Tiểu luận “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” (Chương 13)
Đây là một tác phẩm thực sự đáng đọc bởi sự sâu sắc của những suy ngẫm và sự lấp lánh của ngôn từ.
Chúng tôi xin trích đăng những chương nói về nước Mỹ, người Việt ở Mỹ và cuộc sống Mỹ.
Chương XIII
Sang Mỹ được gần hai tháng tôi mới đến thăm Diệu Linh. Ngay tuần đầu tiên đến Mỹ, Diệu Linh đã gửi email cho tôi: ” Chú Thiều ơi, chú phải đến nhà ăn cơm với vợ chồng cháu”. Nhưng vì bận công việc mãi tôi mới tới được. Tôi cũng muốn đến xem cô sống một cuộc sống mới ra sao. Diệu Linh là con gái cả nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Cô tốt nghiệp khoa tiếng Anh đại học Huế cách đây chừng sáu năm. Tôi gặp cô khi cô đang học năm thứ ba đại học. Một cô gái Huế xinh đẹp, ngoan ngoãn và thông minh. Tôi đã nhờ cô dịch giúp tôi trong buổi gặp gỡ giữa các nhà văn Mỹ và nhà văn Huế. Dù nói tiếng Anh, nhưng giọng Huế của cô vẫn dịu dàng và dễ “chết người”.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ có ba cô gái đều có năng khiếu ngoại ngữ. Cô con gái thứ hai, Diệu Lan, là một trong những phiên dịch trẻ nhưng rất giỏi của Bộ Ngoại Giao. Còn cô gái út cũng đang học ở Học viện Quan hệ Quốc tế. Khi Diệu Linh vừa ra trường thì một tai nạn khủng khiếp ập đến. Gã thanh niên từng theo đuổi cô đã dùng một lon axit tạt vào giương mặt đẹp như hoa của cô. Và tất cả lúc đó đối với cô như đã chấm dứt. Tôi gọi điện cho nhà văn Tô Nhuận Vỹ khi ông đang ở Sài Gòn bên giường bệnh của con gái ông. Khi nói chuyện với tôi về những gì đã xẩy ra với con gái mình, lúc đó ông không khóc, nhưng tôi biết có một lưỡi dao vô hình đang cắt từng khúc ruột của ông, đang đâm từng nhát vào trái tim ông. Có lẽ đó là nỗi đau đớn lớn nhất mà ông phải gánh chịu trong cuộc đời mình, hơn cả vết thương bom đạn mà ông từng gánh chịu trong chiến tranh.
Với hầu hết tất cả những người cha, người mẹ thì những đứa con là tài sản tinh thần lớn nhất của cuộc đời họ. Họ sẵn sàng gánh chịu tất cả cho những đứa con. Khi con gái tôi còn nhỏ, cháu hay đau ốm, bệnh tật. Tôi đã đi chùa và khấn rằng: hãy lấy đi những gì của tôi có như đôi mắt, đôi chân hay đôi tay chứ đừng bắt con gái tôi phải gánh chịu điều gì. Với chúng ta, những đứa con lúc nào cũng bé bỏng và tội nghiệp cần được che chở.
Tôi có xem một bộ phim Mỹ về một câu chuyện có thật của một gã trùm ma tuý. Tên tội phạm này bị kết án tù 250 năm. Ngày ngày trong khu vườn của nhà tù, gã chỉ đợi chờ một điều duy nhất : đó là đứa con gái của gã sẽ đến thăm gã. Nhiều lúc, gã sống trong ảo giác như một kẻ tâm thần. Đứa con gái của gã đã lớn vào thăm gã. Cô gái đã ôm lấy gã khóc và gọi gã.
Gã chỉ có thể tỉnh khỏi cơn mê mỗi khi người cảnh sát trại giam gọi gã về khi bóng tối đã đang trùm xuống khu vườn nhà tù. Nhưng quanh gã chẳng có ai ngoài những bức tường nhà tù im lặng. Và cứ thế, suốt hàng chục năm trong nhà tù, gã đã mơ giấc mơ đau đớn và tội nghiệp ấy, nhưng gã không bao giờ gặp được cô con gái. Gã đã chết trong tuyệt vọng. Tôi nghe nói nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã có lúc rơi vào tuyệt vọng vì quá thương xót đứa con của mình. Một đứa con xinh đẹp nhường kia, hiền thảo nhường kia và đang đầy mơ ước của một tương lai tốt đẹp bỗng mang một gương mặt kỳ dị. Ông sẽ phải chịu đớn đau và kinh hoàng như thế nào khi nhìn thấy mặt con. Lúc đó, tôi nghĩ ông phải đưa con mình sang Mỹ để phẫu thuật. Với những phương tiện hiện đại nhất và với điều kiện chữa bệnh tốt nhất hiện nay trên thế giới, các bác sỹ Mỹ sẽ giúp con gái ông được một phần nào đó. Lúc đó, tôi nghĩ đến nhà thơ Kevin Bowen.
Tôi nói với nhà văn Tô Nhuận Vỹ về điều đó và tôi viết thư cho Kevin. Kevin đã làm tất cả những gì có thể cho những người bạn Việt Nam và cho Việt Nam như ông đã từng làm. Cuối cùng, Kevin và những người bạn Mỹ khác đã đưa được Diệu Linh sang Mỹ để chữa bệnh. Họ đã tìm cho Diệu Linh một học bổng. Trong thời gian học và chữa bệnh tại Mỹ, một chàng trai Mỹ đẹp trai làm nghề kế toán cho một công ty thương mại Mỹ đã yêu Diệu Linh và cưới cô làm vợ. Một điều kỳ diệu đã xẩy ra trên thế gian này. Tôi đã nói với một người bạn ở Việt Nam rằng : Thượng đế luôn luôn tìm cách che chở cho những con người bất hạnh và yếu đuối.
Thượng đế đã chọn chàng trai người Mỹ kia để che chở và an ủi Diệu Linh. Phải có một tình thương lớn và một tình yêu hoàn toàn trong sáng và mãnh liệt như lửa thì chàng trai kia mới đi đến hôn nhân với một cô gái mang gương mặt như thế. Họ đã làm hôn lễ. Cô dâu Diệu Linh đã đưa chồng mình về quê hương cô, thành phố Huế thơ mộng. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã khóc trong hạnh phúc và tổ chức tiệc lớn mừng con gái ông. Tôi cùng gia đình Kevin đã đến thăm ngôi nhà mới của vợ chồng Diệu Linh. Một ngôi nhà rất đẹp. Đôi vợ chồng trẻ này đã cùng nhau sửa sang ngôi nhà cũ thành một ngôi nhà đẹp. Trong nhà có rất nhiều tranh ảnh và các đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bước vào ngôi nhà này dù chưa biết chủ nhà là ai thì cũng dễ dàng nhận ra đó là ngôi nhà của một người Việt. Diệu Linh ôm lấy tôi xúc động. Giọng nói và sự dịu dàng rất Huế của cô vẫn như bảy năm về trước tôi gặp cô ở Huế.
Tôi nhìn vào gương mặt cô. Cô nhìn tôi và nói: “Cháu đã phẫu thuật mười một lần rồi mới được thế này đấy chú ạ”. Rồi cô tíu tít hỏi thăm tôi. Và chỉ sau mươi phút, tôi không còn thấy sự khác biệt giữa một Diệu Linh bây giờ và một Diệu Linh bảy năm về trước. Một cái gì đó thật tuyệt vời đã xoá đi những khác biệt về hình thức của cùng một con người. Ngay sau ấy, một chàng trai trẻ, hiền lành bước vào. Diệu Linh bảo tôi: “Chồng cháu đấy”. Rồi cô dưới thiệu tôi với chàng trai người Mỹ kia: “Đây là chú Thiều, bạn của bố Vỹ”. Chàng trai bắt tay tôi và nói bằng tiếng Việt: “Chào chú”.
Trước bữa ăn tối, chồng cô dẫn tôi ra mảnh vườn sau nhà và nói vợ anh đã làm mảnh vườn đó. Giữa mảnh vườn nhỏ có một luống rau cải. Sau bữa tối, cô pha trà Việt Nam, cô mang bánh đậu xanh Hải Dương, kẹo mè sửng Huế và mứt gừng do mẹ cô làm gửi sang mời mọi người. Cô đã hoàn toàn thổi vào ngôi nhà giữa nước Mỹ một đời sống thuần Việt. Chàng trai người Mỹ kia đã đón nhận những gì mà vợ anh muốn. Trong khi uống trà và nói chuyện, anh luôn luôn nhìn vợ mình bằng đôi mắt dịu dàng và yêu thương. Suốt buổi tối hôm ấy, tôi đã nhận thấy trong đôi mắt của chàng trai kia nhìn vợ có ánh mắt của một người cha, ánh mắt của một người chồng, của một người tình, của một người bạn và có cả ánh mắt của Thượng đế. Cô đã được ban phước. Và tôi thấy trên thế gian của chúng ta luôn luôn có sự hiện hình của quỉ và của thánh thần.
Một gã đàn ông đã huỷ hoại đời cô thì ngay sau đó có một người đàn ông khác đã cứu vớt đời cô. Dù ba má cô, chị em và bè bạn cô có yêu thương cô đến đâu cũng không thể an ủi cô khỏi tuyệt vọng bằng tình yêu của người đàn ông kia. Diệu Linh đã tốt nghiệp cao học ở Mỹ và đã đi làm. Cô kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện. Có thể tôi chẳng còn nhớ lắm những câu chuyện ấy. Nhưng có một điều tôi không thể quên là giọng nói lạc quan và tự tin của cô. Lý do gì đã mang lại cho cô một sự tự tin như vậy ? Tôi nghĩ có nhiều lý do. Đó là bản lĩnh của cô, là những cuộc phẫu thuật thành công của y học Mỹ làm cho gương mặt của cô trở nên gần gũi với chính cô và với mọi người hơn, là những niềm vui mà cô tìm thấy trong cuộc đời đã có những ngày tháng bất hạnh…
Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, đó là tình yêu của chàng trai người Mỹ kia giành cho cô. Nếu cô vẫn chỉ sống trong cô đơn, để mỗi buổi chiều đi làm về lại sống một mình trong căn phòng đi thuê giữa nước Mỹ mênh mông và nhiều xa lạ, để mỗi lúc nhìn vào gương lại thấy hiện nên gương mặt đau đớn của mình thì cô sẽ không sống nổi. Tình yêu đã cứu vớt cô. Theo tôi, đó là một tình yêu quá lớn, quá kỳ diệu. Thượng đế đã ban phước cho cô và cô phải giữ lấy.
Tôi có nghe một câu chuyện giống như một câu chuyện cổ tích về một cô gái có gương mặt như cô. Cô gái ấy bị mọi người xa lánh. Nhưng có một chàng trai đã yêu thương cô gái ấy. Chàng trai ấy đã yêu những gì cô có trong tâm hồn và số phận cô và đã lấy cô làm vợ. Cô gái ấy đã được một bác sỹ như có pháp thuật chữa cho gương mặt cô dần dần trở lại xinh đẹp như xưa. Khi cô có được gương mặt đẹp như xưa cũng là lúc cô trở nên rất giàu có.
Hàng ngày cô giành rất nhiều thời gian để chiêm ngưỡng giương mặt xinh đẹp của mình trong gương và ngắm nhìn vàng bạc của cô đựng trong những chiếc rương lớn và cô bắt đầu trở nên kiêu ngạo. Khi gương mặt đẹp của cô và vàng bạc của cô trở nên rực rỡ thì tâm hồn cô bắt đầu mờ tối. Trước kia, cô luôn luôn thấy mình bé bỏng và yếu đuối. Lúc nào cô cũng sợ hãi và cô cần sự che chở của chàng trai. Cô sống như một cái cây bé bỏng trong bão gió của đời sống. Cô yêu tất cả những gì yếu đuối và muốn che chở chúng. Cô sống trong tình yêu đối với chồng cô như đối với một vị thánh bởi cô luôn luôn thấy rằng: nếu không có người đàn ông ấy thì cô đã bị ném vào bóng tối của sự lãng quên và cô độc.
Người đàn ông ấy đã kéo cô ra khỏi sự sợ hãi và tuyệt vọng. Nhưng bây giờ cô thấy chính cô đang ban ơn cho người đàn ông. Bởi cô nghĩ cô là một người đàn bà có nhan sắc và giàu có. Cô nhìn lại người chồng của mình và thấy anh thật ngờ nghệch và tội nghiệp. Anh ta chỉ là một công chức quèn và sống quá vụng về.Anh ta luôn luôn nói đến vẻ đẹp của tâm hồn, cái mà bây giờ đối với cô chỉ là một sự lãng mạn hão huyền. Và người đàn ông ấy đã bỏ đi vì không còn yêu cô nữa. Bởi cô đã đánh mất cái mà người đàn ông đã vì đó mà yêu cô.
Cô sống với những lời ca tụng, những sự săn đón của những kẻ muốn lợi dụng nhan sắc và tiền bạc của cô. Nhưng mọi sự giả dối không bao giờ tồn tại được lâu. Vở bi hài kịch kết thúc. Tiền bạc và một tâm hồn trống rỗng đã không mang lại niền vui đích thực cho cô. Nhưng tất cả đã muộn. Cô không thể được ban phước hai lần. Bây giờ ở Việt Nam, những vụ tạt axit ngày một nhiều hơn và man rợ hơn. Tội ác ấy khủng khiếp hơn rất nhiều những tội ác khác. Bởi nạn nhân vẫn phải sống và chứng kiến sự sau đớn và tuyệt vọng của chính mình hàng ngày hàng tháng. Tôi hỏi một số người Mỹ về loại tội ác này thì tất cả trả lời là họ chưa nghe nói về tội ác này ở Mỹ. Hầu hết những vụ tạt axit là vì tình. Tình yêu, sự ban phước của Thượng đế cho con người. Nếu không có tình yêu, cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng tình yêu cũng là sự đày đoạ đau đớn đối với con người. Hôn nhân đã xuất hiện. Nó giống như vòng kim cô thắt vào trái tim con người.
Con người đã quá đau khổ vì hôn nhân. Và qua hàng thế kỷ đấu tranh, con người đã tìm được quyền thoát khỏi hôn nhân khi nó trở thành sự đày đoạ họ. Khi vợ chồng không còn yêu nhau hay người vợ hoặc người chồng không còn tình yêu đối với người kia nữa thì cách tốt nhất là để cho người đó tự do đi khỏi ngôi nhà hôn nhân. Con người hiểu rõ điều đó nhưng lại không chịu đựng được điều đó. Và họ trở nên thù hận và tìm cách trả thù nhau và một sự trả thù dã man như tạt axít xuất hiện.
Những người may mắn được sang Mỹ chữa bệnh như Diệu Linh quá hiếm hoi. Những người may mắn có được một tình yêu như cô lại càng hiếm. Hình như những nạn nhân như Diệu Linh ở Việt Nam chưa có ai may mắn như Diệu Linh. Từ nhà vợ chồng Diệu Linh trở về, tôi nghĩ cô như một cô gái trong chuyện cổ được ban cho ba hạt đào tiên. Cô đã cắn vỡ hạt đào thứ nhất và đang dần dần tìm lại từng phần của gương mặt xưa. Cô đã cắn hạt đào thứ hai và cô có được tình yêu và hạnh phúc. Còn một hạt đào nữa. Tôi cầu mong cô không phải cắn đến hạt đào cuối cùng này. Mà có lẽ, toàn bộ phép tiên trong hạt đào thứ ba này lại chính là cô
(Còn tiếp)
Leave a Reply