Cơ quan hàng không vũ trụ NASA kỷ niệm 45 năm ngày lên Mặt Trăng
Sau gần 5 thập kỷ kể từ khi Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969, sắp tới đây NASA sẽ kỷ niệm dấu mốc lịch sử của nhân loại đồng thời hướng đến bước nhảy vọt lớn tiếp theo: đưa con người đặt chân lên sao Hỏa.
Trên trang chủ của mình, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ nhấn mạnh rằng: “Đã 45 năm trôi qua sau khi Neil Armstrong đặt bước chân nhỏ bé đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng. Chúng ta vẫn đang đứng trên một chân trời mới, sẵn sàng để thực hiện bước nhảy lớn tiếp theo, tiến xa hơn vào hệ Mặt Trời. Khi phát triển và thử nghiệm các công cụ mới theo kế hoạch du hành không gian thế kỷ 21 Path to Mars, chúng tôi xác định sẽ một lần nữa viết nên trang sử mới trong lịch sử thế giới.”
Giám đốc NASA – Charles Bolden nói: “Hôm nay, tại NASA, chúng tôi đang làm việc để thực hiện bước nhảy vọt tiếp theo – một sứ mạng có con người đến sao Hỏa, đứng trên bờ vai của những phi hành gia kỳ cựu Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins. Trong lễ kỷ niệm lần thứ 45 này, chúng tôi đang hướng đến lộ trình sao Hỏa và các cột mốc khả thi tiếp theo trong chương trình Path to Mars. Chúng tôi đang bước trên một con đường với một nền tảng chắc chắn được xây dựng từ những công việc phi thường đã và đang được các phi hành gia của chúng tôi thực hiện trên trạm không gian trong hơn 13 năm qua nhằm chuẩn bị cho chuyến du hành xa hơn vào hệ Mặt Trời.”
Bolden nhấn mạnh rằng công nghệ đã định hướng cho công cuộc khám phá không gian. Ông nói: “Chúng tôi đang thử nghiệm các công nghệ mới nhằm tiến đến giai đoạn chứng minh nền tảng khám phá không gian sâu (Proving Ground) và sau cùng chúng tôi hướng đến giai đoạn khám phá độc lập với Trái Đất (Earth Independent) khi đến được sao Hỏa.”
Bước chân đầu tiên của Neil Armstrong trên Mặt Trăng. |
Sau sứ mạng Apollo, các nhà khoa học tại NASA tiếp tục xây dựng dựa trên công nghệ để tạo nên một thời đại khám phá không gian mới – một thời đại mà họ đã thiết lập trạm không gian quốc tế ISS, phóng thành công tàu con thoi, triển khai thành công kính thiên văn vũ trụ Hubble, gởi các tàu thăm dò tự hành lên sao Hỏa và đưa tàu viễn chinh Voyager 1 vào không gian liên sao.
Trạm không gian ISS hiện đang bay trên quỹ đạo cách Trái Đất 402 km là một công cụ tối quan trọng trong việc cung cấp những thứ cần thiết để các phi hành gia sống, làm việc, nghiên cứu và phát triển trong thời gian cư ngụ lâu dài trong không gian.
Để đưa các phi hành gia vào không gian sâu và trở về an toàn, các nhà khoa học đang phát triển tàu vũ trụ Orion cũng như các tên lửa đẩy hạng nặng với thời gian hoạt động kéo dài qua dự án Space Launch System. Cùng nhau, chúng được thiết kế để đưa con người đi xa hơn trong hệ Mặt Trời. “Chúng là con tàu đưa loài người đến sao Hỏa và xa hơn nữa,” NASA nhấn mạnh.
Theo chương trình Path to Mars, giai đoạn Proving Ground sẽ bao gồm việc khám phá một hành tinh gần Trái Đất. Tháng trước, NASA đã công bố kế hoạch “bắt giữ” một hành tinh nhỏ trong vòng 4 năm tới và họ dự kiến sẽ phóng một tàu thăm dò tự động để lai dắt hành tinh này vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng. Sau đó, các phi hành gia sẽ được đưa lên tàu vũ trụ Orion để khám phá hành tinh này và trở về Trái Đất với các mẫu vật thu thập được.
Từ đây, NASA sẽ tiến đến sứ mạng khám phá sao Hỏa có con người kéo dài từ 2 đến 3 năm. Một khi đã đặt chân lên sao Hỏa, các nhà khoa học hy vọng rằng họ sẽ có thể trả lời những câu hỏi cơ bản như liệu sự sống có tồn tại bên ngoài Trái Đất hay liệu con người có thể sống trên sao Hỏa trong tương lai hay không?
Theo NASA: “Thập niên khám phá không gian sắp tới đây sẽ là một khoảng thời gian thú vị với sự phát triển và thử nghiệm nhanh chóng của công nghệ. Vào tháng 12 năm nay, chúng tôi sẽ thực hiện những chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của tàu vũ trụ Orion.”
Leave a Reply