiếng Anh ở Hà Nội cũng không phải là dễ, tìm được người sẵn sàng dạy tiếng Anh cho người tàn tật như Phú thì lại càng khó hơn. Đến trung tâm ngoại ngữ thời bấy giờ phải có giấy giới thiệu của cơ quan. Phú bán nước chè thì lấy đâu ra giấy đó, vả lại học phí cũng không hề rẻ.
Cứ thế, con đường “tầm sư học đạo” của Phú cứ ngày càng mờ mịt. Nhưng rồi cơ may đã đến. Trong một lần nghe lỏm tiếng Anh ở khách sạn Nam Long trên phố Đinh Liệt, Phú được ông chủ khách sạn vời vào hỏi: Này cháu, cháu đi đâu mà cứ 5 giờ sáng đã ra đây nghe ngóng thế, ta đã theo dõi cháu một tháng nay rồi, cháu nói thật đi, cháu muốn lấy cái gì ở khách sạn này? Cháu có đói không?Phú trả lời: – Cháu không lấy gì cả, cháu không đói.
Ông chủ hỏi dồn: – Thế tại sao cháu lại vào đây?
Phú thành thật, mắt rơm rớm nước: – Cháu muốn học tiếng Anh, chỉ thế thôi ạ!
Ông Phiệt à lên một tiếng trước đôi mắt rực sáng khát vọng của chàng lùn chỉ cao hơn 1m này. Và ông xúc động thực sự. Ông bảo Phú: – Tối nay con mang sách vở tới đây, chú sẽ cử một người dạy con học.
Phú không tin vào tai mình, mừng như bắt được vàng, vội quỳ thụp xuống lạy tạ ông Phiệt như tế sao.
Những người thầy đầu tiên
Người dạy tiếng Anh cho Phú là cô giáo Hà, nhân viên khách sạn Nam Long đã từng tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ ĐH Sư phạm Hà Nội. Phú không thông minh, thậm chí đầu óc có phần hơi chậm chạp nhưng có sự kiên trì, nhẫn nại kỳ lạ. Như thể tất cả những khiếm khuyết về thân thể đã dồn vào tạo nên ý chí của chàng lùn. Vậy qua 3 tháng vật lộn với sách vở, Phú đã có thể bập bẹ giao tiếp với người nước ngoài. Bất cứ ông khách Tây nào đi qua quán trà đá, Phú lại nhảy bổ ra, vừa nói vừa ra hiệu, nói đến khi nào người ta hiểu và trả lời lại mới thôi.
Và Phú đã gặp được người bạn tốt nhất cuộc đời mình. Người đã giúp Phú đi sang tận nước Mỹ xa xôi.
Khoảng đầu năm 2001, đang ngồi bán trà đá trước cửa, Phú để ý thấy một người nước ngoài đang lúng túng ngó nghiêng, vẻ như bị lạc đường. Theo thói quen, Phú tới hỏi han rồi chỉ đường cho ông bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Người khách ấy tên Jim, là người Canada. Ông nhìn thẳng vào mắt Phú, vẻ bất ngờ.
Đúng 3 ngày sau, Jim trở lại, đem cho Phú cuốn giáo trình Grammar English Basic và bút mực. Jim bảo Phú: “Bạn thích học tiếng Anh, tôi sẽ dạy cho bạn!”. Và rồi chính Jim cũng không ngờ tới sự kiên trì và ham học của gã đàn ông tàn tật người Việt Nam này. Dần dần, họ trở thành bạn tâm giao. Tết năm 2002, lần đầu tiên Phú được đi chơi xa và đó là bước đi đầu tiên trong hành trình “đi khắp muôn nơi” của mình. Tết năm đó, Jim không về nước mà ở lại Việt Nam. Jim rủ Phú lên Sapa ăn tết.
Chú lùn Việt Nam sang Mỹ
Đầu năm 2009 Chính phủ Mỹ có tổ chức hội thảo về Hiệp hội người lùn trên toàn thế giới. Tất cả những nước đã thành lập hiệp hội này đều có đại biểu tham dự. Riêng ở Việt Nam chưa thành lập hiệp hội này nên không có đại biểu tham gia. Tuy nhiên, qua nhiều phương tiện thông tin truyền thông, tổ chức này biết ở Việt Nam có một người lùn với những năng lực đặc biệt. Qua Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, họ đánh tiếng mời Phú và gửi giấy mời sang. Nhận được giấy mời, Phú mừng trào nước mắt. Nhưng muốn sang Mỹ cũng không phải dễ, Phú phải trải qua một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh hết sức gắt gao cùng nhiều thứ giấy tờ phức tạp. Phú lại lao vào ôn luyện ngữ pháp tiếng Anh cho thật chỉn chu, nghiêm ngắn.
Dù vất vả nhưng anh Phú vẫn có thể bán nước chè nuôi sống bản thân mình |
Cuộc phỏng vấn thành công mỹ mãn. Ngày 2/7/2009 Phú ra sân bay Nội Bài, lên máy bay đi Mỹ. “Cảm giác của tôi lúc đó như một giấc mơ, tôi quên mất rằng mình chỉ cao hơn 1 mét, tôi quên mất thân thể mình dị dạng. Tôi tự hào vì tôi đã luôn làm hết sức mình”, Phú kể lại.
Phú ở New York để tham dự hội thảo về Hiệp hội người lùn thế giới. Hội thảo diễn ra trong 10 ngày, sau đó tất cả đại biểu được đi du lịch trong thành phố. Trong lần đi du lịch đó, Phú được tiếp xúc với một vị lãnh đạo bang Florida. Với bản tính thích giao tiếp lại hoạt ngôn, tiếng Anh chuẩn, Phú được ông ta mời đến Florida để nói chuyện với những người tàn tật trong bang. Phú ở lại Florida hơn 3 tháng và lại được mời đến tiểu bang Alabama miền Nam nước Mỹ 5 ngày, bang Colorado phía Tây nước Mỹ 20 ngày, bang Canifornia 20 ngày. Anh được Hãng Truyền hình CNN phỏng vấn. Ở các nơi, Phú đều được đề nghị kể chuyện về đời mình, về lý tưởng sống của mình để vượt qua số phận, sống vui vẻ để hòa đồng với mọi người. Lịch trình chuyến đi chỉ có hơn 10 ngày nhưng Phú đã ở lại Mỹ đến hơn 6 tháng. Vừa qua, Phú được mời sang Tokyo, Nhật Bản để trò chuyện với người tàn tật.
Hình ảnh chàng lùn bán trà đá, sống độc thân trong căn nhà chưa đầy 2m2 đầu phố Hàng Cót, ngày ngày bầu bạn, tâm sự với những người bạn nước ngoài đã quá quen thuộc với người dân sống trong khu phố. Phú có rất nhiều bạn ngoại quốc, từ Anh, Mỹ, Canada đến Singapore, Thái Lan. Họ thích nghe Phú kể về đất nước con người Việt Nam, nói về văn hóa Việt Nam và Phú lại được nghe họ kể về những vùng đất xa xôi trên thế giới. Với Phú, đó cũng là một cách để “đi khắp muôn nơi”.
Ước mong lớn nhất của Phú hiện tại là thành lập Hiệp hội những người lùn ở Việt Nam. Khi người lùn có một cộng đồng cùng sẻ chia khó khăn họ sẽ bớt đi nỗi cô đơn, bớt đi sự tự ti và thêm hy vọng, cố gắng trong cuộc sống. Họ hoàn toàn có thể có ích cho xã hội, làm được những việc mà những người bình thường khác vẫn làm. Phú nói: “Tôi đã là thành viên của Hiệp hội người lùn thế giới. Hiệp hội người lùn Việt Nam nên thành lập sớm để nhanh chóng có tiếng nói trên diễn đàn này”.
Leave a Reply