Bạn có nghĩ sẽ được học miễn phí trong các trường nổi tiếng của Hoa Kỳ
Cuối tháng 4/2012 hàng loạt trang tin tức như Bloomberg, New York Times, Reuters… đều giật tít lớn về sự ra đời của Coursera, một trang web cung cấp những khóa học miễn phí trên mạng. Sự kiện này được coi là chấn động vì Coursera tập hợp sự tham gia của nhiều trường đại học lớn trên thế giới như Stanford, Princeton….Ngoài việc đảm bảo chất lượng chương trình gần như giáo trình gốc, Coursera cũng sẽ chấm điểm và trao giấy chứng nhận cho học viên khi hoàn thành chương trình.
Đều từng giảng dạy tại ĐH Stanford (Hoa Kỳ), hai giáo sư Andrew Ng. và Daphne Koller cho biết Coursera ra đời từ nguyện vọng được đem những “kiến thức đắt tiền” (mỗi sinh viên thường phải trả trung bình hơn 40.000 USD cho một năm học tại các trường ĐH lớn ở Mỹ) tới những cá nhân không có điều kiện kinh tế nhưng thừa đam mê học hỏi. Trang Coursera (www.coursera.org/courses) hiện cung cấp những khóa học có tính tương tác cao và trải dài từ lĩnh vực công nghệ tới y khoa, sinh học, toán, tài chính, nhân văn… Chỉ cần một microphone và một màn hình vi tính, người học có thể vừa học vừa thảo luận, trao đổi kiến thức với đồng môn trên khắp thế giới.
Các trường đại học tham gia vào chương trình Coursera |
Cả hai giáo sư sáng lập Coursera từng thử nghiệm mô hình giảng dạy trực tuyến miễn phí trong một năm và cho biết rất bất ngờ khi lượng học viên đăng ký vượt qua con số 100.000 trong thời gian ngắn. Đó là động lực để họ bắt tay gầy dựng Coursera. Hiện Daphne Koller và Andrew Ng. đều quyết định giảm hẳn số tiết dạy chính khóa tại ĐH Stanford để có thể dồn sức vào Coursera. “Chúng tôi muốn sử dụng công nghệ để thay đổi nền giáo dục một cách sâu sắc, ý nghĩa nhất” – giáo sư Andrew Ng. nói.
Giáo sư Andrew Ng. cho biết Coursera hiện có khoảng 46 môn học đang được giảng dạy và trong tương lai gần sẽ bổ sung những môn cần thiết khác vào những tháng kế tiếp. “Bên cạnh những kiến thức hàn lâm, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc giúp các bạn trẻ cải thiện những kỹ năng mềm, thực tế như làm sao để viết thư xin việc, thư tự giới thiệu bản thân và định hướng phát triển nghề nghiệp… một cách tốt nhất”. Ông cũng cho biết hiện chương trình đang tiếp tục tìm hiểu, thuyết phục và ký kết với nhiều trường khác để bổ sung nguồn tư liệu miễn phí cho người học.
Trước băn khoăn của một số người rằng “những gì miễn phí thường sẽ kém chất lượng” và số khác nghi ngại Coursera sẽ thu phí trong tương lai, giáo sư Daphne Koller tự tin: “Các bạn có thể kiểm tra tên và danh tiếng của những giáo sư tham gia chương trình, hiện những cá nhân kết hợp với chúng tôi đều đến từ các trường đại học lớn nhất nước Mỹ như: Princeton, Stanford, Pennsylvania… Hầu hết họ, bên cạnh việc ham học hỏi, đều rất đam mê giảng dạy và chia sẻ tri thức. Họ gắn kết với Coursera không phải vì lợi nhuận bởi hầu hết giảng viên của chương trình đều không có lương”.
Giáo sư Daphne Koller cho biết thêm về lý do Coursera thực hiện miễn phí: chương trình nhận được khoản đầu tư 16 triệu USD từ các tập đoàn đầu tư như Kleiner Perkins Caufield & Byers và New Enterprise Associates. Toàn bộ chi phí này được sử dụng cho việc điều hành web, nâng cao chất lượng chương trình… “Do đó chúng tôi đảm bảo bài giảng trên mạng có chất lượng tương tự giáo trình gốc, không cứ miễn phí là chất lượng kém” – bà nói.
Chia sẻ về việc có nhiều môn học thú vị trên Coursera, tuy nhiên phần lớn lại chỉ phù hợp với con người và xã hội phương Tây chứ ít phù hợp với điều kiện xã hội, nhu cầu của các quốc gia đang phát triển như VN, giáo sư Andrew Ng. bày tỏ: “Dù đã nỗ lực hết sức nhưng chúng tôi tin rằng trang web hiện chưa thể đáp ứng hết yêu cầu từ mọi người. Chúng tôi hiện chỉ tập trung vào những môn học có tính phổ biến, ứng dụng cao mà nhiều người cần”. Và ông gợi ý:” Nếu các bạn có những góp ý, yêu cầu cụ thể thì có thể gửi phản hồi về trang web để chúng tôi tiện tham khảo và đưa ra những thay đổi, bổ sung cần thiết sau này”.
Leave a Reply